Vài lời với ông Lê Hiếu Đằng
Vừa qua, trên một vài trang mạng xuất hiện bài “Viết trên giường bệnh” của ông Lê Hiếu Đằng với nội dung xuyên suốt cổ xúy “đa nguyên-đa đảng” tại Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới, báo chí đã không ít lần đề cập và đã có nhiều học giả phân tích nông sâu mọi nhẽ. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn trao đổi lại một số điều mà tác giả đưa ra.
1. Sau khi kể lại quá trình hoạt động và được kết nạp vào Đảng của bản thân, ông Lê Hiếu Đằng có nhắc đến “một kỷ niệm khó quên”. Đó là việc khi ông đang bị chính quyền Thừa Thiên – Huế (chế độ cũ) “cầm tù”, nhờ có lá đơn của bố ông nên ông được “cho ra tù” để đi thi. Sau đó, ông nêu câu hỏi: “Tôi không biết với chế độ được gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”
Thực tế, với tuổi đời như ông, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng với những người vi phạm pháp luật, bị phạt tù và đã chấp hành xong hình phạt tù, pháp luật Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam không cấm họ dự thi đại học. Chàng trai Phan Hợi (sinh 1983, quê ở Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi đỗ đại học sau khi ra tù mà báo chí đã nhắc tới là ví dụ cụ thể nhất minh chứng cho điều này.
2. Với lập luận “cơ sở hạ tầng như thế nào thì phản ánh lên kiến trúc thượng tầng như thế đó”, ông Đằng viết, khi đã chấp nhận nhiều thành phần kinh tế khác nhau (cơ sở hạ tầng), thì tất yếu phải đa nguyên, đa đảng (thượng tầng) để bảo vệ quyền lợi của các thành phần kinh tế khác nhau ấy và kêu gọi thành lập lại những đảng “đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”.
Nếu đã dẫn học thuyết Marx-Lenin, chắc ông Đằng cũng không quên, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy. Chẳng hạn, Việt Nam cũng như bất cứ nền kinh tế mở nào khác trên thế giới đều có thành phần kinh tế nước ngoài (các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các doanh nghiệp góp vốn liên doanh, mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước). Điều đó không có nghĩa (cũng chẳng có nước nào cho phép) nhất thiết phải tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy.
Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân. Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do “tự giải tán” sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó.
Về vấn đề “đa đảng và dân chủ”, báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận lẫn thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào. Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất của mình. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động.
Vậy tại sao ông phải hô hào thành lập đảng đối lập vào lúc này? Đâu có phải cứ đa nguyên, đa đảng là tự nó đã có dân chủ? Đa đảng đối lập ở Việt Nam lúc này, có đúng như các “nhà dân chủ” đã vẽ ra, là sẽ làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn? Hay sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế như đã từng xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác chính là nhân dân? Thực chất các lời khuyên “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đưa ra gần đây một cách rất “tâm huyết”, chẳng qua chỉ nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi. Thủ đoạn ấy, không ai còn lạ nữa.
Đúng như ông nói, từ khi có chủ trương đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tồn tại nhiều thành phần kinh tế. Và chắc chắn ông cũng đã thấy, từ khi đổi mới, bất kỳ thành phần kinh tế nào cũng được tự do phát triển nếu không vi phạm pháp luật, không kinh doanh những mặt hàng bị cấm, hay lậu thuế, trốn thuế, không vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động…
Chính từ chủ trương đó, nên Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới sản xuất, kinh doanh. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng không hề cản trở bất kỳ sự tự do kinh tế nào tại Việt Nam. Khi ông nói: “Điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước”, không biết là dựa trên căn cứ nào.
3. Ông cũng nhắc tới lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Chắc ông không quên, đường lối ngoại giao mềm mỏng cũng là truyền thống của dân tộc ta. Việt Nam là dân tộc chuộng hòa hiếu, chưa bao giờ và không bao giờ muốn gây sự với bất cứ nước nào, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới, trừ phi quyền độc lập, tự chủ của dân tộc, chủ quyền lãnh thổ bị chà đạp, xâm phạm và không còn sự lựa chọn ngoại giao nào khác. Đường lối ngoại giao mềm mỏng không có nghĩa là lệ thuộc. Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc. Chiến tranh xảy ra, ông quá biết, sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh xương máu, mất mát về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đi ngược với xu thế của thế giới hiện đại. Đất nước ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta quá hiểu giá trị của hòa bình. Trách nhiệm của chúng ta là bằng mọi cách giữ vững môi trường hòa bình để dựng xây, phát triển đất nước. Còn dĩ nhiên, chủ quyền quốc gia, độc lập tự do của đất nước là thiêng liêng, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá.
4. Ông nói, để có tự do, dân chủ thì phải thực hiện “tam quyền phân lập”, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải độc lập hoàn toàn với nhau. Tuy nhiên, đây là quyền lựa chọn của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi nguyên tắc phân công quyền lực Nhà nước đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Theo đó, ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền đó cho cơ quan đại diện cao nhất của mình là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyết định việc phân công quyền lực cho các cơ quan khác thông qua Hiến pháp, pháp luật (nhưng khi đã thông qua Hiến pháp, pháp luật thì buộc Quốc hội cũng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật). Như trên đã nói, Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam được trao quyền lực cao nhất chính là sự thể hiện tính dân chủ cao nhất. Cũng phải nói thêm, điều đó không có nghĩa hệ thống tư pháp, cụ thể là tòa án, không có quyền độc lập trong phán quyết. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, TAND khi xét xử chỉ nhân danh Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, xét xử theo quy định của pháp luật, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Ông Lê Hiếu Đằng đã từng giữ chức vụ nhất định trong một cơ quan dân cử (Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM), chắc chắn ông đã biết, ngay cả cơ quan dân cử cũng không có quyền “chỉ đạo” tòa xử án. Do vậy, lo ngại của ông là không có căn cứ.
Ông cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là “con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc và của nhân loại”. Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật.
Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài viết nên chỉ có thể thảo luận vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.
Nguồn: QĐND
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga