Gia tăng tình trạng người vi phạm nồng độ cồn chống đối CSGT

Người xem: 178

Theo Cục CSGT, trong vòng 1,5 tháng trở lại đây có tới gần 1.500 trường hợp người vi phạm nồng độ cồn không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng, bên cạnh đó, cũng gia tăng các trường hợp chống người thi hành công vụ.
 
Không chỉ tài xế say xỉn mà ngay cả những người đi cùng cũng có lời nói thiếu chuẩn mực tại tổ công tác.

 

1,5 tháng xử lý gần 100.000 ‘ma men’
 
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý gần 100.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
 
Đây là con số vi phạm xử lý rất cao, trong đó, mức vi phạm dưới 0,25mg/L khí thở là hơn 48.000 trường hợp, mức 0,25-0,4mg/L khí thở hơn 17 nghìn trường hợp và mức trên 0,4mg/L khí thở là hơn 31 nghìn trường hợp.
 
Điều đáng nói, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn có tới 1.438 trường hợp không chấp hành việc đo nồng độ cồn và bị xử lý ở mức kịch khung (mức trên 0,4mg/L khí thở).
 
Trong 1,5 tháng vừa qua, trung bình 1 ngày, lực lượng CSGT xử phạt hơn 2.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 23% so với liền kề trước đó.
 
Thời gian qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến nồng độ cồn để tạo ý thức, từ ý thức tạo thói quen và từ thói quen tạo văn hóa… Bước đầu việc xử lý vi phạm ở các đô thị, thành phố lớn đã có chuyển biến tích cực, tạo thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”.
 
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã tham mưu cho hơn 40 tỉnh, thành có văn bản chỉ đạo đảng viên, công chức các cơ quan, ban, ngành thực hiện nghiêm túc việc không uống rượu, bia, không can thiệp vào việc xử lý nồng độ cồn của CSGT.
 
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

 

Theo đại tá Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã trở thành trở thành một chuyên đề lớn và “nóng” của lực lượng CSGT.
 
Cục CSGT cũng đã cử các tổ công tác đôn đốc các địa phương làm hiệu quả còn thấp nâng hiệu quả lên. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng được gắn trách nhiệm trên các tuyến, địa bàn quản lý, từ đường cao tốc, quốc lộ, đường huyện, xã về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, đặc biệt là kiểm soát nồng độ cồn.
 
“Con số xử lý nồng độ cồn rất cao như vậy cho thấy thói quen vẫn chưa được thiết lập và duy trì, do đó thời gian tới lực lượng CSGT vẫn sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết” – đại tá Nhật chia sẻ.
 
Vẫn theo Đại tá Nhật, việc xử lý nồng độ cồn quyết liệt trong thời gian vừa qua cũng đã phát sinh một số hành vi chống đối lực lượng chức năng và có chiều hướng gia tăng, do khi sử dụng bia, rượu trong dẫn đến dễ bị kích động thiếu kiểm soát hành vi của bản thân.
 
Hiện nay, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý một số vụ việc về hành vi chống người thi hành công vụ.
 
Tài xế không chấp hành yêu cầu của tổ công tác bị mời ra khỏi chốt 141.

 

Người dân ủng hộ
 
Nói về công tác triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, tại các địa phương hiện nay, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đều được quán triệt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Việc này buộc phải làm, cứ “đánh trống bỏ dùi” thì rất khó…” – Đại tá Nhật nói.
 
Theo Đại tá Nhật, thời gian vừa qua xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn cũng được thực hiện một cách đa dạng như: công khai, công khai kết hợp hóa trang, tuần tra xử lý…
 
Song song với đó, nhiều địa phương có cách làm hay như CSGT thuộc phòng, huyện ở Hòa Bình sẽ xử lý chéo vi phạm nồng độ cồn ở huyện khác tránh tình trạng nể nang, quen biết, xin xỏ gây khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ. Thậm chí một số địa phương lực lượng CSGT đến tận các đám cưới hỏi tuyên truyền “đã uống rượu, bia không lái xe”.
 
CSGT Hà Nội hóa trang kết hợp công khai xử lý vi phạm nồng độ cồn.

 

Tại Hà Nội, lực lượng CSGT Thủ đô cũng áp dụng nhiều biện pháp xử lý vi phạm về nồng độ cồn nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Việc xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm cũng được nhiều người ủng hộ.
 
Cách đây ít hôm, ông N., tài xế xe máy bị tổ công tác 141 dừng kiểm tra trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), qua kiểm tra nồng độ cồn vi phạm ở mức dưới 0,25mg/L khí thở. Ông N. phân trần, do nhà có công việc nên chỉ uống một chút rượu.
 
“Thực ra có người bảo chở tôi về nhưng tôi tự đi được vì không uống nhiều. Tôi cũng không phải ẩu, về hưu rồi nên cũng rất cẩn thận vấn đề đó, tiền thì tôi cũng chẳng có, đi lại thì phải chấp hành thôi” – ông N. chia sẻ.
 
Ông N. cho biết, từ Tết đến giờ các chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn làm rất nhiều, không biết chỗ nào mà tránh cả. Bản thân cũng rất ủng hộ việc này, bởi hành vi điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu rất nguy hiểm, và để lại nhiều hệ lụy.
 
Cũng liên quan đến việc xử lý nồng độ cồn, đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ tiếp tục được đơn vị làm quyết liệt, lâu dài và không để trùng xuống nhằm tạo sự chuyển biến tích cực.
 
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế.

 

Người dân tự mua máy đo nồng độ cồn có cần thiết?
 
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc uống nước sirô, hoa quả lên men bị kiểm tra nồng độ cồn liệu có bị xử phạt, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, người tham gia giao thông khi bị CSGT kiểm tra mà sử dụng sirô, nước hoa quả lên men thì có thể trao đổi, giải thích với cán bộ tổ công tác làm nhiệm vụ để xin nghỉ ngơi 5-10 phút, hoặc súc miệng sau đó thổi nồng độ cồn.
 
“Việc này hoàn toàn cho phép, bởi trước đây Cục CSGT cũng đã có thử nghiệm việc sử dụng nước sirô, hoa quả lên men thì có thể thổi nồng độ cồn sẽ lên ở một mức nhất định. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi vài phút hoặc uống nước thì sẽ không còn” – Đại tá Nhật nói.
 

“Cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ không cứng nhắc như một cái máy, không nghe trình bày của người dân mà sẽ xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm” – Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

 

Đại tá Nhật lưu ý, các tài xế khi sử dụng một số loại thuốc cần nắm được khuyến cáo của bác sĩ khi sử dụng có được điều khiển phương tiện hay không.
 
Ngoài ra, hiện nay một số người mua các thiết bị đo nồng độ cồn trên mạng về để kiểm tra, đại tá Nhật cho biết, việc này là không cần thiết bởi chính bản thân mình là chiếc máy chính xác nhất và luôn nhớ đã uống rượu, bia là không lái xe.
 
Nguồn: Thanh Hà
Báo Tiền phong Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *