CẦN PHẢI MẠNH TAY NHƯ THẾ

Người xem: 129

(CATP) Đã có ba trong mười vụ án tham nhũng điển hình (Công ty cho thuê tài chính II, Công ty Vifon và mới đây là vụ Vinalines) được xét xử và có bốn án tử hình. Người dân đã thể hiện sự phấn khởi, tin tưởng vào quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng. Dưới đây là một số ý kiến của người dân qua bốn bản án tử hình vừa được tuyên. 

Bà Võ Kim Châu, Bí thư chi bộ 11, KP2, phường Tăng Nhơn Phú A, Q9: Tốt rồi, nhưng còn băn khoăn

Một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức việc chống tham nhũng, nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu, toàn là thấy xử án treo không thôi. Đây là kết quả của những bước đi hết sức tích cực trong công tác chống tham nhũng. Điều này thể hiện rõ quyết tâm cao của Đảng trong chống tham nhũng một cách bài bản, tạo được niềm tin trong nhân dân. Vẫn còn một chút băn khoăn là có kiên trì đeo bám, làm đến nơi đến chốn hay chỉ mười vụ điển hình rồi lại chìm vào lãng quên. Tuyên án tử hình nhưng có tử hình được không, hay cấp sơ thẩm thì tử hình, đến cấp phúc thẩm lại không còn tử hình nữa. Sao thấy bị cáo nghe tuyên án tử hình mà hết sức bình thản, giống như biết trước có ai đó sẽ giải thoát cho mình khỏi tội chết vậy.

Luật sư Nguyễn Đức Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Q9: Bản án nghiêm khắc, phù hợp

Qua hai vụ án tham nhũng đã có bốn án tử hình, chứng tỏ Đảng và Nhà nước có quyết tâm cao trong đấu tranh chống tham nhũng. Tội phạm tham nhũng là một chủ thể đặc biệt, phải là những người có chức có quyền, cho nên việc đấu tranh không phải dễ dàng. Luật Phòng chống tham nhũng (bổ sung, sửa đổi 2012) đã đưa ra 12 hành vi tham nhũng phải xem xét xử lý. Bốn án tử hình đã tuyên là phù hợp về mặt pháp luật, cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuyên án tử hình mới hoàn thành một nửa công việc, vấn đề còn lại phải truy thu cho được tài sản đã tham ô, chứ không thể “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Trong nhóm tội tham nhũng, tham ô 500 triệu đồng trở lên khung hình phạt phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình là quá rộng để áp dụng. Nên chăng cần quy định cụ thể hơn để dễ trong áp dụng, như 500 triệu – 1 tỷ đồng thì mức án bao nhiêu, trên 2 tỷ thì mức án là tử hình. Việc cụ thể còn có tính chất răn đe, giáo dục và dễ áp dụng và xử lý. Cơ chế phòng chống mới là vấn đề quan trọng, chứ để xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả thì quá muộn. Công tác tuyên truyền Luật Phòng chống tham nhũng cần được đẩy mạnh trong nhân dân cũng như bộ máy công quyền nhà nước, quy trách nhiệm của người đứng đầu nhất là các doanh nghiệp nhà nước lãnh đạo có cam kết trước đồng vốn mình quản lý, tăng cường sự giám sát của nhân dân khi phát hiện công chức giàu lên một cách nhanh chóng phải kiểm tra xử lý ngay… 

Bà Lâm Thị Lệ, ngụ tại Q5: Người dân đã phấn khởi

Qua việc xét xử những vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II, Công ty Vifon và mới đây là vụ Vinalines, chúng tôi thấy phấn khởi không chỉ vì những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật dành cho các đối tượng vi phạm mà còn là sự thể hiện sự quyết tâm trong việc phòng, chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ ta. Kỳ này đúng là “làm thật chứ không còn nói suông như trước nữa”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã hứa là làm, chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt đó và cũng tin rằng những người khác đã và đang có ý đồ xấu phải nhìn vào đó để tự răn mình. 

Tham nhũng là “kẻ thù nội xâm” rất nguy hiểm, chống tham nhũng cũng là một mặt trận rất gian nan. Ngày trước, dân tin Đảng, cả nước đồng lòng chống ngoại xâm, quét sạch kẻ thù để có độc lập tự do và hạnh phúc và đã đưa được Việt Nam từ một đất nước lạc hậu, bị chia cắt trở thành một quốc gia thống nhất, phát triển về mọi mặt và ngày càng có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Bây giờ trong tình hình mới, người dân vẫn luôn tin vào Đảng trong công cuộc chống “giặc nội xâm” hết sức cam go và chúng ta cũng sẽ thành công, tôi chắc chắn như thế.

Anh Nguyễn Anh Đức, ngụ tại P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức: Cần làm rõ những vụ còn đang âm ỉ

Trong các vụ án tham nhũng vừa xét xử, nhìn chung các bản án phản ánh đúng các mức độ sai phạm cụ thể cũng như vai trò của từng đối tượng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, chúng tôi rất đồng tình. Đây mới chỉ là những vụ việc đã được phát hiện. Sẽ có những vụ việc tương tự chưa được phát hiện. Tôi tin với tinh thần quyết tâm cao này, sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui xử lý. 

Qua các bản án vừa được tuyên, chúng ta mới chỉ hài lòng ở mức độ xử lý những người đã gây ra sai phạm, gây thất thoát cho nhà nước nhưng việc bắt họ bồi thường rất khó nếu không nói là không thể. Do vậy vấn đề ở đây là việc phòng tham nhũng phải đặt ra trên. Chúng ta phải quan tâm đến vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát. Phải có văn bản pháp lý rõ ràng cũng như những chế tài xử lý nghiêm minh thì sẽ có tác dụng hạn chế cũng như phát hiện kịp thời không để lại hậu quả năng nề. Nếu chúng ta thực hiện tốt vấn đề này thì quan tham dù có muốn làm trái cũng không thể làm được. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *