Chủ nhiệm đề tài tố bị gợi ý chia phần trăm
TT – Một chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước đã làm đơn xin thôi làm chủ nhiệm vì nhiều lý do. Ông cũng là người đã tố bị gợi ý trích lại 50-60% kinh phí nghiên cứu cho cơ quan chủ trì đề tài.
Tiến sĩ Phạm Huyền cầm trên tay lá đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mới thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng được sáu tháng, lần lượt nhiều thành viên ban chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm đề tài xin rút lui. Chuyện gì đang xảy ra đối với công trình nghiên cứu được đánh giá là “hết sức cần thiết” này?
Tháng 11-2012, đề tài KX.06.01/11-15 “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập về khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ VN” được ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 và Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước ký hợp đồng thực hiện với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng.
Cơ quan chủ trì đề tài là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế – Bộ Khoa học – công nghệ; chủ nhiệm đề tài là TS Phạm Huyền – nguyên phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học – công nghệ).
Chỉ được chi một nửa kinh phí?
Tôi buộc phải làm đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài sau một thời gian dài cân nhắc. Bởi vì tôi cảm thấy nếu với yêu cầu nộp kinh phí như vậy thì tôi không thể có khả năng để chi trả và hoàn thiện đề tài với chất lượng mà ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 và Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước yêu cầu trong hợp đồng đã ký. Nếu chấp nhận tỉ lệ này, chắc chắn sau đó tôi sẽ buộc phải ký một loạt hóa đơn và chứng từ giả để thanh quyết toán, cũng như sẽ phải dựng lên các kết quả đề tài sai thực tế
TS Phạm Huyền
Trong lá đơn đề ngày 27-5-2013, TS Phạm Huyền đưa ra bốn lý do để ông xin thôi làm chủ nhiệm đề tài.
Đó là sự thay đổi nguyên tắc làm việc của giám đốc mới không phù hợp khiến đề tài không tiếp tục triển khai; việc sử dụng ngân sách dành cho đề tài bị dừng lại từ tháng 1 đến tháng 5-2013 kéo theo nhiều hệ lụy xấu; một số thành viên chủ chốt của ban chủ nhiệm đề tài từ chối tiếp tục làm việc trong bối cảnh mới; bản thân chủ nhiệm đề tài cảm thấy không đủ sức khỏe để thực hiện khi đề tài bị kéo dài với các lý do nêu trên.
Cũng trong đơn, TS Huyền tiết lộ: “Giám đốc gợi ý đóng góp cho trung tâm khoảng 50% kinh phí viết các chuyên đề, thông qua phát biểu ở trung tâm cũng như khi làm việc trực tiếp với chủ nhiệm đề tài.
Theo ông giám đốc, đóng góp này dùng cho các việc: bảo vệ, hội đồng, “đi cảm ơn”, quản lý phí, kiểm toán, thanh tra; đóng góp các quỹ như đời sống, công đoàn, dự phòng, rủi ro…
Đối với một đề tài cấp nhà nước, yêu cầu đóng góp này là quá cao và không nhận được sự đồng tình của ban chủ nhiệm. Ngoài ra, lý do đóng góp về trung tâm để phục vụ các mục đích nói trên không thuyết phục đối với các thành viên của ban chủ nhiệm, nên tôi không thể quyết định về phần kinh phí đóng góp của đề tài cho đơn vị chủ trì”.
Biên bản cuộc họp ban chủ nhiệm đề tài trước đó cũng ghi lại phát biểu của PGS.TS Vũ Cao Đàm – thành viên của ban chủ nhiệm – khẳng định: Thông thường đơn vị chủ quản chỉ được nhận 5% kinh phí cho đề tài để thực hiện công tác quản lý và đi kèm với đó, đơn vị chủ quản phải thực hiện các công việc kế toán và thủ tục hành chính.
Bằng chứng cho việc gợi ý chia phần trăm của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế Bùi Quý Long với đề tài được TS Huyền giữ bằng băng ghi âm hai buổi làm việc giữa chủ nhiệm đề tài và giám đốc trung tâm.
Trong băng ghi âm, ông Long nói: “Các nơi khác cùng lắm họ chỉ chi 40% trong tổng số đấy, còn 60% chi cho ngoại giao, đối ngoại, rồi nghiệm thu, lợi nhuận cơ quan… kiểm toán sau này, tất cả mọi khoản, chứ không phải chi hết tất cả. Về nguyên tắc các nơi họ đều phải làm thế. Tức là trong phạm vi chủ nhiệm đề tài được chi chỉ 40% tất cả các vấn đề, còn lại các phần ngoại giao, đối ngoại bên ngoài là trung tâm phải lo…”.
Ông Long cũng đưa ra dẫn chứng với TS Phạm Huyền: “Viết chuyên đề mà người khác trả, chưa lần nào em được nhận hơn 4 triệu đồng cho một chuyên đề 8 triệu đồng… Chưa được 50%”.
“Phát ngôn cá nhân”
Trong khi đó, công văn gửi ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 và Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước “về việc thôi chủ nhiệm đề tài KX.06.01/11-15 của TS Phạm Huyền” của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế do ông Bùi Quý Long ký lại khẳng định: “TS Phạm Huyền cho rằng giám đốc mới gợi ý ông với tư cách là chủ nhiệm đề tài phải đóng góp cho trung tâm 50% số kinh phí viết chuyên đề và bản thân ông tuyên truyền với các thành viên ban chủ nhiệm đề tài yêu cầu này nhằm tạo dư luận không đúng về giám đốc mới cũng như hình ảnh trung tâm đối với các thành viên ban chủ nhiệm là người ngoài trung tâm. Việc TS Phạm Huyền với tư cách chủ nhiệm đề tài tổ chức năm cuộc họp ban chủ nhiệm nhưng chưa một lần thông báo hay mời giám đốc mới tham dự là không tôn trọng cơ quan chủ trì và giám đốc mới”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Thanh – thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, đồng thời là chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 – cho hay đây là “quan hệ rất cá nhân giữa hai người” và mối quan hệ giữa hai người rất xung khắc, chứ “hoàn toàn không có chủ trương, quy định nào như thế”.
“Việc đẩy mối quan hệ giữa hai người với nhau thành vấn đề là không hợp lý” – Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh. Theo đó, nội dung gợi ý chi hoa hồng theo phản ảnh của TS Phạm Huyền chỉ dừng ở lời nói, chứ chưa diễn ra trên thực tế.
Trả lời câu hỏi về việc tuy là những phát ngôn cá nhân, nhưng người phát ngôn lại là giám đốc trung tâm thuộc bộ, ông Thanh nói: “Bộ đã xử lý vấn đề đó và phê bình anh Long về phát ngôn không đúng. Lãnh đạo bộ đã trao đổi và anh Long đã nhận ra những sai sót”.
Tuổi Trẻ cũng đã liên lạc và hẹn gặp được ông Bùi Quý Long. Tuy nhiên, dù chia sẻ nhiều thông tin và quan điểm cá nhân, nhưng ông Long lại yêu cầu không đưa lên báo vì “lãnh đạo bộ đã phân công Thứ trưởng Thanh phụ trách trả lời báo chí về vấn đề này”.
Khó có thể hoàn thành
Theo TS Phạm Huyền, trước khi ông xin thôi làm chủ nhiệm đề tài thì đề tài đã bị đình trệ ba tháng do việc ngân sách chi cho đề tài bị dừng. Cộng với bảy tháng sau khi ông Huyền viết đơn mà không có quyết định nào mới về ban chủ nhiệm đề tài, nghĩa là đề tài đã dừng được 10 tháng và khó lòng có thể hoàn tất theo kế hoạch.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết khi nắm được thông tin, lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ đã làm việc với cả giám đốc Bùi Quý Long và TS Phạm Huyền. Kết quả của một trong những cuộc làm việc này là TS Huyền đã đồng ý trở lại làm chủ nhiệm đề tài.
Còn TS Phạm Huyền xác nhận cách đây vài tháng ông đã đồng ý trở lại làm chủ nhiệm đề tài nếu có ba sự thay đổi lớn:
“Thứ nhất, phải thay đổi cơ quan chủ trì đề tài, nghĩa là đề tài không còn thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế.
Thứ hai, phải thanh toán các khoản mà ban chủ nhiệm đã chi ra, kể cả tiền dịch tài liệu với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Thứ ba, Thứ trưởng Trần Việt Thanh – chủ nhiệm chương trình – phải có buổi làm việc để kêu gọi, thuyết phục các thành viên của ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục ở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có yêu cầu nào được thực hiện.
Do đó, chắc chắn tôi sẽ không trở lại vị trí chủ nhiệm đề tài nữa, nhất là điều kiện sức khỏe hiện tại của tôi không cho phép”.
N.HÀ – L.THANH
PGS.TS Dương Anh Tuấn (nghiên cứu viên cao cấp, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam):
“Tôi thấy rất sốc”
Thông thường, mỗi đề tài khoa học đều dành một tỉ lệ nhất định cho quản lý phí, nhưng tỉ lệ này thường nhỏ, chỉ vài phần trăm. Khi nghe thông tin giám đốc trung tâm chủ trì đề tài nói ra chuyện chỗ này, chỗ khác phải dành đến trên 50% tiền đề tài cho quản lý phí, tôi cảm thấy rất sốc và gần như trong trạng thái mất mát một cái gì đó thuộc về niềm tin.
Đứng vai trò phản biện đề tài, tôi đánh giá đề tài xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập về khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam là hết sức cần thiết. Đó là một đề tài hay nhưng không dễ thực hiện. Việc huy động được các thành viên tham gia ban chủ nhiệm đề tài là những người có kinh nghiệm về hợp tác quốc tế là đúng người, đúng việc. Một đề tài được đánh số 01 trong chuỗi đề tài thuộc chương trình khoa học cấp nhà nước bị dừng gần một năm qua vì những lùm xùm này là rất lãng phí.
Ban chủ nhiệm đề tài gồm 10 thành viên, trong đó trực thuộc Bộ Khoa học – công nghệ bao gồm: TS Phạm Huyền (chủ nhiệm đề tài, nguyên phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế), ThS Nguyễn Anh Dũng (chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế), ThS Lương Văn Thắng (phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế), cử nhân Triệu Thị Bảo Hoa (Vụ Hợp tác quốc tế), cử nhân Hứa Văn Thái (thư ký đề tài, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế).
Các đơn vị khác gồm: PGS.TS Vũ Cao Đàm (giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), luật sư Trần Hữu Huỳnh (trưởng ban pháp chế VCCI – hiện là chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), PGS.TS Bùi Tất Thắng (viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch – đầu tư), ThS Hồ Quang Trung (vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Công thương), ThS Nông Thị Hồng Hạnh (Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch – đầu tư).
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố