NHỮNG NHÂN TÀI ĐẤT VIỆT NỔI DANH Ở TRUNG QUỐC

Người xem: 337

Thực tế, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành, ông tổ nghề pháo Trung Quốc…chính là những nhân tài đến từ Việt Nam. 

Tử Cấm Thành là tác phẩm của người Việt
Tử Cấm Thành Bắc Kinh ngày nay trở thành một biểu tượng văn hóa để người Trung Quốc tự hào với nhân loại. Ít ai biết rằng, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là một người Việt Nam.
Đó là ông Nguyễn An, sinh vào cuối thời Trần. Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn thì Nguyễn An quê ở vùng Hà Đông ngày nay. Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, giỏi tính toán và có biệt tài về kiến trúc. Bởi vậy, mới chỉ 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các hiệp thợ xây dựng các công trình cung điện của nhà Trần.
Tử Cấm Thành nổi tiếng tại Trung Quốc. Ảnh: Kênh 14. 

Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nhà Hồ bắt được cha con Hồ Quý Ly mang về Trung Quốc. Năm 1407, vua Minh xuống chiếu cho các tướng Minh ở nước ta bắt những người học vấn cao, thợ khéo, các thanh niên tráng kiện để mang về Trung Quốc phục vụ cho nước họ. Nguyễn An nằm trong số bị bắt này.
Sang Trung Quốc, Nguyễn An bị sung vào đội ngũ hoạn quan. Vào lúc này, nhà Minh đang cho xây dựng thành Bắc Kinh làm kinh đô. Nghe Nguyễn An có tài kiến trúc lại liêm khiết, vua Minh cho ông phụ trách việc xây Tử Cấm Thành. Các quan lại ở Bộ Công có ý không phục nhưng khi thấy Nguyễn An tính toán rành mạch, đầu nghĩ tay chỉ thành hình, họ cũng vui vẻ phục tùng.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn An, Tử Cấm Thành Bắc Kinh đã hoàn thành với một công trình đồ sộ gồm 800 cung và 8.886 phòng trên một diện tích 720.000 m2. Theo phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm trên báo Sài Gòn Giải Phóng, công trình này mang những ảnh hưởng kiến trúc Việt Nam rõ rệt. Đó là nguyên tắc “tiền triều hậu thị” nghĩa là cung điện phía trước chợ búa phía sau. Trong khi các hoàng thành trước đó của Trung Quốc hình vuông thì Tử Cấm Thành hình chữ nhật. Nét nổi bật nhất là Tử Cấm Thành có 3 lớp trong khi các kinh thành trước chỉ có 1 hoặc 2 lớp. Theo giáo sư Thêm, đây là biểu hiện tư duy coi trọng số lẻ của người Việt và cũng là sự tương đồng với thành Cổ Loa của ta. 
Công lao của Nguyễn An trong việc tổ chức xây dựng Tử Cấm Thành đến nay vẫn được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷ,Anh Tông chính thống thực lục. 
Ông tổ nghề pháo ở Trung Quốc
Người Trung Quốc xưa nay được mệnh danh là cha đẻ của pháo. Nhưng ít ai biết rằng chính người Việt Nam lại là thày dạy đúc pháo của người Trung Quốc. Người thày ấy không ai khác, chính là Hồ Nguyên Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng các quan lại bộ thuộc bị bắt về Trung Quốc.
Hồ Nguyên Trừng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Ở bên Trung Quốc, nhà Minh biết Trừng có tài chế tạo súng thần cơ mới trưng dụng ông, từ đó nước này mới có bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh. Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì trong sử đời Minh có ghi nhận: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách Thông ký cũng nói: ”Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có năm quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Năm Vĩnh Lạc xưa (1403-1424) lấy 3000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, lập ra tam thiên doanh. Sau khi nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra thần cơ doanh”. 
Giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Như vậy, các tài liệu sử học của cả ta và Trung Quốc đều xác nhận rõ ràng, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện Thần cơ doanh là binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại. Rõ ràng cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Quốc trong kỹ nghệ chế tạo pháo. 
Trạng nguyên triều Đường
Lịch sử quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc thời phong kiến có nhiều sứ giả Việt Nam vì giỏi ứng đối nên được hoàng đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Trạng Nguyên. Tuy nhiên đó chỉ là một dạng danh hiệu danh dự. Nhưng từ thế kỷ 8, khi nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, người Việt đã tỏ ra trí tuệ không kém gì dân Trung Quốc.
Năm 784, Khương Công Phụ, một người xuất thân bình dân ở đất Yên Định – Thanh Hóa (lúc đó là quận Nhật Nam dưới thời Đường) đã sang Trường An thi và đoạt danh hiệu Trạng Nguyên, đứng đầu hàng ngàn sĩ tử Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Theo sách Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Khương Công Phụ sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh nên được cha mẹ cho đi học với một ông thày người Trung Quốc vốn là một Nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường lánh sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thày giỏi nên tài năng của Công Phụ ngày càng phát triển.
Trong dịp khảo hạch ở quận, vua Đường chỉ cho sĩ tử An Nam được sang Trường An thi có 8 người nhưng Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng Nguyên sau đó đã làm đến Gián nghị đại phu rồi Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.
Đánh giá về Công Phụ, học giả Trung Quốc đời sau vẫn còn nhiều ngưỡng mộ. Học giả La Sĩ Bằng nhận xét: “Thời Đường lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm lỗi lạc… Chỉ có trong Toàn Đường Văn, quyển 446 có chép 2 thiên: Bạch Vân chiếu xuân hải và Đối cực trực gián sách. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta đại khái thấy được bút văn, kiến thức của bậc văn tài”.

Nguồn: Kiến thức đót nét

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *