CÓ TIN ĐƯỢC KHÔNG ĐÂY?

Người xem: 98

Khoai@
Trên Báo Thanh niên online có bài “Bị đòn vì cự cãi CSGT” của phóng viên Nguyên Bảo – Mã Phong. Nội dung của bài phản ánh hiện tượng một số người bị CSGT thổi phạt, và sau khi cự cãi với CSGT, họ bị đám người nào đó đuổi đánh. Kèm với bài viết là một số hình ảnh được lấy từ Videoclip dài 1 phút 08 giây, quay cảnh ẩu đã giữa 4 người đàn ông, ngay bên cạnh chỗ tổ CSGT làm việc. Mặc dù không thấy có chỗ nào liên quan đến CSGT nhưng Videoclip này lại lấy tên: “Bi đòn vì cự cãi CSGT“. 

Chính vì cái tít giật gân này nên có nhiều người vào đọc, trong đó có tôi.

Trước hết phải khẳng định, việc các phóng viên (PV) tác nghiệp và phát hiện những hiện tượng tiêu cực trong CSGT là rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Điều này sẽ giúp cho xã hội loại trừ được những hiện tượng tiêu cực.

Đọc bài này tôi có cảm giác chưa ổn. Bỏ qua 2 sự kiện cũ mà tác giả nhắc đến, tôi quan tâm tới videoclip đã được đăng tải kèm nội dung của bài. Lẽ thường, chính cái videoclip này sẽ là chứng cứ quan trọng chứng minh những gì mà hai tác giả nhận xét, đánh giá. 

Tôi đã xem video này trên nhiều trang và không khỏi thất vọng về trình độ tác nghiệp cũng như nhận thức sự kiện của hai nhà báo trên.

Một là: Sự kiện “đánh nhau” là có thật, tôi không có kết luận nào về việc đánh nhau thật hay giả của 4 người kia. Nhưng dù để ý rất kỹ, tôi vẫn không thể tìm thấy mối liên hệ nào giữa vụ đánh nhau đó với việc tác nghiệp của nhóm CSGT kia. Cũng không hề thấy có một mối liên hệ nào giữa người đàn ông mặc áo xanh  với ai trong số các CSGT đó cả. Tất cả những gì mà tác giả viết đều là nhận định chủ quan của tác giả. Nếu có liên quan, tại sao không đưa ra chứng minh?

Thứ hai, ngay cả lời bình trong nội dung cũng sai. Tác giả viết thế này:

Nghiêm trọng hơn, 11 giờ 42 cùng ngày, chúng tôi đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc người đàn ông này (đi xe gắn máy màu đỏ, mặc áo quần màu xanh) cùng một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh đuổi đánh một thanh niên vừa bị thổi lại. Điều đáng nói, tổ CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau ngay trước mặt mình mà không hề có bất cứ phản ứng ngăn chặn hay can thiệp nào. Người đi đường vô cùng bức xúc trước hình ảnh phản cảm này. Vụ việc diễn ra khoảng 2 phút mới có CSGT vào can ngăn. Mặc dù CSGT can ngăn nhưng người đàn ông mặc quần áo màu xanh vẫn hung hăng, nhặt đá ven đường tiếp tục đuổi đánh và ném người vi phạm. Hoảng sợ, người thanh niên bị đánh băng qua đường tháo chạy một mạch về hướng đường Tôn Đức Thắng và không dám quay lại. Sau đó, CSGT đã trả giấy tờ cho người đi cùng xe với người bị đánh.

Đối chiếu với clip dài 1 phút 08 giây do tác giả cung cấp ta có thể thấy tác giả không “ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc người đàn ông này (đi xe gắn máy màu đỏ, mặc áo quần màu xanh) cùng một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh đuổi đánh một thanh niên vừa bị thổi lại” như đã viết. Người xem không hề thấy CSGT thổi phạt ai mà thay vào đó là 2 người đàn ông chia làm hai phe có xô xát với nhau, trong khi đó các CSGT quay mặt đi nơi khác. Tác giả cũng mô tả “Vụ việc diễn ra khoảng 2 phút mới có CSGT vào can ngăn“. Nhưng theo dõi clip này, người xem thấy ở giây thứ 26, đã có CSGT tiến về phía những người đang xô xát, nói gì đó với những người đánh nhau (căn cứ vào cách thể hiện tôi đoán là yêu cầu không được đánh nhau), và đến giây thứ 46, CSGT đã ngăn được vụ xô xát, tất nhiên sau khi CSGT không để ý, họ lại lao vào nhau. Đây là tình tiết rất nhỏ của bào báo, nhưng nó nói lên cái tâm, cái tầm và trình độ của các tác giả bài báo. Ngay kể cả tình tiết ở đoạn cuối mô tả người thanh niên “Hoảng sợ, người thanh niên bị đánh băng qua đường tháo chạy một mạch về hướng đường Tôn Đức Thắng và không dám quay lại. Sau đó, CSGT đã trả giấy tờ cho người đi cùng xe với người bị đánh” cũng không thấy trong clip, mặc dù các tác giả khẳng định “đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc“.

Thực ra, nếu là một phóng viên bình thường, người ta có thể đưa toàn bộ những gì ghi được lên báo nhằm chứng minh cho những gì họ nhận xét, đánh giá. Trường hợp này, clip của PV có hiệu lực chứng minh thấp nếu không muốn nói là không có giá trị chứng minh.

Vì lí dó đó, có thể kết luận đây là một bài báo không đáng tin. Khoai@ còn có thể chứng minh các sự kiện trong toàn bộ bài này không như tác giả kết luận, ấy là chưa nói đến giọng văn có hàm ý không trong sáng. Rất tiếc, bài như thế này mà vẫn được đăng, không hiểu các biên tập viên của bản báo có đọc kỹ hay không?

Phàn nàn chuyện này với anh bạn, tôi được anh cho biết đã có những PV kém cỏi cả về trình độ và đạo đức vẫn được tác nghiệp và sản phẩm báo chí của họ tương tự như bài viết vừa rồi. Đã có những PV đói tin còn có thể thuê người, dàn kịch đánh nhau ngay cạnh nơi CSGT tác nghiệp và ghi lại làm tư liệu.

Anh bạn cũng cho biết thêm, thực tế đã có những PV bí mật quan sát, quay phim CSGT làm việc, nếu phát hiện có sai phạm thay vì đưa vào bài viết để đăng tải thì họ lại chọn cách làm khác, đó là gặp gỡ tổ CSGT đó và thương lượng để giải quyết. Khi cuộc thương lượng không đem lại kết quả họ mới tìm cách sử dụng cho bài viết. 

Nói ra điều này có thể bị ném đá, quăng gạch, nhưng vì đó là sự thật nên Khoai@ vẫn nói.

Sau đây là videoclip của Thanh Niên Online. Mời các bạn kiểm chứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *