VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN: ÔNG VŨ VĂN LUÂN KHÔNG THỂ LÀM NGƯỜI BÀO CHỮA

Người xem: 160

Bài gốc bên Google.tienlang ở đây
———————————————–

Trên trang blog của ông Nguyễn Xuân Diện mới đăng bài  “Vụ Đoàn Văn Vươn: Tòa Tối cao không cấp giấy cho người bào chữa” với phần nội dung là lá Đơn của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Đoàn Văn Quý) khiếu nại “V/v Toà phúc thẩm Toà án Tối cao không cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa”. Theo lá Đơn này, bà Thương, bà Báu muốn mời ông Vũ Văn Luân làm người bào chữa cho ông Đoàn Văn Vươn cùng tất cả các bị cáo trong gia đình ông Vươn trong phiên tòa phúc thẩm tới đây nhưng đã bị Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao từ chối, không cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho ông Luân.

Chúng ta hẳn còn nhớ, ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn nhận bản án ở phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Xuân Diện đã từng đăng một lá Đơn kháng cáo mạo danh ông Vươn. Khi bị bạn đọc phản ứng, ông Diện đã hạ entry này. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, lá đơn này được ông Vũ Văn Luân- Thư ký Liên Chi hội nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng soạn thảo và gửi đến blog của ông Diện, blog Cu Làng cát cùng một số nơi khác.

Ông Vũ Văn Luân
Với bạn đọc của Google.tienlang, nhân vật Vũ Văn Luân không hề xa lạ. Nhiều người ở đây đã chỉ ra rằng ông Vũ Văn Luân không có kiến thức cơ bản về pháp luật nhưng lại rất thích NỔ về pháp luật. Chính vì không có kiến thứ cơ bản về pháp luật nên nhiều quy định của luật pháp, ông Luân có thể thuộc lòng, có thể không nhìn văn bản mà vẫn đọc thông vanh vách, thế nhưng ông này lại không hiểu những khái niệm cơ bản về luật pháp khiến ông luôn giải thích theo quan niệm riêng của mình.

Chúng tôi cho rằng, lá Đơn khiếu nại mà bà Thương, bà Báu gửi đến trang blog Nguyễn Xuân Diện cũng là do một tay ông Vũ Văn Luân soạn thảo. Và một lần nữa, ông Vũ Văn Luân lại đưa người đọc không có kiến thức về pháp luật vào một “mê hồn trận” khi trích dẫn loằng ngoằng khá nhiều điều luật nhưng bản thân ông không hiểu những điều khoản trích dẫn đó nên ông cố lái người đọc theo cách hiểu riêng của ông.

Dưới đây chúng tôi xin phân tích 2 lý do khiến ông Vũ Văn Luân không thể làm người bào chữa trong phiên phúc thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn tới đây.

1- Quyền mời hay không mời người bào chữa chỉ thuộc về cá nhân từng bị cáo.

Quyền này tương tự như quyền kháng cáo hay không kháng cáo bản án sơ thẩm cũng chỉ thuộc về cá nhân từng bị cáo. Đây là điều ông Vũ Văn Luân không hiểu và ngay nhiều nhà báo ở nhiều cơ quan báo chí chính thống cũng đã không hiểu khi đã đăng tin “Gia đình ông Đoàn Văn Vươn kháng cáo”. Không có bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào có thể tước đi cái quyền tự quyết của chính cá nhân bị cáo về việc có kháng cáo hay không, có cần mời người bào chữa hay không và nếu cần người bào chữa thì nên mời ai. Bà Nguyễn Thị Thương tuy là vợ ông Vươn nhưng cũng không có quyền ký đơn kháng cáo thay cho chồng và ngược lại, ông Vươn cũng không có quyền này đối với bà Thương.

Mới đây, tại bài “Ông Cù Huy Hà Vũ sắp chết?“, Google.tienlang có nhắc lại chuyện bà LS Nguyễn Thị Dương Hà từng ký đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của chồng là ông TS luật Cù Huy Hà Vũ rồi tung lên mạng internet. Điều khôi hài ở chỗ bà bà Hà là luật sư, đương nhiên bà buộc phải biết bà ta không có quyền tước bỏ đi cái quyền tự quyết của chồng. Vả lại, chồng bà Hà lại là một Tiến sĩ luật, hoàn toàn không phải là người chưa thành niên và cũng không phải là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần!

Trở lại với trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn. Trong Đơn khiếu nại do bà Thương gửi lên blog Nguyễn Xuân Diện có trích dẫn cụ thể:
“Lí do thứ ba

Vi phạm Nghị Quyết số 03/2004 ngày 02/10/2004, Nghị quyết số 05/ 2005 ngày 08/12/2005 của HĐTPTANDTC:


a- Vi phạm nghị quyết số 03/2004 của HĐTPTANDTC

Tại Điểm b Tiết 2 phần II Về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo có ghi
b – Đối với bị can, bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoăc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa: do đó, trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ, thì cần phân biệt như sau:
b.1- Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc sự uỷ quyền) của bị can, bị cáo thì Toà án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa.”

Lời văn trong quy định trên đây là hết sức rõ ràng, dễ hiểu: Quyền lựa chọn người bào chữa thuộc về cá nhân từng bị cáo; Nếu bà Thương muốn mời người bào chữa cho chồng thì dứt khoát phải có sự đồng ý hoặc sự ủy quyền của chồng là ông Đoàn Văn Vươn. Vậy nhưng, do không hiểu điều này nên ông Vũ Văn Luân đã viết tiếp:

“Như vậy, căn cứ vào quy định này của HĐTPTANDTC thì chị em tôi đã trên 18 tuổi không có nhược điểm tâm thần, thể chất do đó chị em tôi có quyền lựa chọn người bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi là hoàn toàn chính đáng được pháp luật cho phép.”

Tại sao bà Thương không hỏi ý kiến chồng mà lại tự ý làm việc này? Có thể có người nghĩ rằng ông Đoàn Văn Vươn hiện vẫn đang bị giam giữ nên việc bà Thương gặp gỡ, hỏi ý kiến chồng có khó khăn? Với những người đã có án như ông Đoàn Văn Vươn thì việc người thân vào thăm là chuyện bình thường. Khỏi phải trích dẫn những điều luật dài dòng mà hãy lấy ví dụ trong thực tiễn. Chúng ta biết, người thân của Nguyễn Phương Uyên vừa mới vào thăm em trong trại tạm giam ở Long An rồi trả lời phỏng vấn đài báo hải ngoại rầm rầm. (Vì Đinh Nguyên Kha vẫn đang bị điều tra về tội danh khác liên quan đến việc chuẩn bị vụ nổ ở Cần Thơ nên người thân vẫn chưa được gặp). Vậy thì với việc bà Thương vào gặp ông Vươn hẳn cũng chẳng khó khăn gì. 

2- Dù có sự đồng ý của các bị cáo thì ông Vũ Văn Luân cũng không thể làm người bào chữa.

Ngay dưới bài đăng lá Đơn khiếu nại trên trang blog của ông Diện, một bạn đọc đã có nhận xét: “Ý người ta là phải chính anh Vươn, anh Quý mời ông Luân thì mới là đúng luật. Thì bây giờ làm lại đi…” 
Nhận xét này cũng chỉ đúng một phần (như điểm 1 trên đây đã phân tích), nhưng dù ông Vươn có trực tiếp mời ông Luân thì ông Luân cũng không thể làm người bào chữa.

Trong Đơn khiếu nại đã trích dẫn:
“Lí do thứ hai

Vi phạm Điều 56 Luật Tố tụng hình sự.


Điều 56 Luật Tố tụng Hình sự có ghi: “Điều 56: Người bào chữa:

1- Người bào chữa có thể là:
a- Luật sư.
b- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
c- Bào chữa viên nhân dân.”


Điều 56 trên đây thì người bào chữa chỉ có thể là người thuộc một trong 3 đối tượng này. Ta hãy xem ông Vũ Văn Luân có thể thuộc nhóm đối tượng nào nhé.
  • Luật sư? Chắc chắn không thể!
  • Bào chữa viên nhân dân? Cũng không thể vì ông Luân không phải là người do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử đến!
  • Người đại diện hợp pháp của bị cáo Đoàn Văn Vươn??? Vâng, theo Đơn khiếu nại thì ông Vũ Văn Luân đang muốn làm “Người đại diện hợp pháp” của bị cáo Đoàn Văn Vươn và tất cả các bị cáo còn lại trong gia đình ông Vươn. Và chính điều này mới là điều hài hước nhất mà ông Luân nghĩ ra được! Ông Luân không hiểu rằng chỉ có người chưa thành niên và người nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần thì mới có người đại diện hợp pháp! Trong số tất cả các bị cáo ở vụ này, từ Đoàn Văn Vươn đến Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh đến Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu… không có bất cứ ai là người chưa thành niên, cũng không có bất cứ ai là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần cả! Vậy thì sao cần đến vị “đại diện theo pháp luật”?
Hơn nữa, cứ giả sử các bị cáo trong vụ án có là người chưa thành niên, là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần chăng nữa thì “người đại diện theo pháp luật” cũng không đến phần ông Vũ Văn Luân!

Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, người đỡ đầu, anh, chị em ruột…của bị can bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần.

Thật buồn khi ông Vũ Văn Luân vì thiếu kiến thức cơ bản về pháp luật nên ông không hiểu những khái niệm pháp lý sơ đẳng nhưng lại luôn thích nổ văng mạng về pháp luật.

Và đây, phần kết của lá Đơn khiếu nại, ông Luân viết dõng dạc những lời hết sức “đao to búa lớn”:
“Như vậy với tất cấ các lý do trên, so chiếu với căn cứ mà Toà phúc thẩm Toà án tối cao đưa ra thì: Tại Điều 50, 56 Luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 03/2004, số 05/2005 của HĐTPTANDTC không có bất kỳ điểm nào cho phép Toà phúc thẩm, Toà án Tối cao từ chối ông Vũ Văn Luân không được quyền bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi . Do đó căn cứ vào Luật Khiếu nại, chị em tôi làm đơn này kính đề nghị ông:

  1. Thụ lý đơn khiếu nại của chị em tôi, ra Quyết định thu hồi bãi bỏ công văn số 1436, 1437 ngày 25/06/2013 của Toà phúc thẩm Toà án Nhân dân Tối cao.
  2. Cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Vũ Văn Luân để ông Vũ Văn Luân được quyền bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi trong phiên toà tới đây.
  3. Xem xét, xử lý kỷ luật với tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành công văn trái pháp luật trên theo quy định của pháp luật và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về việc không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa cho chị em tôi và chồng chúng tôi trong phiên toà tới đây!
  4. Bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chị em tôi và ông Vũ Văn Luân mà Toà phúc thẩm đã gây ra cho chúng tôi theo quy định của Nhà nước.”
Tiếp tay cho ông Vũ Văn Luân lần này vẫn lại là ông TS Nguyễn Xuân Diện, một người cũng mù mờ về pháp luật! Mấy ông BBC, RFA, RFI cùng mấy vị hải ngoại lại vớ được bài này rồi lại lu loa: VN không tôn trọng quyền bào chữa của “anh hùng nông dân” Đoàn Văn Vươn!!!

Lê Hương Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *