CÓ QUY ĐỊNH HẾT RỒI ÔNG THỊNH Ạ !

Người xem: 103

Trên Vietnamnet có bài “Cách duy nhất để chống ép cung” của Hà Văn Thịnh ở đây, tác giả đã có kiến giải rằng: Giải pháp duy nhất để nghi can không bị ép cung, bức cung là cần phải có luật sư chứng kiến quy trình điều tra tội ác (trừ vụ án liên quan đến an ninh quốc gia) nhằm bảo vệ đến mức có thể nhất (theo luật định) quyền của nghi phạm. Tôi thấy đây là một đề xuất đúng, nhưng nó đã được nói đến trong luật tố tụng hình sự, quyền có luật sư bào chữa của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, tác giã chưa hiểu thấu đáo luật tố tụng hình sự và những vấn đề liên quan nên chưa nói trúng vấn đề.


Trước hết, cần khẳng định rằng, luật tố tụng hình sự đã quy định quyền được có luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Không ai có quyền ngăn cấm, cản trở quyền đó. Vì vậy, những bị can, bị cáo có mời luật sư để bảo vệ cho mình thì luật sư được tham gia vào mọi hoạt động nói trên.

Do vậy, đề xuất của tác giả: “Giải pháp duy nhất để nghi can không bị ép cung, bức cung là cần phải có luật sư chứng kiến quy trình điều tra tội ác (trừ vụ án liên quan đến an ninh quốc gia) nhằm bảo vệ đến mức có thể nhất (theo luật định) quyền của nghi phạm. Đây là điều mà mọi nền dân chủ đều phải có: Chừng nào chưa bị kết án thì chừng đó nghi can vẫn chưa thể bị coi là kẻ có tội” là thừa, nếu không muốn nói là chưa đọc luật.


Trong bài viết, tác giả còn có sự lẫn lộn nhận thức về các khái niệm, chẳng hạn: “Theo nguyên tắc, quy trình để xét xử một vụ trọng án đòi hỏi sự tuân thủ cẩn trọng các bước điều tra và buộc tội để khởi tố, luận án, kết án“. Xét xử là việc của toà án, là giao đoạn cuối cùng trong ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, không có chuyện quy trình xét xử mà có cả điều tra, khởi tố, luận án.

Bức cung, mớm cung thường chỉ diễn ra trong giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra. Trong giai đoạn này, bị can thường bị tạm giam, tạm giữ để điều tra. Cán bộ điều tra thường phải hỏi cung bị can để tìm ra sự thật. Theo luật, luật sư được phép tham gia vào các hoạt động này và sự có mặt của họ sẽ hạn chế những lạm dụng của cán bộ điều tra. Tuy nhiên, do luật chưa có quy định bắt buộc phải có luật sư trong khi hỏi cung bị can nên trên thực tế có thể cán bộ điều tra không thông báo lịch làm việc cho luật sư cùng dự, hoặc luật sư do bận việc không đến được, bị cáo không đủ điều kiện để thuê luật sư ngay từ đầu nên việc hỏi cung thường diễn ra mà không có luật sư. Vì vậy rất dễ có sự lạm dụng sử dụng những cách dọa nạt, đánh đập, khủng bố tinh thần, làm bị can không chịu đựng được mà nhận tội. 

Rõ ràng, sự có mặt của luật sư buộc các cơ quan điều tra tố tụng phải thận trọng hơn, phải khách quan hơn, đúng luật hơn… Vì vậy, sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc. Tuy nhiên, thực tiễn có đáp ứng được hay không, đáp ứng đến mức nào là chuyện phải bàn. Chẳng hạn, án hình sự được khởi tố hàng năm là rất nhiều. Cùng với đó, số lượng bị can là rất nhiều. trong lúc đó số lượng luật sư là ít, chưa đáp ứng được yêu cầu bị can nào cũng phải có luật sư mới được điều tra. Chẳng hạn, do không có thực lực về kinh tế nên nhiều bị cáo đã không thể thuê luật sư. Trong lúc đó, nhà nước lại không có điều kiện để cử luật sư cho mọi bị cáo.



Tác giả Hà Văn Thịnh đã thiếu bình tĩnh, thiếu cách nhìn toàn diện khi quy kết lỗi của các cơ quan tố tụng nên đã viết thế này: “Những câu hỏi nhức nhối, đớn đau ấy, có lẽ nào lại vẫn tiếp tục chịu chung cái điệp khúc “do khách quan”, “lỗi” nghiệp vụ?… Các vị quan có trách nhiệm khi trả lời báo chí đều gọi cái việc đẩy người vô tội phải đi tù chung thân là LỖI(!) Là lỗi được chăng khi nếu không có cha là liệt sĩ thì ông Chấn đã bị tử hình(!)? Nếu ông Chấn đã bị xử bắn rồi, các vị có trách nhiệm ngụy biện theo cách chi?

Rồi tác giả kết luận: “Nhiều điều khuất tất liên quan đến vụ án động trời này, vì nếu không khuất tất, sao lại ép cung, bức cung?

Xin nói rằng, hàng chục vạn vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử trong hàng chục năm qua nay mới gặp một trường hợp điển hình. Những người làm án cũng chẳng có mong muốn cho điều đó xảy ra. Vì rằng, sự nghiệp của họ có thể tiêu tan nếu có sai sót như vụ này. Còn nói rằng có “lỗi” là đúng đấy chứ. Trong luật, lỗi là dấu hiệu bắt buộc để xem xét hành vi. Lỗi tùy mức độ nặng nhẹ mà nhận hình phạt tương ứng. Trong trường hợp này, nếu chứng minh được hành vi bức cung, mớm cung, cố tình làm sai lệch sự việc thì họ sẽ bị khởi tố hình sự và có thể phải vào tù.


Còn nói rằng, có khuất tất nên mới ép cung, bức cung thì quá đáng. Chưa nói đến chuyện căn cứ của nhận định, quy kết là vu vơ mà hãy bình tĩnh để thấy rằng động cơ cho sự “khuất tất” là cái gì thì hầu như không thấy. Cả ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án địa phương trong vụ Nguyễn Thanh Chấn đã bị chi phối vì cái gì? Tôi cứ suy đoán mãi không ra. Tác giả cứ thử nói xem?

Còn vấn đề “cần phải có bồi thẩm đoàn do nhân dân bầu ra, có quyền giám sát phiên tòa, nhằm buộc quan tòa phải làm đúng chức trách. Sự giám sát này sẽ vừa hạn chế được tình trạng chạy án vừa là động lực để quan tòa tự nâng mình lên về trình độ, hiểu biết“. Thì luật tố tụng hình sự Việt Nam đã thực hiện từ lâu rồi. Phiên tòa nào mà không có hội thẩm nhân dân. Đoàn hội thẩm nào mà không có chức năng giám sát phiên tòa. 

Chuyện nói rằng phải “vơ vét thẩm phán” để kịp xử án là vì án nhiều mà thẩm phán ít, do vậy án tồn đọng, nó chẳng liên quan gì đến “chạy án, trình độ hiểu biết” và “cơ quan điều tra vô trách nhiệm, vô cảm trước sự đẫm nước mắt của những người dân oan của quan tòa” như nhà báo nói cả.

Tóm lại, viết một bài về luật mà không hiểu luật đã là tai hại, còn tai hại hơn khi nó trưng ra trên mặt báo làm nhiều người ngộ nhận thì còn tai hại hơn. 

Xin nhà báo đừng ẩu.
——————————
Các hình ảnh: Nhục hình, ép cung, bức cung, và dụ cung.

Nguồn: Mõ Làng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *