Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, TP HCM còn 67 cây cầu có nguy cơ cháy, nổ
Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình cầu tại TP HCM xảy ra tình trạng đốt rác khiến người dân bất an. Từ thông tin đáng lo ngại này, phóng viên Báo Người Lao Động đã có nhiều ngày tìm hiểu.
Khiêu khích “bà hỏa”
Ghi nhận tại cầu Tham Lương (nối quận 12 và Tân Phú, Tân Bình) cho thấy gần mố cầu phía quận Tân Bình tồn đọng bãi rác rất to. Một tiểu thương gần đó cho hay thỉnh thoảng có người ra đốt rác để giảm ô nhiễm và đã có những lần đốt mà khói lửa bùng to khiến ai cũng sợ. Ở bên kia mố cầu phía quận 12, chúng tôi phát hiện một mảng tường ở dạ cầu bị cháy xém thể hiện dấu tích đốt rác.
Tương tự, tình trạng đốt rác dưới dạ cầu thường xuyên diễn ra ở khu vực cầu Chợ Cầu (nối quận 12 và Gò Vấp). Do ngay dưới dạ cầu (phía quận 12) là con đường tạm chạy dọc kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, khu vực vắng vẻ, nhiều cỏ dại nên người dân thường đến đây đổ rác. Bức xúc nhưng chẳng biết làm sao, một số hộ dân gần khu vực phải tự xử lý bằng cách đốt, vô tình gây mất an toàn cho công trình.
Một mảng tường dạ cầu Tham Lương (quận 12) cháy xém
Không chỉ là nơi tập kết rác, một số cây cầu ở TP HCM còn bị chiếm dụng không gian, như dạ cầu Ông Lãnh (quận 1) nhiều năm nay biến thành nơi buôn bán của một số người dân. Tương tự, dọc hành lang cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cũng bị dùng cho việc để hàng hóa, vật liệu của các hộ buôn bán gây nhếch nhác.
Dọc chân cầu Chữ Y (nối quận 5 với quận 8) không chỉ là nơi chứa rác sinh hoạt của các hộ dân gần chân cầu mà còn có nhiều dây điện, dây cáp nối nhau chằng chịt.
Rác bên mố cầu Tham Lương (quận Tân Phú)
Còn tại dạ cầu Hang Trong (quận Gò Vấp) hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là bãi rác bốc mùi. Trộn giữa chúng là những vết tro vụn của những lần đốt rác. Bà Từ Thâu Lang (56 tuổi, sống gần đó) kể hằng ngày bà chứng kiến nhiều người mang rác ra vứt, những người kéo xe bán trên vỉa hè khi bán xong cũng tiện tay quăng phế phẩm. “Thỉnh thoảng có người ra đốt nhằm giảm bớt lượng rác nhưng đốt vừa nguy hiểm mà bãi rác cứ nằm đó ngày này qua ngày khác” – bà Lang than.
Xử lý để tránh nguy cơ cháy, nổ
Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm dạ cầu, mố cầu, hành lang an toàn cầu gây mất an toàn cho công trình cũng như hạn chế nguy cơ cháy, nổ, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết cuối tháng 2 vừa qua, sở đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp thường xuyên với đơn vị quản lý cầu, tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra. Qua kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như buôn bán, lấn chiếm, để vật dụng dưới gầm cầu…
Dạ cầu Chữ Y bị chiếm dụng
Song song đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị phối hợp Thanh tra Sở GTVT rà soát tình trạng quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, cáp quang lắp đặt trên cầu, dưới gầm cầu, trong phạm vi hành lang an toàn cầu. Sau đó, báo cáo những trường hợp có nguy cơ gây cháy, nổ, mất an toàn.
Riêng các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện, cáp quang, cáp thông tin… lắp đặt trên cầu, hầm đường bộ phải di dời, giải tỏa ra khỏi công trình cầu, hành lang an toàn công trình cầu nếu nguy cơ gây sự cố cháy, nổ.
“Sau khi có văn bản, nhiều địa phương đã chấn chỉnh, nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, việc xử lý cần quyết liệt hơn vì qua thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, sau khi rà soát đầu tháng 3 thì toàn thành phố vẫn còn 67 cây cầu có nguy cơ cháy, nổ” – đại diện Sở GTVT thông tin.
Dạ cầu Chữ Y bị chiếm dụng
Về phía Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ sẽ tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý tình trạng xâm hại kết cấu công trình và các bất cập khác trong hành lang an toàn cầu, duy trì việc kiểm tra dọn dẹp vệ sinh trong phạm vi quản lý.
Riêng đối với kho khu vực dạ cầu Bình Lợi và khu vực cầu Phú Hữu, trung tâm sẽ thường xuyên rà soát, kiểm tra nhắc nhở đơn vị quản lý vận hành kho là Công ty CP Công trình Cầu phà, Công ty CP Công trình Giao thông Sài Gòn bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Những vụ cháy gần đây
Vụ cháy trên cầu Điện Biên Phủ 1 (quận 1) ngày 21-2 đã gây hư hỏng một số khung lan can cầu, ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu, an toàn công trình.
Trước đó, đã xảy ra sự cố cháy dưới gầm cầu Bình Triệu 1 (quận Bình Thạnh) do chập điện và sự cố cháy dưới gầm cầu Rạch Lăng 1 (quận Bình Thạnh) do người dân đốt rác.
Tuy các địa phương đã nhắc nhở người dân nhưng tình trạng lấn chiếm dạ cầu, mố cầu để buôn bán, tập kết rác, vật liệu hay mất an toàn hệ thống cáp điện vẫn diễn ra.
Điểm tên 9 cây cầu nguy cơ cao
67 cây cầu trên địa bàn TP HCM mà Sở GTVT nhắc tên bị người dân lấn chiếm để buôn bán, sinh hoạt, tập kết vật liệu ở dạ cầu, khu vực gần mố cầu. Việc này không những tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mà còn đe dọa mất an toàn cho công trình.
Có 9 cây cầu trong số này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao gồm: Cầu Tân Thái, cầu Xáng TL15 (huyện Củ Chi), cầu tạm Tân Kỳ Tân Quý, nhánh trái và phải (quận Bình Tân), cầu Chu Văn An, cầu Rạch Lăng 1 và Rạch Lăng 2, cầu Long Văn Tự, cầu Kinh Thanh Đa (đều thuộc quận Bình Thạnh).
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết đơn vị này vừa có văn bản đề xuất Sở GTVT tiếp tục yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng người dân buôn bán, sinh hoạt, tập kết vật tư, xả rác, đốt rác không đúng quy định trong hành lang an toàn cầu và xem đây là tiêu chí chấm điểm thi đua các quận, huyện hằng năm.
Bài và ảnh: THU HỒNG – ÁI MY
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố