POLPOT VÀ BÈ LŨ TRỞ THÀNH KẺ PHẢN BỘI NHƯ THẾ NÀO?

Người xem: 134

Polpot và bè lũ trở thành kẻ phản bội như thế nào?

Tháng 2-1963, tại đại hội của Đảng Công nhân Cam-pu-chia, Pôn Pốt được chọn kế vị đồng chí Tu Sa-mút, đã bị sát hại trước đó, trở thành Tổng Bí thư của đảng. Việc tiếm quyền của Pôn Pốt hoàn tất.Thế kỷ 20 đã chứng kiến một sự kiện nhân đạo và chính nghĩa hiếm có: Quân đội và nhân dân Việt Nam cứu nhân dân Cam-pu-chia anh em thoát khỏi họa diệt chủng, thực hiện hồi sinh một dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm sự kiện ý nghĩa này, xin giới thiệu loạt bài của Đại tá Lê Liên, là một cựu chuyên gia Quân tình nguyện Việt Nam tham gia giúp đỡ Cam-pu-chia, để độc giả có cái nhìn chân thực về ngày 7-1-1979.

Những kẻ phản bội

Tháng 2-1963, tại đại hội lần thứ hai của Đảng Công nhân Cam-pu-chia (trước tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia), Pôn Pốt được chọn kế vị đồng chí Tu Sa-mút, đã bị sát hại trước đó, trở thành Tổng Bí thư của đảng. Từ đây, việc tiếm quyền trong đảng của Pôn Pốt hoàn tất. Tháng 7-1963, Pôn Pốt và hầu hết thành viên ủy ban trung ương rời Phnôm Pênh để thành lập một căn cứ tại tỉnh Ra-ta-na-ki-ri phía Đông Bắc Cam-pu-chia. Pôn Pốt và đồng bọn trưởng thành từ nhóm sinh viên tại Pa-ri nắm quyền kiểm soát Trung ương đảng, loại bỏ các cựu binh lớn tuổi, những người tích cực ủng hộ sự nghiệp cách mạng ở cả ba nước trên bán đảo Đông Dương. Tháng 9-1966, chúng bí mật đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Cam-pu-chia, những đảng viên cấp thấp của đảng không được thông báo về điều này và các đảng viên cũng không biết cho tới nhiều năm sau. Trong rừng rậm Cam-pu-chia, chúng bắt đầu thực hiện những mưu đồ mang nặng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan.

Quyền lực tối cao trong tập đoàn phản động ở Cam-pu-chia tập trung hầu hết vào 5 tên: “anh Cả” Pôn Pốt (Sa-lốt Sa), Tổng Bí thư từ năm 1963 tới khi chết; “anh Hai” Nuôn Chia (Long Bun-ruốt), “cánh tay phải” của Pôn Pốt; “anh Ba” Iêng Xa-ri, anh em đồng hao của Pôn Pốt; “anh Tư” Khiêu Xam-phon; “anh Năm” Tà Mốc (Chờ-hít Chờ-hun).
Pôn Pốt sinh năm 1928 tại tỉnh Kông-pông Thom. Năm 1953, y tham gia Mặt trận Việt Minh, nhưng không chú trọng đến công việc chung, chỉ mưu đồ chia rẽ nội bộ, tranh quyền lãnh đạo trong Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia. Ngày 17-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc ở Cam-pu-chia. Tập đoàn phản động do Pôn Pốt đứng đầu lập nên nhà nước Cam-pu-chia Dân chủ. Ngày 20-5-1975, Thường vụ Trung ương đảng Pôn Pốt họp quyết định 3 chủ trương lớn: Làm trong sạch nội bộ nhân dân; xác định Việt Nam là kẻ thù số 1, là kẻ thù truyền kiếp; xây dựng xã hội mới của Cam-pu-chia không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo… Ngày 1-2-1978, y nói rõ trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng của y: “Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài, có tính chất gặm nhấm, ta không đánh nó trước thì sẽ không thắng… Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10-15-20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Cam-pu-chia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam. Phải đưa chiến tranh sang đất nó”.

Nuôn Chia sinh năm 1926 tại tỉnh Bát-tam-bang, là một người gốc Hoa. Khi tập đoàn Pôn Pốt thành lập Cam-pu-chia Dân chủ, y được người Cam-pu-chia biết đến với tên gọi “anh Hai”, “nhà tư tưởng” thiết kế mô hình nhà nước, đồng thời là nhà đạo diễn “cánh đồng chết”. Nuôn Chia được Pôn Pốt giao phụ trách công tác đảng và an ninh quốc gia từ năm 1960 khi y giữ chức Phó tổng Bí thư Trung ương đảng. An ninh quốc gia ở đây chủ yếu là trừ khử những “thành phần chống phá cách mạng trong và ngoài đảng”. Khi tập đoàn Pôn Pốt giành được chính quyền năm 1975, Nuôn Chia được làm Chủ tịch Quốc hội, có lúc làm Thủ tướng trong một tháng khi Pôn Pốt tạm nghỉ. Chính Nuôn Chia trực tiếp chỉ đạo quản tù tra tấn và hành quyết những cán bộ bị tình nghi chống lại Pôn Pốt bị giam cầm ở nhà tù Tuôl Sleng.

Iêng Xa-ri sinh năm 1925 tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Năm 1957, y tham gia Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia, giữ các chức vụ chủ chốt trong Thành ủy Phnôm Pênh và Trung ương Đảng. Năm 1963, Iêng Xa-ri được chỉ định vào Bộ Chính trị giữ vị trí thứ tư trong đảng đã đổi tên. Từ năm 1970 đến 1975, y là “cố vấn đặc biệt” bên cạnh Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc khi ở Bắc Kinh. Sau ngày 17-4-1975, Iêng Xa-ri giữ chức Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại trong chính phủ Cam-pu-chia Dân chủ, cùng với Pôn Pốt, Iêng Xa-ri đã gây ra nạn diệt chủng khủng khiếp đối với nhân dân Cam-pu-chia.

Khiêu Xam-phon sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân, cha là người Khơ-me, mẹ người Hoa. Sau cuộc đảo chính tháng 3-1970, y tuyên bố ủng hộ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Cam-pu-chia do Hoàng thân Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đứng đầu, được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng trong Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Cam-pu-chia do Pen Nút làm Thủ tướng. Năm 1976, y là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước Cam-pu-chia Dân chủ. Khiêu Xam-phon được coi là kiến trúc sư của Cam-pu-chia Dân chủ.

Tà Mốc, tên thật là Chơ-hít Chờ-hun, sinh năm 1926 trong một gia đình nông dân tại tỉnh Ta-keo, miền Nam Cam-pu-chia. Trước năm 1975, y là ủy viên Quân ủy Trung ương, thường vụ Trung ương Đảng của tập đoàn phản động Pôn Pốt. Tháng 7-1975, Pôn Pốt triệu tập đại hội các bí thư khu ủy để thống nhất quân đội và phân định lại ranh giới. Cam-pu-chia được chia ra làm 7 khu và Tà Mốc phụ trách khu Tây Nam. Năm 1977, Tà Mốc lên nắm chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội và đóng vai trò chủ đạo trong một loạt vụ thanh trừng và gây ra nhiều vụ thảm sát. Là “anh Năm” trong lực lượng Pôn Pốt, Tà Mốc đóng vai trò quan trọng trong nạn diệt chủng khiến hàng triệu người chết.

Đối với Việt Nam, tập đoàn phản động do Pôn Pốt đứng đầu đã có những biểu hiện phản bội ngay khi hai nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ cuối năm 1971 đã có những cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang của bọn Pôn Pốt với Quân tình nguyện Việt Nam. Rất nhiều kho vũ khí của ta bị quân của Pôn Pốt đến lấy trộm, nhiều cán bộ, chiến sĩ đi công tác lẻ, hoặc đơn vị nhỏ đi công tác sâu trong đất Cam-pu-chia, bị chúng bí mật thủ tiêu. Đến cuối năm 1972, chúng yêu cầu Quân tình nguyện Việt Nam ở các vùng, các địa phương Cam-pu-chia rút hết về nước. Đến cuối năm 1973, quân ta về nước hết. Năm 1975, khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, bè lũ Pôn Pốt đã cho quân tiến công đánh sang các đảo, biên giới đất liền Tây Nam đất nước ta. Ngày 3-5-1975, quân Pôn Pốt đổ bộ lên đảo Phú Quốc và đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng, buộc phải rút chạy. Ngày 10-5-1975, quân Pôn Pốt lại đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và thủ tiêu 500 dân thường. Những tháng ngày sau đó, chúng tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lấn ra trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của ta.

Tức nước vỡ bờ

Tức nước vỡ bờ, ngay từ năm 1975, trong đất nước Cam-pu-chia đã nhóm lên những ngọn lửa phản kháng. Bắt đầu từ chính những cán bộ, đảng viên trong hàng ngũ của Pôn Pốt, sau đó, lan dần sang các tầng lớp công nhân, trí thức, nông dân. Từ năm 1975 đến 1978, không chịu nổi chế độ hà khắc của bọn Pôn Pốt, nhân dân Cam-pu-chia ở nhiều vùng nổi dậy chống lại chúng. Các phong trào tự phát nổi lên với các khẩu hiệu: “Đòi lật đổ chính quyền xã, huyện”, “Hòa bình rồi, đừng chiến tranh nữa” ở Kông-pông Thom, Xiêm Riệp, “Đòi cho tự lập gia đình”, “Bãi bỏ hôn nhân tập thể”, “Cải thiện đời sống cho chúng tôi” ở vùng Tây Nam Cam-pu-chia, “Đừng giết người Chàm” ở Kông-pông Chàm, “Đòi tự do đi lại”, “Đòi đoàn kết dân tộc”, “Đòi cứu nguy cho Quốc vương Xi-ha-núc”, “Yêu cầu quốc tế can thiệp” ở Phnôm Pênh… Nhưng càng đấu tranh, nhân dân Cam-pu-chia càng bị đàn áp, giết chóc, số người ly khai ra rừng lánh nạn đến hơn 10 vạn.

Trong hàng triệu người Cam-pu-chia phản kháng chế độ Pôn Pốt, sự phản kháng của những người là lãnh đạo đảng các cấp, chỉ huy quân đội, đảng viên của chế độ Pôn Pốt mang ý nghĩa đặc biệt. Chính họ là những người nhen lại ngọn lửa cách mạng ở đất nước Cam-pu-chia, những người xác định con đường cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, lãnh đạo nhân dân Cam-pu-chia hồi sinh đất nước, xây dựng xã hội mới.

Lính Pôn Pốt bị bắt giữ. Ảnh tư liệu.
Tháng 6-1977, ông Hun Xen, một cán bộ chỉ huy trung đoàn, ly khai quân Pôn Pốt, dẫn đầu 16 người chạy sang Việt Nam. Cũng trong năm 1977, nhiều cán bộ Cam-pu-chia các tỉnh Đông Bắc chạy sang Gia Lai, Kon Tum. Đó là số cán bộ tập kết ra miền Bắc, về nước thấy sự phản đảng của bọn Pôn Pốt nên chạy trở lại Việt Nam, gồm đồng chí Bu Thoong, Xoi Keo, Đi Phin… Các ông Pen Gút, Hưu Xem, Phách Xem, Pen Ủng, đoàn của ông Úc Bun-xươn chạy sang Tây Ninh; ông Chăn Ven, ông Xim Sông chạy sang Quân khu 9. Tiếp đó là các ông Hêng Xom-rin, Chia Xim. Đến gần cuối năm 1978, đã có 107 người là lãnh đạo từ cấp trung đoàn tới cấp quân khu Cam-pu-chia chống chế độ Pôn Pốt sang Việt Nam.
Được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, những người ly khai chế độ Pôn Pốt mà hầu hết là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia tiến hành tập hợp lực lượng, xây dựng đường lối giải phóng nhân dân Cam-pu-chia. Từ ngày 26 đến 29-11-1978, ban tổ chức Đại hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia tại Trường Công an Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), có 108 đại biểu gồm: Đoàn cán bộ tập kết ra miền Bắc năm 1954 rồi ở lại Việt Nam công tác có 42 người, đoàn Quân khu Đông: 35 người, đoàn sang từ tháng 6-1977: 16 người, đoàn Đông Bắc: 11 người, nhân sĩ: 4 người. Đại hội đã bầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia gồm 15 người, do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch, ông Chia Xim làm Phó chủ tịch và ông Rua Xa-may làm Tổng thư ký. Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra mắt. Buổi lễ ra mắt tổ chức ở vùng Snun, tỉnh Kra-chê, vừa được giải phóng khá rầm rộ. Có đại diện của các tiểu đoàn và đội công tác vũ trang của bạn, hàng trăm người Cam-pu-chia có đại diện các giai cấp, tôn giáo, dân tộc, tầng lớp nhân dân ở Cam-pu-chia đến dự. Khi thấy Đoàn chủ tịch mặt trận xuất hiện, có cả nhà sư mặc áo cà sa, mọi người dự lễ đều quỳ xuống vái lạy rất trọng thị. Ai cũng tỏ lòng phấn khởi có người lãnh đạo, nhất định nhân dân Cam-pu-chia sẽ thoát khỏi ách diệt chủng do bọn Pôn Pốt-Iêng Xa-ri gây nên.
Làm nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Cam-pu-chia trên đất Việt Nam là những người đảng viên chân chính của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia. Ngày 4 và 5-1-1979, các đảng viên cũ của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia tập trung về trạm 66B, cư xá Mỹ cạnh dinh Độc Lập, ở TP Hồ Chí Minh để tiến hành đại hội khôi phục lại đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới và công nhận đảng viên của đảng. Cũng tại đại hội này, Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia cử ra Chủ tịch nước và thành phần Chính phủ để về ra mắt nhân dân Cam-pu-chia ngay khi đất nước được giải phóng, tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III, gồm 62 đại biểu. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 7 người: Pen Xô-van làm Tổng Bí thư, các đồng chí Hêng Xom-rin, Chia Xim làm Ủy viên thường vụ, các đồng chí Hun Xen, Bu Thoong, Văn Son, Chăn Xi làm Ủy viên Trung ương.
Từ đây, cách mạng Cam-pu-chia có lực lượng lãnh đạo. Đó là những con người được tôi luyện trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kinh qua chiến tranh gian khổ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trung thành với lợi ích của dân tộc và nhân dân, nắm vững xu thế phát triển của thời đại, có tinh thần quốc tế, tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Việt Nam. Sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của các nhà lãnh đạo cách mạng ly khai chế độ Pôn Pốt đã tập hợp được nhân dân Cam-pu-chia, những người đã sống uất hận trong chế độ diệt chủng vùng lên đấu tranh, sát cánh cùng quân và dân Việt Nam lật đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt cùng chế độ quái thai do chúng dựng lên.
Ngày 3-11-1978, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Pôn Pốt-Iêng Xa-ri tiến công căn cứ Sê-rê-ca của quân Pôn Pốt ở phía Tây Bắc Đầm Be (Công-pông Chàm). Sau một giờ chiến đấu, lực lượng nổi dậy làm chủ căn cứ, tiêu diệt hơn 100 tên, thu một kho vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Phong trào nổi dậy chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa-ri lan rộng khắp cả nước, không chỉ lớn về quy mô mà còn có bước chuyển mới về tổ chức và phương thức đấu tranh. Đã có sự phối hợp giữa các lực lượng, giữa thành thị với nông thôn; đã biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nổi dậy của quần chúng với binh biến của binh lính.
Tháng 11-1978, tại Quân khu Đông, lực lượng nổi dậy hoạt động mạnh ở các huyện Cam-chơ-rích, Tơ-nang Khơ-mun (Công-pông Chàm). Tại Quân khu Đông Bắc, hàng trăm nhân dân vùng Siêng-pạng (Stung Treng) và vùng Bô-keo (Ra-ta-na-ki-ri) nổi dậy chống lại việc bắt thanh niên đi lính cho Pôn Pốt. Nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân khu Đông và Đông Bắc cùng đồng bào cả nước đoàn kết, đấu tranh đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa-ri, phản đối việc chính quyền Pôn Pốt-Iêng Xa-ri gây chiến tranh biên giới với Việt Nam, đòi xây dựng nước Cam-pu-chia hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12-1978, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia phát triển ngày càng mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi. Đầu tháng 12-1978, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Môn-đôn-ki-ri đánh chiếm một căn cứ địch, diệt hơn 100 tên, thu nhiều súng đạn và lương thực. Tiếp đó, nhân dân hai huyện Sơ-lông và Crô-chơ-mia (Công-pông Chàm) nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số xã. Ở Quân khu 203 và Quân khu Đông Bắc, nổ ra nhiều vụ binh biến của binh lính.

Theo Đại tá LÊ LIÊN (Quân đội nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *