Phản biện hay chia rẽ dân tộc?

Người xem: 137

GS Nguyễn Đình Cống vừa nhanh nhảu tung bài “Ai đã lựa chọn con đường cho Việt Nam?” trên trang Tiếng Dân, ngày 3/9. Có lẽ, cố kịp tiến độ cho việc “phản biện” (?) phát biểu của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 (2-9-1945/2-9-2023), nguyên văn câu của ông Võ Văn Thưởng là “Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn”, thì GS Nguyễn Đình Cống dẫn thành “Đảng, bác Hồ, Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường Độc lập gắn với Chủ nghĩa xã hội (CNXH)” 

Việc dẫn lại không chính xác (thay đổi trật tự; thay đổi chữ viết hoa) khiến nhiều người đâm hoài nghi: chẳng lẽ một người làm nghiên cứu lâu năm như GS Cống lại quên thế nào là nguyên tắc trích dẫn nguyên văn? 

Cho dù thể tất sơ xuất của người cao niên đi, thì cũng không thể chấp nhận cái gọi là “phản biện” của vị GS đang ngày một tỏ ra cao ngạo này.
 
Từ câu hỏi (tự đặt ra) “Xin hỏi, bạn có phải là nhân dân không? Bạn đã lựa chọn con đường ở đâu, lúc nào, như thế nào?”, GS Cống đã tự trả lời mà chẳng căn cứ vào thực tiễn lịch sử rằng: “Thật ra, trong việc tìm con đường, nhân dân Việt Nam chẳng lựa chọn gì cả”. Cao ngạo và thiếu khiêm tốn khiến chê người, nhưng GS Cống quên mình chỉ là một trong 100 triệu dân Việt Nam. Thế nên, cho dù không đồng tình con đường “độc lập dân tộc gắn với liền với CNXH), thì đó là chuyện cá nhân ông, chứ sao có thể đánh đồng thành nhân dân quảng đại được? Làm thế, sợ có người còn nghi GS Cống không chỉ mắc bệnh cao ngạo, mà còn có dấu hiệu bệnh vĩ cuồng cũng nên.
 
Ông Chủ tịch Võ Văn Thưởng khẳng định “Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn” chẳng phải một sự hàm hồ, “nói mà không nghĩ” như GS Cống cố thóa mạ.
 
Lịch sử chứng minh điều đó. Trước Hồ Chí Minh, các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc theo nhiều khuynh hướng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đều đi đến thất bại – một biểu hiện của khủng hoảng về đường lối. Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh xuất hiện và chàng thanh niên yêu nước này đã cố công tìm lời giải cho cách mạng Việt Nam. Sau nhiều năm bôn ba khảo cứu, kiểm nghiệm, Hồ Chí Minh đã kết luận, cách mạng chỉ là triệt để khi giải phóng dân tộc phải gắn liền với tự do, ấm no và hạnh phúc thật sự cho nhân dân, giải phóng con người một cách triệt để. Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
 
Hồ Chí Minh đã nhận thấy đi tới mục tiêu cao cả ấy bằng con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo hệ tư tưởng Mác-Lênin. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
 
Một trong những điều làm nên tầm vóc Hồ Chí Minh là sự sáng tạo. Sáng tạo không ngừng, chứ không máy móc, kinh viện. Sáng tạo khiến Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập, căn cứ thực tiễn, luôn phát triển, bổ sung lý luận, đường lối cách mạng của Việt Nam, khiến nó trở thành nguyên nhân cơ bản làm nên Cách mạng tháng 8/1945 “long trời lở đất” như thừa nhận của lịch sử. Sự sáng tạo ấy dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, có vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế như ngày nay; đang hướng đến tầm nhìn 2045 thành nước có thu nhập cao…
 
Tất nhiên, lịch sử vốn phức tạp, quanh co. Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng từng có những sai lầm, khuyết điểm. Điều may mắn là nhờ bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính, Đảng nhận ra sai lầm, quyết tâm sửa chữa, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhờ thế, lòng tin của nhân dân dành cho Đảng được hồi phục, củng cố và tăng cường – yếu tố quan trọng nhất giúp Đảng xứng đáng với sứ mệnh và tiếp tục nỗ lực hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
 
Cùng trong bài viết nhân danh cái gọi là “phản biện” của mình, GS Nguyễn Đình Cống còn phân chia nhân dân Việt Nam thành “ba nhóm có vai trò, quyền lợi và nguyện vọng cụ thể khá khác nhau”:
 
Dân nhóm một là những người được ưu đãi, có quyền lợi gắn chặt với chế độ. Dân nhóm hai là những người lao động bình thường, họ làm việc và đóng thuế cho nhà nước. Dân nhóm ba là tầng lớp trung lưu, có nhu cầu cao về tự do dân chủ để lao động sáng tạo, để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trong số họ có các trí thức tinh hoa, các văn nghệ sĩ ưu tú, họ có nhu cầu và thích phản biện để vạch ra những sai sót của chính quyền, làm một việc mà lãnh đạo cộng sản rất ghét, rất sợ và ra sức triệt phá.
 
Tùy tiện hết cỡ – đó là điều có thể khẳng định qua cái sự “phân chia” của GS Cống. Tùy tiện bởi đố GS Cống tìm ra được một quy định nào cho cái gọi là “nhóm một” với những ưu đãi đấy? Những kẻ lợi dụng quyền lực để trục lợi, làm giàu không chỉ bất lương mà còn vi phạm pháp luật, không thể gọi là ưu đãi hay biệt đãi. Chúng phải bị xử lý, và trong thực tế, nhiều kẻ đã “vào lò”.
 
Với cái gọi là “nhóm hai”, GS Cống còn phạm tội vu khống, xúc phạm những người lao động bình thường, coi họ như đám “vô tri” khi dám hạ bút rằng: “Nhóm này chiếm số đông trong xã hội, họ phục tùng bất kỳ chính quyền nào, đóng thuế cho bất kỳ nhà nước nào đang cai quản, tuân lệnh bất kỳ quan chức…”.
 
Nếu thụ động, có tâm thế nô lệ thế, sao người dân có thể căm thù quân xâm lược, dám đứng lên đi theo các nhà yêu nước khởi nghĩa chống Pháp, và sau này, theo Việt Minh làm cuộc Cách mạng tháng 8/1945?…
 
Với cái gọi là “nhóm ba”, GS Cống không thể nhập nhèm đánh lộn, cào bằng giữa một số người nhân danh phản biện để thổi phồng, khoét sâu những hạn chế, thiếu sót, mặt trái (mà xã hội nào cũng khó tránh khỏi) để làm cái việc gọi là “phản biện” không chỉ thiếu xây dựng, mà còn vì động cơ phá bĩnh công cuộc đổi mới của đất nước, gây chia rẽ, đối lập người dân với chính quyền, kích động dư luận xã hội.
 

Mà này, thưa và nhắc nhẹ GS Nguyễn Đình Công, riêng vụ ông hạ bút phân chia tùy tiện “Nhân dân Việt Nam hiện nay có gần trăm triệu người, tạm chia ra ba nhóm, có vai trò, quyền lợi và nguyện vọng cụ thể khá khác nhau”, là hành vi chia rẽ, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc rồi đấy!

Nguồn: Đức Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *