Bộ trưởng Thăng “trảm” 20.000 tỷ đầu tư xây dựng
Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình dự án…
Không chỉ là 15.000 tỷ như một số vị đại biểu đã “khen”, mà Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình dự án.
Bên cạnh tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sau 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng còn đề cập các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ…
Không còn công trình chậm tiến độ
Trong quản lý đầu tư xây dựng, báo cáo cho biết, Bộ đã rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu từ các côn trình giao thông vận tải cho phù hợp với điều kiện về vốn và nhu cầu thực tiễn.
Đến nay Bộ đã cắt giảm được khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư tại một số công trình, dự án như đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Quán Hành – Quán Bánh, đoạn nam tuyến tránh Hà Tĩnh – Vũng Áng…
Hiện nay Bộ đang tiếp tục rà soát quy mô đầu tư một số dự án khác như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Phước, đường Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Mỹ Lợi và tiếp tục xem xét để cắt giảm quy mô một số công trình trong thời gian tới như cảng Lạch Huyện, cầu Việt Trì… Bộ trưởng cho biết.
Đánh giá khái quát, báo cáo nêu công tác quản lý tiến độ, chất lượng công trình đã có chuyể biến tích cực. Hiện nay không còn tình trạng công trình chậm tiến độ.
Tại báo cáo, tư lệnh ngành giao thông cũng trình bày với Quốc hội khó khăn khi Nghị quyết số 13, Hội nghị Trung ương 4 giao mục tiêu về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa đất nước cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 rất cao (giai đoạn 2011 – 2015 cần 480.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 cần 730.000 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn ngân sách dành cho ngành năm 2011 – 2013 lại chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011 – 2015.
Để khắc phục khó khăn, Bộ phải xem xét cắt giảm đầu tư, đồng thời huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức BOT, PPP… Đến nay, ngành huy động được hơn 94.000 tỷ đồng. Cụ thể, các dự án BOT mở rộng quốc lộ 1A là 49.002 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 5.890 tỷ đồng, các dự án khác khoảng 40.000 tỷ đồng.
Thu – chi quỹ bảo trì đường bộ đều khoảng 6.400 tỷ đồng
Trong quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, trước khi cung cấp các con số cụ thể, Bộ trưởng Thăng giải thích, các bộ ngành đã nghiên cứu rất kỹ các phương án thu và lựa chọn phương án thu qua đầu phương tiện là phương án công bằng nhất.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý về phương án quy định mới. Còn Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng, triển khai thực hiện các phương án xử lý dừng, xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách, xắp xếp lại các trạm thu phí BOT, trạm đã chuyển nhượng về quyền thu phí.
Cụ thể, hiện ngành đã dừng thu 22 trạm. Việc mua lại 2 trạm Hoàng Mai và Bãi Cháy do việc đàm phán với nhà đầu tư không đi đến thống nhất nên Bộ đã báo cáo Thủ tướng giao Tổng cục Đường bộ thay mặt chủ phương tiện để chi trả tiền vé qua trạm cho nhà đầu tư trong quá trình thu phí còn lại của hợp đồng với mức thu hiện hành. Việc trả tiền vé này đã thực hiện từ 15/10 vừa qua.
Với quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong 2013, việc thu quỹ bao gồm nguồn thu phí qua đầu phương tiện ô tô và ngân sách cấp bổ sung là 1.500 tỷ đồng (375 tỷ đồng/quý). Tổng thu quỹ Trung ương đến ngày 31/10 đạt hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó, thu phí trên đầu phương tiện ô tô đạt gần 4.500 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2013 sẽ đạt trên 6.400 tỷ.
Cũng đến hết tháng 10, tổng chi quỹ Trung ương là 4.300 tỷ đồng. Trong đó có 3.604 tỷ cho cho quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và các nhiệm vụ liên quan (gồm việc bảo dưỡng thường xuyên 102 tuyến quốc lộ với chiều dài 17.800 km, chi sửa chữa định kỳ 904 dự án…).
Ngoài ra, 700 tỷ đồng được chi về cho các quỹ bảo trì đường bộ địa phương để thực hiện các dự án sửa chữa hư hỏng cục bộ của 201 tuyến đường địa phương.
Dự kiến tổng chi cả năm 2013 vào khoảng 6.400 tỷ đồng (tương đương khoản thu quỹ đạt được), Bộ trưởng báo cáo.
Để hạn chế xe quá tải, Bộ trưởng Thăng trình bày, Bộ đã triển khai các trạm cân lưu động. Hiện ngành đã đầu tư 10 trạm cân. Hết năm 2013 sẽ đầu tư thêm 57 trạm, nâng tổng số trạm cân lên 67 trạm, từng bước hạn chế hiện tượng xe quá tải lưu thông ảnh hưởng xấu đến chất lượng cầu đường.
Nguyên Vũ
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố