“CÒI XƯƠNG” SAO THÀNH QUYỀN LỰC ĐƯỢC?

Người xem: 171

Bài gốc của TS. Dương Xuân Thành ở đây
———————————————————–

Ai đủ can đảm mua cái món “còi xương” ấy làm món ăn tinh thần hàng ngày? Không đủ lớn và không đủ mạnh thì sao có thể trở thành quyền lực?

Thế giới nói truyền thông là quyền lực thứ tư. Gần đây khi truyền thông đa phương tiện lên ngôi, xuất hiện thêm khái niệm quyền lực thứ năm- quyền của công chúng.

Truyền thông Việt Nam đạt đến tầm chưa?

Phật dạy: “Đừng cầu khỏe mạnh, vì khỏe mạnh dễ sinh ham muốn”. Có những lời khuyên ít người để ý như “đi bộ trên đường nên đi bên trái, vì xe đâm sau lưng khó tránh hơn xe đâm trước mặt, khi sang đường phải nhìn bên trái trước, nhìn bên phải sau”.

Hóa ra trái-phải, mạnh-yếu, nếu không trải nghiệm nhiều khi chẳng biết đâu là đúng.

Mấy chục năm qua, tốc độ phát triển báo viết, phát thanh, truyền hình, internet…có thể nói đã đạt đến mức “chóng mặt”. Tuy nhiên, cho đến giờ công chúng lại đang hết sức bối rối khi phải lựa chọn trong cái “nồi lẩu vĩ đại” mang tên truyền thông món ăn hợp với sở thích của mình.

Phát thanh có hình, truyền hình in giấy, quảng cáo điện tử và bao thứ thập cẩm đan xen, khiến cho việc chọn lựa trở nên khó khăn hơn là thưởng thức chúng.

Truyền thông “tuyên truyền” hiện chiếm vị trí thống lĩnh, tiếp là truyền thông “quảng cáo”. Vai trò của truyền thông “dẫn dắt, phản biện, định hướng” hiện còn mờ nhạt, vì sao vây?

Có ba loại quyền lực hay được nhắc đến: Quyền lực mềm (Soft Power), quyền lực cứng (Hard Power) và quyền lực thông minh (Smart Power).

Quyền lực mềm được thực hiện qua sự thuyết phục, sự thu hút, hấp dẫn đối tượng. Nó khiến cho đối tượng tự nguyện đồng cảm với những quan niệm của quyền lực. Truyền thông thuộc vào quyền lực mềm và đó là một lợi thế.

Nếu đặt câu hỏi: “truyền thông Việt Nam đã đạt đến tầm như thế giới để trở thành quyền lực”? Câu trả lời sẽ là: “Chưa”.
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác”.Ảnh minh họa
Làm sao để có quyền lực?

Có nhiều nguyên nhân khiến truyền thông chưa thực sự trở thành quyền lực, nghĩa là chưa đạt đến tầm “dẫn dắt, phản biện, định hướng” , xin mạo muội nêu hai nguyên nhân:

Thứ nhất, truyền thông đang tự hạ thấp vai trò của mình, có xu hướng đánh mất mình trong con mắt quần chúng.

Đất nước và con người Việt đã bước qua thời kỳ tem phiếu. Bữa ăn vật chất được cải thiện nhưng chất lượng bữa ăn tinh thần lại… không hề được cải thiện, nếu không nói là giảm sút nghiêm trọng.

Sự lẫn lộn các độc tố trong món ăn tinh thần cũng nguy hiểm không kém loại “gà đầu trọc” nhập lậu từ bên kia biên giới. Không phải chỉ một số nhà báo có trách nhiệm, mà ngay người dân bình thường [2] cũng phải đặt câu hỏi: “Báo “cướp giết hiếp” bán cho ai”.

Một “cơ thể” lấy “cướp-hiếp-sốc-sex” làm nguồn sống thì “còi xương, chậm nhớn” là điều có thể tiên liệu. Một cơ thể được nuôi sống bằng thức ăn “bẩn” như vậy thì tồn dư độc hại tất sẽ đến tay người tiêu dùng, và quần chúng, ai đủ can đảm mua cái món “còi xương” ấy làm món ăn tinh thần hàng ngày của mình? Không đủ lớn và không đủ mạnh thì làm sao có thể trở thành quyền lực?

Không chỉ báo chí, truyền hình cũng không ngoại lệ. Tuổi trẻ Online ngày 17/5/2013 có bài của bạn đọc viết: “…tôi gắp thức ăn cho cô con gái. Nó vừa cắn một miếng thì nhăn mũi bảo “ghê quá”, rồi hắt cả chén thức ăn xuống đất. Tôi không kiềm được cơn giận, cho con bé một cái tát. Nó khóc ầm lên rồi bảo: “Trên truyền hình người ta vẫn làm thế …

Nhiều cụ về hưu phàn nàn: Mở tivi chỉ thấy phim Hàn, phim Trung, sao nhập về nhiều thế. Các cụ đâu có biết tiền quảng cáo sản phẩm được thay bằng phim, vừa lợi cho nước chủ quản vừa lợi cho hãng sản xuất. Còn người xem ư… hãy đợi đấy!

Không ít trường hợp “nghe hơi” được một tin đồn là vội vàng tung bừa lên, kiểu như “nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long lên đến triệu đồng một khối”… Khi có một sự kiện, (và nếu được bật đèn xanh) thì “thi nhau đánh hội đồng”, “tranh thủ đánh hội đồng” dường như sợ không còn dịp để đánh.

Đó không phải biểu hiện của quyền lực, của kẻ mạnh, bởi “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác mà là đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Về điều này người viết đã buộc phải đề cập trong bài “Phê phán – biểu dương: đâu là ranh giới”. [3]

Người Việt dự tiệc, ngon đến mấy cuối bữa vẫn thích bát cơm trắng, canh cua đồng với mấy quả cà pháo. Chưa đạt đến tầm “cua bề , tôm hùm” như tạp chí Time, như CNN thì cũng phải là canh cua – cà pháo chứ đừng là “nội tạng bẩn” bày lên, trông có vẻ ngon song không ai dám động đũa.

Truyền thông chưa đủ mạnh không hẳn vì bị hạn chế bởi các quy định bất thành văn (điều này ở nước nào chẳng thế), mà còn vì cái tâm, cái tầm của không ít người làm báo đôi khi chưa đạt đến cái ngưỡng của sự văn hóa.

Có thể thấy điều này qua cảnh báo của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Báo chí tác động lên công luận; công luận tác động lên quan toà. Sự khách quan của các quan toà là rất khó đạt tới trong một bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng như vậy… Quyền lực phải gắn liền với trách nhiệm. Nạn nhân của sự lạm quyền về tư pháp có thể là một nhóm người nào đó, nhưng nạn nhân của sự lạm quyền về thông tin sẽ là tất cả chúng ta”. [4]

Đi nghìn dặm viết nghìn chữ. Viết nghìn chữ, giữ lại trăm chữ, đó chẳng phải là triết lý của nghề làm báo sao? Không vì đầy túi tiền của mình mà làm vơi đi kho kiến thức của nhân dân, đó chẳng phải lương tâm người làm báo sao?

Thứ hai, không gian truyền thông còn chưa thông thoáng. Hạn chế “quyền lực mềm” của truyền thông cũng tức là hạn chế các thảo luận sáng tạo, các phê phán logic, các định hướng xã hội…

Cụ thể, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, văn bản số 2998/2013 của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW yêu cầu “Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề thi, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi… (nếu có)”.

Có thể thấy trong trường hợp này truyền thông không được tác nghiệp theo Luật Báo chí, mà là làm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND. Sau ba ngày thi gần như không có tiêu cực được nêu trong các bản tin. Mặc dù phao thi ném trắng quanh địa điểm thi và Bộ GD& ĐT sẽ khẩn trương xác minh thông tin, có thể xuất hiện clip tiêu cực mà phóng viên Báo Lao Động tìm thấy trên trang “Những người ôn thi đại học” [5]

Trong thời đại Internet, mỗi người có thể tra cứu sáu tỷ trang thông tin lưu trữ trên mạng, thì các hình thức ngăn cản đều trở nên phản tác dụng. Không đăng báo, thông tin có thể được đưa lên Facebook, Blog…

Việc cần làm của cấp quản lý không phải là chặn dòng thông tin. Bởi ai cũng biết, hạ thấp hoặc làm suy yếu sức mạnh “quyền lực mềm” của truyền thông, không đồng nghĩa với việc giảm bớt lượng thông tin mà người dân có thể tiếp cận. Việc nên làm không chỉ là kêu gọi người dân hãy là “người tiêu dùng thông minh” mà cần hướng dẫn, khuyến cáo để họ trở thành “người xem, người đọc thông thái”.

Sức mạnh của “quyền lực thông minh”

Triết lý của Lão Tử: “Cử động thắng được lạnh. Yên tĩnh thắng được nóng” có thể là lời khuyên hữu ích mà người làm báo nên vận dụng.

Sức mạnh của truyền thông trước hết là ở đội ngũ người làm báo. Áp lực mà truyền thông tạo ra trong các sự kiện Tiên Lãng, Đồi Ngô, Văn Giang, Đường Lâm… tuy mạnh song chỉ nhất thời, bùng lên như que diêm trước gió.

Truyền thông, giống như bầu không khí, tự nó không trở thành một sức mạnh. Chỉ khi không khí chuyển động thành gió, gió tạo thành bão thì mới có sức mạnh. Để làm được điều đó người làm báo không thể chỉ xem đó là một nghề, mà phải coi đó là sứ mệnh.

Đã là sứ mệnh thì phải dấn thân, phải chịu thiệt thòi, thậm chí là cả sự hy sinh.Sự kết hợp hài hòa hai loại “quyền lực cứng và mềm” sẽ tạo ra “quyền lực thông minh”. Quyền lực thông minh không chỉ tạo động lực cho sự phát triển xã hội mà còn nâng vị thế đất nước trong các quan hệ đối ngoại. Một ngành truyền thông yếu sẽ làm cho quyền lực mềm yếu theo.

Hệ quả tất yếu là quyền lực thông minh bị mất cân bằng, khi mất cân bằng, khó mà lái con tàu đi đúng hướng. Quay mặt về phía mặt trời có thể bị chói mắt nhưng quay ngược lại sẽ chỉ thấy cái bóng của mình. Đạo của người là không bao giờ đi theo cái bóng, đạo của truyền thông là không sợ nói thẳng. Đó không phải là phát kiến vĩ đại gì, đó chỉ là mượn ý người xưa mà nói theo vậy.

TS. Dương Xuân Thành

———————————
Tài liệu tham khảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *