Hoàng Sa – Chúng ta không bao giờ từ bỏ chủ quyền

Người xem: 144

Cần cung cấp cho dư luận những thông tin hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa không chỉ về mặt giáo dục mà còn có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu và công tác đấu tranh trên mặt trận pháp lý về Hoàng Sa.

Những chiến hạm của VNCH tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 (tư liệu)
Đó là những trăn trở của TS. Trần Công Trục – cựu Trưởng Ban Biên giới Chính phủ trong cuộc nói chuyện với phóng viên Infonet nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép (19/1/1974-19/1/2014). 
 
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 40 năm sự kiện quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép. Là một người đã từng đảm trách nhiệm vụ về biên giới, hải đảo, ông có cảm nhận gì?
 
Đây là một sự kiện lịch sử không chỉ bản thân cá nhân tôi mà tất cả người Việt Nam đều quan tâm, đều trào dâng những suy nghĩ, những xúc cảm khi mà quần đảo thuộc chủ quyền của mình bị nước ngoài đánh chiếm. Đây là một mất mát mà ai cũng cảm thấy đau đáu trong nỗi lòng mình và không bao giờ có thể chấp nhận được.
 
Có thể nói từ trước đến nay, mỗi khi đất nước chuẩn bị kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa thì trên các phương tiện thông tin đại chúng đều có đề cập và đưa tin. Nhưng theo tôi, để có được thông tin một cách toàn diện, chi tiết, rõ ràng, khách quan về diễn biến của sự kiện 19/1 này thì chưa thể thỏa mãn được. Người dân vẫn có những thắc mắc, vẫn có những điều không hiểu, thậm chí là không nắm được tình hình của khu vực quần đảo này từ trước đến nay ra làm sao và hiện nay đang ở trong tình trạng như thế nào? Do đó, việc tuyên truyền, thông tin toàn bộ sự kiện này vẫn còn những hạn chế nhất định.
 
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ không biết đến sự kiện này, ông có trăn trở gì?
 
Có người hỏi tôi thế này, ở quần đảo Hoàng Sa mình có mặt ở trên bao nhiêu đảo, Trung Quốc chiếm đóng như thế nào. Tại sao lại để xảy ra tình trạng đó. Thậm chí, có những câu hỏi công khai và từ những người có địa vị xã hội. Điều đó cho thấy, hiểu biết của người dân về vấn đề này là khác nhau. 
 
Từ sự hiểu biết đó, nó tạo ra sự nhận thức, sự tiếp cận khác. Đây là một điều đáng lưu ý cho những người làm công tác truyền thông, công tác tuyên truyền giáo dục cũng như những cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
 
Theo tôi, đây là một sự kiện lịch sử, một vấn đề mất còn của quốc gia, dân tộc. Cho nên, các chi tiết lịch sử, các sự kiện lịch sử liên quan cần phải được phơi bày để dư luận hiểu rõ được thực chất vấn đề. 
 
Việc cung cấp thông tin ở đây không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của dư luận. Quan trọng hơn, là để chúng ta thấy rõ giá trị pháp lý khi Trung Quốc dùng lực lượng vũ trang chiếm lĩnh từng nhóm đảo trong các thời kỳ khác nhau, rồi đánh chiếm và xâm lược toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
 
Việc làm đó diễn ra như thế nào, họ dùng lực lượng vũ trang hay hành động gì. Giá trị pháp lý của hành động sử dụng lực lượng vũ trang đó như thế nào? Luật pháp Quốc tế có bảo vệ cho yêu sách của Trung Quốc hay không? 
 
Đây là điều mà những người làm công tác nghiên cứu pháp lý, lịch sử cần phải quan tâm. Và trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông là cần phải thông tin một cách rõ ràng, chính xác và khách quan về sự kiện này cho dư luận hiểu rõ về vấn đề.
 
Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi biết được thông tin Đà Nẵng tổ chức 40 năm ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép (19/1/1974-19/1/2014)?
 
Tôi rất mong đợi và chờ đón những hoạt động này, đặc biệt là những hoạt động diễn ra ở thành phố Đà Nẵng, địa phương quản lý trực tiếp đối với huyện đảo Hoàng Sa. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, cần sự ủng hộ từ dư luận trong cả nước. Theo tôi, nên có sự hỗ trợ một cách cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần để hoạt động diễn ra thuận lợi.
 
Từ hoạt động này, sẽ có thể lan tỏa ra các địa phương khác trong toàn quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý, những hình thức mít tinh, hội họp hay phát tờ rơi chỉ là những hoạt động mang tính hình thức. Tôi cho rằng, quan trọng hơn là phải đi vào thực chất nội dung. Tức là phải cung cấp được những thông tin rất cụ thể về mặt lịch sử, về mặt pháp lý để người dân hiểu rõ thực trạng tình hình khu vực biển đảo này. Thế mạnh của Việt Nam ra sao? Và phân tích rõ được ý đồ, các bước xâm lược của Trung Quốc, việc đó mang lại ý nghĩa pháp lý gì, có giá trị gì cho việc Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không? Qua đó tạo ra niềm tin, sức mạnh cho người dân.
 
Đồng thời qua sự kiện này, chúng ta cung cấp không chỉ cho dư luận cả nước mà cả dư luận Quốc tế những hiểu biết nhất định. Từ sự hiểu biết đó, có được một sự đồng thuận, một sự đoàn kết tạo ra sức mạnh lớn lao trong việc trực tiếp bảo vệ quần đảo Trường Sa hiện nay và đấu tranh pháp lý với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Đồng thời, gián tiếp ủng hộ những đường hướng, những chủ trương đúng đắn của Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ đấu tranh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng một cách bất hợp pháp.
 
Phải chăng sự kiện “gợi nhắc” của Đà Nẵng sau 40 năm đã đánh dấu một bước tiến mới trong công tác tuyên truyền về nhận thức chủ quyền của Việt Nam?
 
Rõ ràng rồi, trước đây, mỗi khi đến ngày sự kiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, trên các phương tiện thông tin báo chí vẫn đưa tin về sự kiện này. Nhưng để tổ chức ra được một hoạt động với chủ đề rõ ràng, với những cuộc triển lãm, hay hội thảo thì vẫn chưa có. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này.
 
Thông qua những hoạt động này không chỉ đóng góp vào việc tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quật cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ vùng đất của mình mà còn củng cố lên một thế mạnh về pháp lý trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
 
Đặc biệt, việc nhắc lại sự kiện ngày mất Hoàng Sa thêm một lần nữa khẳng định rằng: Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Cho dù, ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm đóng bất hợp pháp.
 
Ông có suy nghĩ gì khi cách đây một năm ông là người đầu tiên gọi điện đến Báo điện tử Infornet nhắc đến sự kiện này. Tuy nhiên, sau đó chỉ có 2 tờ báo trên cả nước đó là tờ Thanh Niên và Infornet đăng tải những thông tin về sự kiện? Đến nay, trước ngày 19/1, đã có nhiều báo nhắc lại sự kiện.
 
Lúc đó, tôi không nghĩ tôi là người đầu tiên hay người thứ bao nhiêu gọi điện đến báo bày tỏ mong muốn được thông tin về sự kiện này. Nhưng với tư cách một người nghiên cứu, từng làm công việc liên quan đến biển đảo, đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm thông tin về sự kiện.
 
Như tôi đã nói, hàng năm, khi đến ngày lễ kỷ niệm 19/1, các phương tiện thông tin cũng đưa tin, cũng đề cập đến rất nhiều. Nhưng để có một tiếng nói chi tiết hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn, sự thật lịch sử cần làm sáng tỏ hơn thì nó cũng chưa phải thỏa mãn lắm.
 
Hiện nay, vấn đề này đã trở lên cởi mở hơn, điều đó cho thấy công tác tuyên truyền giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này đã phát triển lên rất nhiều.
 
Quay trở lại sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, ông có thể rút ra những bài học lịch sử gì?
 
Lịch sử đã chứng minh, muốn giữ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cần phải tạo ra được sự đoàn kết nhất trí cao độ. Đoàn kết trên dưới, trong ngoài tạo ra sức mạnh to lớn mới phá tan mọi âm mưu muốn phá hoại nền độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
 
Mặt khác, muốn bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải dựa vào sự tự lực, tự cường là chính. Sự tự lực, tự cường của chính bản thân dân tộc này, đất nước này, quốc gia này chứ không phải dựa vào các thế lực khác. Nếu như không dựa vào bản thân mình mà chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của một cường quốc nào đó, một thế lực nào đó thì tôi nghĩ rằng khó mà có thể giữ được độc lập chủ quyền.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên xem nhẹ vai trò, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Chúng ta tôn trọng và kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ với một động cơ đúng đắn, một sự giúp đỡ vô tư không vụ lợi.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Hồng Chuyên- Lại Hà (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *