NGƯỜI MỸ NÓI GÌ VỀ THAY ĐỔI Ở VIỆT NAM?

Người xem: 196

LâmTrực@

Chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm và không trách những người chưa đến Việt Nam nhưng lại có những nhận xét bi quan về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Nhưng rất khó để chấp nhận những nhận xét hàm hồ, xám ngoét, đểu giả đến từ những người là con dân Việt Nam, đang sống trên đất Việt Nam. Chính họ, những người này đã góp phần làm sai lệch và méo mó bức tranh hiện thực về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhưng hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ đã tới và ông đã phải thốt lên rằng: Việt Nam thay đổi thật đáng kinh ngạc!

Vâng, đối với một người đã đến việt Nam từ nhiều năm trước, nói thế là không ngoa chút nào. Tất nhiên, là con dân đất Việt, chúng tôi mong mỏi nhiều hơn thế.

Vào thời điểm ông John Kerry đến Việt Nam lần đầu vào thập niên 90, việc sở hữu một chiếc xe đạp Thống Nhất của Việt Nam, hay xe Mifa của Đức là một ước muốn xa xỉ chứ chưa nói đến việc có được một chiếc xe gắn máy hiệu Honda 67. 10 năm sau ông đến Việt Nam, người dân lấy xe máy làm phương tiện giao thông cơ bản. Và cho đến nay, đã nhiều gia đình sở hữu những chiếc siêu xe mà ngay đến giới công chức Mỹ cũng còn nằm mơ. 

Chiều nay, nếu ông về vùng Yên Bái quê tôi, ông sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi thấy một chị nông dân vừa lội ruộng vừa có thể tâm sự với anh lính tận Trường Sa qua điện thoại. Có lẽ, thông tin không còn là vấn đề với những bà lão lưng còng móm mém khi con của bà ở tận nơi xa tắp.

Trở lại chuyện ông ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến TP.HCM chiều qua và ngay lập tức đưa ra thông điệp: quan hệ hai nước đang mạnh hơn bao giờ hết.

Hình ảnh ông John Kerry vẫy chào người dân khi ông tản bộ ở khu vực trung tâm TP.HCM chiều 14/12/2013 đã nói lên nhiều điều về một Việt Nam mà ông đã đến cách đây một thập kỷ. 

Ký ức của ông ngoại trưởng, một cựu binh của cuộc chiến, về VN những năm 1990 là thành phố “như bị đóng băng với thời gian” khi Hà Nội “vẫn còn những hố bom, hầu như không có xe máy” và mọi thứ đều là xe đạp, rất ít xe hơi, không đèn giao thông và chỉ vài khách sạn.

Khi ông bước trên đường phố TP.HCM chiều qua, dù đó là nhà thờ Đức Bà hay chợ tạm ở đường Chu Mạnh Trinh, đó là những con phố tấp nập xe cộ, những người dân trẻ nườm nượp, phố xá nhộn nhịp, còn ông ngoại trưởng Mỹ thì thân thiện vẫy tay “xin chào các bạn“. Việt Nam đã thay đổi nhiều so với lần cuối ông trở lại cùng Tổng thống Bill Clinton năm 2000 và thay đổi nhiều hơn nữa so với ký ức những năm 1990 của ông.

Ông Fred Burke, giám đốc điều hành của Hãng luật Baker McKenzie phát biểu: “Không ai không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam hiện đại đã thay đổi thế nào chỉ trong 20 năm. Thật đáng kinh ngạc” – ông nói và nhấn mạnh: “đây không phải ngẫu nhiên, mà có sự cam kết và tầm nhìn của rất nhiều người“. Và: “Đất nước từng bị cô lập vì cấm vận cách đây hơn 20 năm giờ “có thể là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực và chúng ta sẽ cố để thực hiện điều đó“.

Vâng, ông Fred Burke đã đúng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có được như hôm nay, đó là thành quả lao động của người dân Việt Nam và nó phản ánh tầm nhìn, khả năng hội nhập của Việt Nam sau khi thoát khỏi chiến tranh triền miên.

Ông Fred Burke là người từng ở Việt Nam gần 20 năm, thừa nhận những gì ngoại trưởng Mỹ nói. “Những gì ông nói hoàn toàn đúng những gì tôi đã trải qua. Giờ rất nhiều thứ chúng ta xem nhẹ khi nghĩ lại Việt Nam đã thay đổi thế nào, từ điện thoại di động cho đến chất lượng cuộc sống“. Theo ông, Việt Nam giờ đây là “một cơ hội” cho người Mỹ khi rất nhiều người trẻ muốn sang Việt Nam để làm các lĩnh vực như công nghệ thông tin hay kinh doanh.

Khi nói đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Kerry cũng lạc quan khi nói: “Việt Nam và Mỹ đang đứng trước ngưỡng cửa của một thay đổi nữa”, và “Nó sẽ hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam để cải cách các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, ngân hàng“. 

Đó là tiếng nói của những người đại diện chính thức cho nước Mỹ khi đến Việt Nam. 

Rõ ràng, chúng ta đang thay đổi tích cực và ngày càng trở nên quan trọng trong mắt bạn bè quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *