Tài liệu giảng dạy trong nhà trường, đào tạo thế hệ tương lai có “đường lưỡi bò” là rất nghiêm trọng. Bất cứ điều gì động đến chủ quyền lãnh thổ, đất đai của Tổ quốc không bao giờ là không nghiêm trọng.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên ở TP.HCM, phần mềm đang được sử dụng khá phổ biến trong chương trình Tin học lớp 7 là Earth Explorer có nội dung “đường lưỡi bò”.
Trước sự việc nghiêm trọng này, ngày 24/12 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn chỉ đạo các đơn vị không dạy bài “Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer” nếu vẫn sử dụng sách “Tin học dành cho THCS quyển 2″ cũ. Công văn do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn ký.
Earth Explorer là phiên bản dùng thử và miễn phí được hướng dẫn sử dụng như là một ví dụ minh họa để học sinh rèn luyện kỹ năng khai thác, sử dụng phần mềm máy tính trong học tập.
Giải thích về việc này, ông Bùi Việt Hà – Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường phân trần “Đó là năm 2007, các phần mềm giáo dục của Việt Nam hầu như không có nên nhóm tác giả đã quyết định chọn một số phần mềm của nước ngoài về Toán, học gõ 10 ngón, bản đồ thế giới để học sinh làm quen. Phần mềm bản đồ không thể chọn Google Earth vì thực tế các trường không có Internet. Các phần mềm chọn đều phải là miễn phí hoặc bản dùng thử, chúng ta không thể mua bản quyền vì không có tiền”.
Có thể nói, để sự việc xảy ra 6 năm rồi phân trần “không thể mua bản quyền vì không có tiền” là khó được chấp nhận bởi không vì lý do “không có tiền” mà chúng ta để cho con em mình phải học bằng chương trình có in hình đường lưỡi bò trên bản đồ Tổ quốc.
Song, điều ngạc nhiên hơn còn ở chỗ, khi sự việc bị phát hiện, Giám đốc Bùi Việt Hà cho rằng đó “không phải là lỗi quá trầm trọng”. Nói như thế hoặc là làm nhẹ sự việc hoặc là chưa hiểu rõ bản chất sâu xa của vấn đề.
Âm mưu thôn tính 80% biển Đông được Trung Quốc tiến hành thâm độc và bài bản như thế nào, chắc người Việt Nam ta không ai lạ cả.
Họ tìm mọi cách, từ dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa, đặt các đơn vị hành chính trái phép trên đất đai của Tổ quốc ta cho đến những việc khi thì công khai in trên hộ chiếu, lúc thì bí mật “cài cắm” vào mọi thứ từ đồ dùng sinh hoạt, quả địa cầu cho đến sách giáo khoa…
Việc luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác đã được tổ tiên ta áp dụng và truyền lại bài học đó qua câu chuyện nổi tiếng Trọng Thủy – Mị Châu.
Nên nhớ, người Trung Quốc nổi tiếng “thâm”, họ làm việc này rất bài bản và tinh xảo trong từng đường đi, nước bước.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trước sự “nham hiểm” đó, vẫn có người không nhận thức đúng mà cho rằng điều đó “không nghiêm trọng lắm” như vị Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường. Hình như ông Giám đốc Hà còn không nhận thức đúng rằng đây là bài giảng dạy trong nhà trường, đào tạo thế hệ tương lai…
Bất cứ điều gì động đến chủ quyền lãnh thổ, đất đai củaTổ quốc không bao giờ là không nghiêm trọng, phải không các bạn?
Theo Dân Trí
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố