VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM NGÀY CÀNG LỚN MẠNH

Người xem: 656

Thành công lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông năm 2013 là cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông

“Việt Nam là một trong số ít nước hoàn thành được khuôn khổ quan hệ với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới trong năm 2013 trên bình diện song phương” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 31-12-2013, trước thềm năm mới 2014.

Đạt sự đoàn kết cao hơn

Trong 13 nước ký Hiệp định đối tác chiến lược với Việt Nam thì thương mại chiếm tỉ trọng lớn. Trong đó, xuất nhập khẩu với các đối tác này đạt 148 tỉ USD, chiếm 18% tổng xuất nhập khẩu toàn quốc. Các đối tác chiến lược tập trung chủ yếu ở những nước lớn của châu Á và châu Âu với những cam kết ODA rất lớn. Riêng Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ 30% trên tổng số cam kết ODA cho Việt Nam.

Trong năm 2013 cũng có hơn 30 chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia các nước có quan hệ đối tác chiến lược tới Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Điều đó khẳng định sự tin cậy của các đối tác trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể, trong đó có cả các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ.


Trong năm qua, vai trò và vị thế của Việt Nam cũng nâng lên một tầm cao mới bằng các hoạt động ngoại giao đa phương mạnh mẽ với những bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các diễn đàn quốc tế lớn, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào những hoạt động mang tính toàn cầu. Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền thế giới với số phiếu gần như tuyệt đối thể hiện sự công nhận mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. “Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thế giới” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thành công lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trong năm 2013 là đã cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). “Đây là kết quả lớn nhất sau 45 năm, Trung Quốc đã đồng ý tham vấn COC và các nước ASEAN cũng đạt được sự đoàn kết cao hơn” – người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Việt Nam kỳ vọng tình hình biển Đông trong năm 2014 sẽ có những tiến triển thuận lợi, đặc biệt là các nước ASEAN sẽ ký được với Trung Quốc COC và liên tục đấu tranh bảo vệ ngư dân tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các bất đồng tại biển Đông, đặc biệt là những nỗ lực của Việt Nam và Malaysia khi đưa ra tuyên bố 6 điểm riêng về biển Đông năm 2012.

“Trong cái phức tạp lại nảy sinh cái tốt. Sau khi có tuyên bố trên, các nước đều viện dẫn những điều khoản trong đó, coi đây là những thành tố cơ bản” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ và bày tỏ quan ngại về việc các nước công bố vùng nhận diện ở biển Đông vì các vùng này là những vùng chồng lấn, sẽ gây nên sự căng thẳng tại khu vực và tạo ra những diễn biến khó lường.

Tiếp tục phát triển các mối quan hệ

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, những bước tiếp theo về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm tới là tiếp tục phát triển các mối quan hệ có hiệu quả đã có cũng như coi trọng các mối quan hệ gắn bó với bạn bè truyền thống; tập trung thu hút ODA và FDI để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng dựa trên phát triển bền vững. Đồng thời nỗ lực hoàn tất một số hiệp định quan trọng đang trong quá trình đàm phán như Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu.

Đối với 4 triệu kiều bào sống ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh kiều bào là bộ phận của dân tộc, sống hòa nhập với các nước sở tại nhưng luôn hướng về quê hương xứ sở, đóng góp cho đất nước thông qua các chuyến thăm người thân cũng như đầu tư để phát triển quê hương. Ông cũng bày tỏ mong muốn các thế hệ trẻ kiều bào sẽ được nuôi dưỡng văn hóa quê hương qua việc học tiếng Việt. “Văn hóa phải được nuôi dưỡng qua ngôn ngữ, giữ được ngôn ngữ là giữ được văn hóa” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Về chủ trương tiết kiệm ngân sách cho các chuyến đi nước ngoài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng muốn triển khai được toàn diện công tác đối ngoại thì cần phải tăng cường và mở rộng quan hệ nên các chuyến công tác nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều đoàn đi công tác nước ngoài mà không mang lại hiệu quả, không học hỏi được nhiều kinh nghiệm do không có các đầu mối điều phối. Trong năm 2013, các chuyến đi công tác nước ngoài đã giảm đáng kể. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết sắp tới sẽ giao các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài truyền lại kinh nghiệm, bố trí chương trình làm việc phù hợp cho các đoàn công tác, các đoàn đi nước ngoài phải thông báo cho các cơ quan này biết.


Bích Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *