Thanh Hóa: Lại quan tài diễu phố

Người xem: 200

LâmTrực@

Cái chết của sản phụ Xuân tại Bệnh viện Thiệu Hóa, Thanh Hóa bỗng chốc thu hút sự quan tâm của dư luận. Đã có tiếng chì tiếng bấc về lối hành xử của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện này đối với ca đẻ của chị Xuân. Và quan trọng hơn, cái chết của chị lại là tiếng chuông báo động cho một lối hành xử phi văn hóa nhưng lại mang danh đi đòi “công lý“. Thế mới biết, câu nói của các cụ nhà ta: “chết chưa phải đã hết” là câu nói thâm thúy biết nhường nào.

Trong một entry trước đây, ngay trên Blog này, LâmTrực@ đã viết, chả có đâu như Việt Nam, khiếu nại, khiếu kiện, giải quyết các xung đột xã hội không dùng đến luật pháp mà lại dùng đến quan tài với mục đích gây sức ép lên các cơ quan công quyền. Tiếc là, hiện tượng này đang trở thành hội chứng xã hội bệnh hoạn, và nó đôi khi không thoát khỏi mục đích kinh tế tầm thường và liên quan đến chính trị.

Không biết tự bao giờ chiếc quan tài có thêm chức năng làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn. Tháng 8 năm 2010 gia đình anh Khương ở Bắc Giang cùng nhiều người đưa quan tài đến UBND tỉnh để đòi giải quyết cái chết oan khuất của anh tại trụ sở CA huyện Tân Yên; Tháng 12 năm 1012 người dân Đông Triều, Quảng Ninh đem theo cả quan tài để chống thu hồi đất; Tháng 1 năm 2013 gia đình anh Ái ở Thái Hòa, Nghệ An đem quan tài đến CA thị xã đòi công lí; Ngày 17/3/2013 người dân Vĩnh Yên đem quan tài đến trung tâm TP đòi làm rõ cái chết của anh Tuấn Anh. Và sau đó chừng 1 tuần, người dân Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng lại mang xác anh Nguyễn Văn Quệ đến UBND xã, đòi phải làm rõ nguyên nhân cái chết của anh sau vụ bị bắt vì đánh bạc. Và đến hôm nay, người dân Thiệu Hóa lại đưa xác sản phụ Nguyễn Thị Xuân diễu phố.

Cho rằng trong cái chết tức tưởi của chị Xuân và thai nhi là do kíp trực lơ là, hàng trăm người thân sản phụ này đã kéo đến bao vây bệnh viện suốt cả ngày, họ la ó đòi làm rõ trách nhiệm.

Theo diễn biến vụ việc, hơn 1 ngày sau khi sản phụ Nguyễn Thị Xuân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa, người thân mới chịu đưa thi hài người phụ nữ cùng đứa trẻ xấu số về quê an táng. Nhưng chớ trêu là chiếc xe chuyên dụng của công an huyện Thiệu Hóa được lệnh chở thi hài chị Xuân về quê lại bị chính người thân của sản phụ gây áp lực buộc phải chở quan tài diễu khắp các con phố ở thị trấn Vạn Hà. Chiếc xe lần lượt đi qua trụ sở ủy ban huyện, công an huyện Thiệu Hóa…và dừng lại tại nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Định (PGĐ Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa). Tại đây, nhiều người thân quá khích đã liên tục đánh trống, rải vàng mã, thả vòng hoa đồng thời la ó dữ dội, và tìm kiếm, đòi “xử” vị bác sĩ. Không tìm thấy nam bác sĩ, họ đã dùng gạch đã đập phá làm hư hại nhiều đồ đạc. Bác sĩ Định cùng vợ con đã phải bỏ trốn để tránh cơn giận dữ của người dân.

Công an huyện Thiệu Hóa đã phải vất vả vãn hồi trật tự, và sau nhiều giờ mới thuyết phục được người dân đưa thi hài chị Xuân về quê ở xã Thiệu Phúc an táng. Sự việc khiến quốc lộ 45 ách tắc nghiêm trọng nhiều giờ.

Công lý ở đâu chưa thấy, nhưng những hệ lụy xã hội là nhãn tiền. Nhiều người đặt câu hỏi, người ta đem quan tài diễu phố chỉ vì công lý, hay vì mục đích nào khác? Song, dù với mục đích nào đi chăng nữa, thì việc nhẫn tâm hành hạ cả người đã khuất là điều không nên một chút nào.

Ông cha ta có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, người chết cho dù vì bất kì nguyên nhân nào, dù oan ức đến mấy có lẽ vẫn cần được tôn trọng theo truyền thống dân tộc. Nhưng tiếc thay, anh Tuấn Anh, anh Quệ, mẹ con chị Xuân và bao người khác nữa đến khi chết vẫn chưa được yên, cái xác vô hồn của họ vẫn phải tất tả ngược xuôi trong đám đông hỗn loạn làm thêm cái việc đi đòi công lý, và không loại trừ khả năng tiếp tục “làm kinh tế”! Thật đớn đau khi phải nghĩ như vậy.

LâmTrực@ cho rằng người dân không phải là không hiểu luật pháp, không biết đến thuần phong mỹ tục và càng không phải họ không tôn trọng người chết. Nhưng vì sao họ chọn con đường tiêu cực? Vì thực tế họ là kẻ yếu, họ nghèo đói, họ bị đối xử bất công và họ khao khát đảo ngược tình thế, hoặc chí ít họ cảm thấy được tôn trọng, vì thế họ chọn con đường nổi loạn. Những vụ việc mang quan tài diễu phố hay ăn vạ tại cửa quan giờ đây không phải là hiếm, nó diễn ra hàng ngày và có nguy cơ tăng cao, thực trạng đó đã tô đậm thêm những bất công trong xã hội.

Đằng sau những vụ việc này, người dân nhận ra, những đòi hỏi hay yêu sách của họ sẽ được nhanh chóng giải quyết bởi sự sợ hãi hay sốt sắng của chính quyền, và đương nhiên nó dần chở thành một phương pháp đấu tranh đòi công lý. Thực tế là bản thân người dân khó có thể nhận ra được chân lý trong trạng thái hưng phấn, cuồng loạn đến tột đỉnh, và nó ngay lập tức được những người vốn không ưa gì chế độ chộp lấy, lợi dụng, và thỏa sức bêu xấu, nhục mạ chính quyền. Vậy là từ những mục đích đơn giản, vụ việc dần mang màu sắc chính trị kiểu hè phố có pha chút côn đồ. Hiển nhiên, không có gì là lạ khi những vụ việc tương tự như vậy nhanh hơn tia chớp được bơm bít, tô trát thành các hiện tượng xã hội nổi bật đầy màu tối, có mặt trên truyền thông và lan đến mọi ngõ ngách của địa cầu.

Đáng xấu hổ, việc làm giảm nhiệt các vụ việc như vậy trên thực tế vẫn còn quá khó khăn. Cái chính là người ta chưa hoặc cố tình chưa nhận thức đúng về việc giải quyết các xung đột xã hội trong mối liên hệ với ổn định xã hội hay phát triển kinh tế. Về cơ bản, những hiện tượng trên có thể chấm dứt nếu như chính quyền nắm được nguyên nhân và xử lí tận gốc.

Thực tế là người dân không tự nhiên đi làm cái việc cực chẳng đã đó, họ cũng xót xa với việc mang xác con em mình chạy lông nhông giữa phố, điều đó đồng nghĩa với những nguyên nhân dẫn đến vụ việc trước hết và chủ yếu là xuất phát từ chính quyền và từ người thi hành công vụ.

Nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận khuyết điểm và sửa sai một cách minh bạch có lẽ sẽ là con đường nhanh nhất để chính quyền giải quyết tận gốc vấn nạn quan tài diễu phố.

Có cảm giác, báo chí ta đưa tin về vụ việc một cách hào hứng, và vô hình đã góp phần cổ súy cho hiện tượng này phát triển. Đó là một tội ác!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *