ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN: KHÔNG THỂ NÓNG VỘI VÀ THIỂN CẬN

Người xem: 178

Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, độc giả chuộng những bài thể hiện tinh thần yêu nước, mà ít chú ý đến chuyên môn luật biển. Tinh thần yêu nước, rất cần khuyến khích, nhưng về mặt chuyên môn, cũng cần phải cân nhắc nhiều.


Cuộc trao đổi của với nhà nghiên cứu Việt Long, một trong số ít học giả Việt Nam có các bài viết được xuất bản trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế.


Củng cố chứng cứ pháp lý

– Các nhà nghiên cứu Biển Đông mà tôi gặp như GS-TS Sử học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia, đến những nhà nghiên cứu độc lập như Phạm Hoàng Quân, hay Hoàng Việt, đều cho rằng dường như thiếu một nhạc trưởng để phối hợp các nhánh nghiên cứu khác nhau, sao cho hiệu quả nhất. Ông có đồng ý với họ không?

– Theo tôi, điều đó còn khiến chúng ta chưa phân bổ nguồn lực một cách hợp lý nhất. Chẳng hạn, theo quan điểm của tôi, về mặt lập trường nguyên tắc, chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng nói đến lịch sử không đủ, mà phải là các bằng chứng pháp lý lịch sử.

Cần có sự phân biệt giữa chứng cứ lịch sử và chứng cứ pháp lý. Chứng cứ pháp lý phải xuất phát từ các hoạt động của nhà nước, tức là việc thực thị chủ quyền phải xuất phát từ nhà nước.

Chẳng hạn, Trung Quốc họ đưa ra các chứng tích về khảo cổ, như những đồng tiền cổ, (mà không chứng minh được nguồn gốc) rồi tuyên bố ầm ỹ lên rằng người Trung Quốc có mặt ở đó từ lâu. Nhưng ra tòa án, những chứng tích đó không có giá trị pháp lý, mà chỉ có hành động thực thi chủ quyền của một quốc gia mới có giá trị pháp lý.

Hay Trung Quốc họ nói rằng, ngay từ thời Hán Vũ Đế, ngư dân của họ đã đặt tên cho hai quần đảo trên Biển Đông. Nhưng đặt tên của ngư dân không phải là hành động thực thi chủ quyền. Bởi ai đi ngang quá đó cũng có quyền đặt tên, song đăng ký tên đó thế nào, công bố với quốc tế ra sao lại là chuyện của Nhà nước

Với Việt Nam, cuốn “Toàn tập Thiên nam Thư chí lộ Đồ thư” của Đỗ Bá, chẳng hạn, là một cuốn sách tốt. Nếu là vua sai cụ viết thì giá trị pháp lý khác hẳn so với quan tỉnh.

Hay, đối với Việt Nam, tuy đúng là đội Hoàng Sa, đội Trường Sa do Nhà nước lập ra, nhưng vẫn phải tìm những bằng chứng cụ thể hơn về phạm vi hoạt động của những đội này. Hoặc họ đã ra tới những hòn đảo đến tận Philippines chưa?

Nói chung, cần phải tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý để có cơ sở thuyết phục dư luận một cách chặt chẽ nhất, để không ai có thể đưa ra những ngờ vực, nghi ngại về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không phải cái gì cũng đưa lên mặt báo

– Ông có nhận xét gì về đội ngũ nghiên cứu Biển Đông hiện nay của Việt Nam?

– Về nhà nước, chúng ta có Ban Biên giới, Học viện Ngoại giao. Về phi chính phủ, chúng ta có Quỹ Biển Đông gồm học giả Việt Kiều, nghiên cứu sinh và sinh viên học nước ngoài, cùng một số nhà nghiên cứu độc lập trong nước. Ở Pháp các bạn sinh viên vừa thành lập website Trí thức Biển Đông.

Theo quan điểm của tôi, tất cả các nhà nghiên cứu về Biển Đông đều có lòng yêu nước. Nhưng vấn đề này không chỉ đơn thuần là lịch sử, mà còn là pháp lý và chính trị – ngoại giao xen kẽ nhau.

Và chúng ta cũng phải ý thức được rằng tranh chấp đã trải qua bao thập kỷ nay, với nhiều biến đổi. Chính vì vậy phải quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý, trong khi các nhà nghiên cứu của ta thiên về lịch sử. Và như vậy rất cần có một nhạc trưởng, để thống nhất, phối hợp các hoạt động nghiên cứu của các học giả, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, vì mục tiêu chung bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Chẳng hạn, có một số người, cả trong và ngoài nước, phê phán Nhà nước nhượng bộ nọ kia, thậm chí là bán đất, bán nước. Một số học giả còn lớn tiếng phê phán những ý kiến mới, hoặc cho rằng mình yêu nước hơn người khác.

Bên Trung Quốc, chẳng hạn, họ nhìn vào chúng ta sẽ như thế nào? Và liệu có ai dám đảm bảo rằng sự chia rẽ đó sẽ không bị lợi dụng?

Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, độc giả chuộng những bài thể hiện tinh thần yêu nước, mà ít chú ý đến chuyên môn luật biển. Tinh thần yêu nước, rất cần khuyến khích, nhưng về mặt chuyên môn, cũng cần phải cân nhắc nhiều.

Chẳng hạn có nhiều bài báo của Việt kiều bên ngoài lên án Chính phủ Việt Nam trình hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa lên Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc, vào năm 2009, mà không nói đến Hoàng Sa – Trường Sa, là từ bỏ chủ quyền, là bán nước. Họ cần phải đọc kỹ về hồ sơ trình đó, về luật biển, để hiểu được tính chất phức tap của vấn đề, và những bước đi cần cân nhắc.

Trong việc này, cần tin tưởng và ủng hộ Chính phủ. Không một con dân đất Việt nào lại cam tâm bán rẻ đất nước mình. Song phương thức đàm phán, đối phó, xử lý các tình huống thế nào cho có lợi nhất thì không phải cái gì cũng đòi hỏi đưa lên mặt báo.

Tôi nghĩ, trong trường hợp này, chúng ta nên học cách ứng xử của Đài Loan với Trung Quốc. Họ không bao giờ công kích nhau cả, thậm chí còn hỗ trợ nhau vì lợi ích chung của dân tộc Trung Hoa.

Hơn nữa, chúng ta cũng phải xác định rằng máu xương người Việt, không phân biệt chiến tuyến, đã đổ xuống để bảo vệ chủ quyền. Cần góp sức với Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Làm nhiều, nói ít

– Tôi đồng ý với ông. Nhưng, mặt khác, dường như những cấp có thẩm quyền cũng chưa thông tin đầy đủ để dẫn tới những hiểu lầm như vậy?

– Theo tôi, Nhà nước mình cũng đầu tư rất nhiều vào việc chuẩn bị tư liệu, đấu tranh. Có những việc cần phải nói, nhưng có những việc cần phải cân nhắc, để nói vào thời điểm thích hợp.

Nhưng tôi cũng đồng ý với anh rằng Nhà nước cũng phải định hướng để dư luận đỡ bức xúc. Công tác thông tin của chúng ta còn có những bất cập, cần khắc phục. Người dân hoàn toàn có quyền lo lắng về vận mệnh đất nước, lo lắng về chủ quyền bị xâm hại, đời sống bị đe dọa, vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Theo tôi, Nhà nước phải tạo ra các diễn đàn cho người dân trao đổi, góp ý, phải tranh thủ được sự đồng lòng của người dân. Cái khó ở đây là phải giải quyết được tốt quan hệ giữa bí mật quốc gia với quyền được cung cấp thông tin của người dân. Đáng mừng là đã có những thay đổi nhận thức về chuyện này.

Chẳng hạn, theo tôi được biết, đã có đề nghị đưa chương trình dạy về biển vào trong các trường đại học, và quá trình này mới dần dần bắt đầu thôi. Nhưng cứ thử so sánh với hơn chục năm trước, bảo người ta quan tâm đến biến khó lắm, nhưng bây giờ hoàn toàn khác.

Hay về mặt pháp lý, Việt Nam cũng đi trước trong khu vực Đông Nam Á, khi từ năm 1977, chúng ta là nước đầu tiên đã tuyên bố về thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, phù hợp với nội dung đang bàn thảo tại Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển 1973-1982. Chúng ta đã giải quyết thành công rất nhiều tranh chấp biển với các nước láng giềng.

Tôi nghĩ, riêng liên quan đến biển đảo, vì lý do gì đó, chúng ta hơi quá “khiêm tốn”. Tức là “làm nhiều – nói ít”. (Cười lớn)

– Xin hỏi ông câu cuối cùng. Theo ông, để ứng phó với những kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, trên mặt trận thông tin đối ngoại, Việt Nam cần phải làm những gì?

– Nhà nước cần hoàn thiện hơn định hướng công tác nghiên cứu, có chiến lược thông tin đối ngoại đầy đủ, đáp ứng được cả yêu cầu đối nội, và đối ngoại. Nhà nước phải có sự khuyến khích, và phải có kế hoạch kỹ càng về mặt nhân sự. Chẳng hạn treo giải thưởng, lập quỹ cho các sinh viên giỏi, trong những chuyên ngành liên quan đến biển đảo.

Hay, có kế hoạch đưa người mình vào các cơ quan tài phán quốc tế, như tòa án luật biển quốc tế, tòa án công lý quốc tế. Trung Quốc thì đã có, thậm chí còn là chủ tịch nữa.

Tôi nghĩ mình phải chuẩn bị mọi thứ theo hướng lâu dài, từ chương trình học của học sinh phổ thông, đến công khai hóa thông tin, hay xã hội hóa việc nghiên cứu. Và, quan trọng nhất, phải sẵn sàng tranh luận, thậm chí đương đầu, với những gì gai góc nhất.

– Xin cám ơn ông.

HUỲNH PHAN (TUẦN VIỆT NAM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *