ĐƯỜNG 9 ĐOẠN RỐT CUỘC LÀ GÌ?

Người xem: 141

Nê Bá Long Căn Oa Đằng

Đường màu đỏ liền là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc được tính toán ra, đường màu đỏ đứt đoạn là đường 9 đoạn, đường màu cam là lãnh hải theo ý nghĩa nghiêm túc của Trung Quốc được tính toán ra.

Dù Trung Quốc luôn luôn kiên trì đường 9 đoạn, song từ chính phủ Dân Quốc đến chính phủ nước Cộng hòa trước đến nay đều chưa từng giải thích rõ ràng minh bạch rằng đường 9 đoạn rốt cuộc là gì, cũng chưa từng biểu đạt rõ ràng rằng trong phạm vi đường 9 đoạn Trung Quốc có quyền lợi và nghĩa vụ gì, thậm chí chưa từng công bố tọa độ của nó. Cách gọi chính thức của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn một cách chung chung là đường biên giới biển (hải cương), chính thức hơn một chút thì gọi là đường biên giới lịch sử, càng mơ hồ hơn nữa chính là cách gọi là vùng biển lân cận của các đảo ở Biển Đông.

Theo cách nhận thức bình thường của quốc tế, trong đàm phán tranh chấp ở Biển Đông, đường 9 đoạn chính là ranh giới yêu sách lớn nhất của Trung Quốc. Thế nhưng đến cả chuyên gia Trung Quốc cũng mơ hồ không hiểu rõ ranh giới yêu sách này có cơ sở pháp lý gì. Tháng 6 năm 2011, trong chương trình Nhất hổ nhất tịch đàm của Đài vệ tinh Phượng Hoàng khi thảo luận đến vấn đề Trường Sa, một viên tướng về hưu kiêm chuyên gia quân sự có tiếng khi đề cập đến đường 9 đoạn còn nói: hy vọng chuyên gia trong nước nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn để tiện cho việc sử dụng trong đàm phán của Trung Quốc.

Vì sao cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn lại khó khăn như vậy chứ? Nguyên nhân gốc chính là về khái niệm cơ bản của đường 9 đoạn và điều Trung Quốc tích cực thúc đẩy để có được là mâu thuẫn với “Công ước luật biển quốc tế” được tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới công nhận.
Thứ nhất, phạm vi đường 9 đoạn quá lớn, ngoài Hoàng Sa và Trường Sa ra, ở phần phía Tây Nam của đường 9 đoạn có một vùng biển mà không có bất kỳ một hòn đảo nào, những đoạn này lại chẳng khác gì là vẽ đến trước cửa nhà các nước Philippin, Malaixia, Brunei và Việt Nam… Dù có theo chủ trương của Trung Quốc, tất cả các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Trung Quốc, sau đó dựa vào tất cả các đảo có quyền đề nghị vùng đặc quyền kinh tế làm đường cơ sở, phạm vi có được cũng nhỏ hơn so với đường 9 đoạn.

Ở đây dẫn ra một tấm bản đồ của dân gian để chứng minh cho điều này. Nguồn của bản đồ từ Bách khoa thư mở (Wikipedia), là một bản đồ tổng quát về tranh chấp lãnh hải giữa các nước ở Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó có phần về Biển Đông, giả định tất cả các đảo có tranh chấp đều thuộc về Trung Quốc, lại căn cứ theo đường cơ sở trên biển của quần đảo Hoàng Sa, và các đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên của quần đảo Trường Sa để tính làm đường cơ sở biển để xem là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Ở đây cần chú thích và chứng minh 3 điểm:

Thứ nhất, Trung Quốc từ trước tới nay chưa từng công bố vùng đặc quyền kinh tế của Biển Đông, cho nên chỉ có thể sử dụng phiên bản của dân gian.

Thứ hai, Trung Quốc từ trước tới nay chưa từng ban bố về đường cơ sở biển của Trường Sa, cho nên chỉ có thể do dân gian tự tính toán ra.

Thứ ba, căn cứ theo quy định của “Luật biển”, chỉ có những đảo nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên mới có thể đề nghị được lãnh hải 12 hải lý, thế nhưng trong đó chỉ có các đảo có thể duy trì sự cư trú của con người và bản thân hoạt động kinh tế của họ mới có thể chủ trương về lợi ích của vùng đặc quyền kinh tế, cho nên tấm bản đồ này trên thực tế đã mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Giả dụ tính toán như trong tấm bản đồ này là chính xác thì theo kết quả của sự tính toán này, đường 9 đoạn còn nằm ở ngoài rất xa vùng đặc quyền kinh tế. Đặc biệt là mấy bộ phận nổi bật là:

(1) Vùng biển ở phía Tây đường 9 đoạn gần với vùng biển ngoài khơi miền Nam Việt Nam.
(2) Vùng biển ở phía Nam đường 9 đoạn gần với Malaixia.
(3) Vùng biển phía Đông Nam và phía Đông đường 9 đoạn gần với Philippin, đặc biệt là đoạn ở phía Đông Nam gần đảo Palawan.

Điều đáng chú ý là trong đó điểm (2) và (3) đều là khu vực hiện nay sản xuất nhiều dầu mỏ, đặc biệt là điểm (2).

Vậy thì giới học thuật có cách nhìn nhận ra sao? Xem xét từ các phân tích của học giả nước ngoài và Trung Quốc, có mấy cách lý giải không giống nhau.

Cách giải thích thứ nhất: đường 9 đoạn là biên giới trên biển của Trung Quốc. Có ý nghĩa là trong đường 9 đoạn là nội hải của Trung Quốc, phía ngoài đường 9 đoạn mới là lãnh hải của nước khác hoặc vùng biển quốc tế. Cách giải thích này không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào, thế nhưng trong dân gian Trung Quốc lại phổ biến coi như là định nghĩa của đường 9 đoạn. Trong các bản đồ mà Trung Quốc xuất bản luôn luôn dùng ký hiệu đường biên giới quốc gia để biểu thị đường 9 đoạn, cũng đã cố ý hoặc vô ý dẫn dắt công chúng ủng hộ cách giải thích này. 

Cách giải thích thứ hai: đường 9 đoạn là vùng nước (mang tính) lịch sử của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện nay càng ngày càng sử dụng nhiều cách giải thích này, bởi vì theo một số học giả thì vùng nước lịch sử có nghĩa là vùng nước ấy bao hàm chủ quyền đối với lãnh địa và nước trong vùng. Như vậy thì về cơ bản đã đánh đồng với khái niệm đường biên giới trên biển của Trung Quốc. 


Định nghĩa vùng nước lịch sử này được đưa ra trước những năm 1970, 1980, xuất hiện rất lâu trước khi ra đời “Luật biển quốc tế”, có dụng ý quy định một số vùng nước có quan hệ mật thiết với lãnh thổ của một nước. Khái niệm vùng nước lịch sử này ngay từ ban đầu ở trong luật quốc tế bản thân ý nghĩa của nó đã không rõ ràng, cũng không được thừa nhận rộng rãi. Sau khi “Luật biển quốc tế” ra đời, kể từ đó đã quy định chính thức lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, vùng nước lịch sử cũng như tên gọi của nó, đã dần dần đi đến đường cùng hoặc hồi kết cho một câu chuyện cũng không được đề cập đến ở trong “Luật biển quốc tế”.

Định nghĩa của vùng nước lịch sử này là gì, có quyền lợi gì, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong số các chuyên gia luật quốc tế, chỉ có ít người ủng hộ “vùng nướclịch sử”. Hơn nữa những chuyên gia ủng hộ vùng nước lịch sử tương đối có nhận thức chung ở 2 điểm, đó là một quốc gia tuyên bố một vùng nước là vùng nước lịch sử, cần phải 1) không có bất cứ tranh chấp nào; 2) thực hiện hành xử chủ quyền trong thời gian dài ở vùng nước này, đặc biệt là quyền quản hạt về pháp luật. Chỉ có thực hiện 2 điểm này, mới có thể chứng minh vùng nước này trong lịch sử có quan hệ mật thiết với quốc gia đó. 

Trong một số ví dụ cũng đã có sự khác biệt rất lớn so với tình hình ở Biển Đông. Ví dụ Vịnh Peter Đại đế (Peter the Great Gulf) ở phía Bắc Biển Nhật Bản đã được nước Nga tuyên bố là vùng nước lịch sử. Vùng nước này ăn sâu vào lục địa, hai bờ đều là lãnh thổ nước Nga, nơi cửa vịnh rộng 108 hải lý (hẹp hơn độ rộng của vùng đặc quyền kinh tế), xung quanh không có quốc gia nào tranh chấp, trong lịch sử, vùng biển này hoàn toàn do người Nga quản lý, đặc là quyền quản hạt về pháp luật. Dù xem xét từ phương diện nào cũng đều phù hợp với nhận thức chung ở trên. Cho dù như vậy, quốc tế cũng hoàn toàn không thừa nhận vùng nước lịch sử này. 

So sánh với Biển Đông, hoàn toàn cách rất xa lục địa, xung quanh đều là những nước có tranh chấp. Điều quan trọng là trong lịch sử, Trung Quốc từ trước tới nay chưa từng hành xử trên thực tế về quyền quản lý pháp luật đối với vùng nước này. Một ví dụ tiêu biểu nhất là từ thời cổ đến nay tàu thuyền đi lại ở Biển Đông luôn luôn là tự do, từ trước tới nay không cần phải thông báo chính phủ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã thừa nhận hiện thực này. Trong một bài viết, một học giả Trung Quốc ủng hộ cách giải thích này cũng thừa nhận, so sánh với vùng nước mang tính lịch sử mà các nước khác tuyên bố, tình hình của Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt.

Cách giải thích thứ ba: đường 9 đoạn không phải là để chỉ đường biên giới trên biển của Trung Quốc, mà là chỉ tất cả các đảo bãi đá trong đường 9 đoạn đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Tác phẩm uy tín của giới học giả là cuốn sách “Nghiên cứu cương vực biển của Trung Quốc” (《中国海洋疆域研究》) ủng hộ quan điểm này. Theo ý kiến của tôi, trong 3 cách giải thích, đây là cách giải thích đứng vững nhất trong luật quốc tế. Thế nhưng cách giải thích này đường như không có chỗ đứng nào trong công chúng. Thậm chí, nhiều “chuyên gia” cũng dường như không tán đồng. Sau sự kiện Biển Đông, tôi đã xem một số video có liên quan của kênh truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, ấn tượng chung là các khách mời đều không từ lập trường này để giải thích cho công chúng về đường 9 đoạn. 

Trong việc tuyên truyền của Trung Quốc, đường 9 đoạn sau khi được ban bố, trong thời gian dài (trước thập niên 1970 khi phát hiện ra dầu mỏ) không có nước nào đưa ra ý kiến khác biệt. Cách nói này tưởng như đúng mà lại sai. Chính xác trong vòng hơn 30 năm trở lại đây không có chính phủ nào phản đối về đường 9 đoạn, thế nhưng cũng không có chính phủ có liên quan nào đã từng thừa nhận. Thái độ của các nước đối với đường 9 đoạn là “không thèm để ý đến”.

Trên thực tế, từ trước tới nay không có nước nào thừa nhận quyền lợi của Trung Quốc ở khu vực này. Nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai liên tục có những hoạt động quân sự trong đường 9 đoạn, tuyệt đại bộ phận không gặp phải sự can dự của Trung Quốc (ngoại trừ cực kỳ gần với đại lục Trung Quốc và lãnh hải đảo Hải Nam. Trong thập niên 1940, 1950 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Philippin, Pháp và Việt Nam (Nam Việt Nam) đã nhiều lần đưa ra yêu cầu về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, toàn bộ những đảo này đều nằm trong đường 9 đoạn). Nếu như nói sau khi đường 9 đoạn được đưa ra thì không có nước nào đưa ra tranh luận đối với chủ quyền các đảo trong đường 9 đoạn, điều này có phần tự dối mình dối người. Bởi vì nếu như đối với chủ quyền các đảo trong đường 9 đoạn đều xảy ra tranh chấp, vậy thì có thể nói đầy đủ rằng những quốc gia này đều thừa nhận đường 9 đoạn được không? Thực ra, cái gọi là không có nước nào đưa ra phản đối đối với đường 9 đoạn, nói chung chỉ là vì kết quả của việc Trung Quốc từ trước tới nay chưa từng đưa ra các giải thích chính thức về đường 9 đoạn (thậm chí ngay cả tọa độ cũng không hề công bố). (Khi vẽ lên bản đồ, lại không chấp nhận đưa ra định nghĩa, rồi các nước khác cũng không biết căn cứ vào đâu mà đưa ra phản đối).

Ảnh hưởng của đường 9 đoạn với ý nghĩa không rõ ràng của nó trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là rất lớn. Bởi vì đường 9 đoạn chiếm một vùng lớn, ý nghĩa pháp luật không rõ ràng, khiến cho các nước láng giềng không biết đâu mà lần. Ví dụ sự kiện tàu thăm dò của Việt Nam bị tàu của Trung Quốc cắt đứt dây cáp trước đây chính là xảy ra ở sát ranh giới đường 9 đoạn. Vùng đó trong lý luận của Việt Nam là trong vùng đặc quyền kinh tế, khác xa rất nhiều so với lý luận về vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Việc Trung Quốc xử lý hàm hồ đối với đường biên giới biển của mình rõ ràng là một trong nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh xung đột. Giới học giả và chính trị quốc tế đưa ra nhiều chỉ trích đối với trạng thái mơ hồ của đường 9 đoạn, ngay cả trong nước Trung Quốc cũng có chuyên gia đã đưa ra suy nghĩ mới, chủ trương sửa đổi đường 9 đoạn có mâu thuẫn với “Công ước luật biển quốc tế” này. 

Bởi vì đường 9 đoạn đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân Trung Quốc, muốn thay đổi ngay lập tức e rằng không phải là chuyện dễ. Thế nhưng càng sớm giải thích rõ ràng định nghĩa của đường 9 đoạn, công bố quyền lợi và nghĩa vụ trong đường 9 đoạn phải nên là đạo lý của nước lớn. 

Người dịch: Chử Đình Phúc
Nguồn: http://dddnibelungen.wordpress.com
Tia sáng.

Thập kỷ 30 của thế kỷ XX, có một số nhân sĩ vẽ cái hình chữ U này lên một số bản đồ, để biểu thị phạm vi vùng biển của Trung Quốc. Ví dụ năm 1936 Bạch Mi Sơ biên soạn sách “Trung Quốc kiến thiết tân đồ” 《中國建設新圖》 đã có vẽ đường liền tương tự. Trên bản đồ này vẻn vẹn nói những nơi này là “nơi làm ăn của ngư dân nước ta, chủ quyền của nó đương nhiên thuộc chúng ta”. Không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh, những văn nhân này khi vẽ nên đường như vậy có chứng cứ gì, đã tiến hành những điều tra gì. Dường như có thể nói một cách chắc chắn rằng, đây chỉ là một đường vẽ vô cùng chủ quan.

Sau khi Lâm Tuân biểu thị công khai về chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, chính phủ Trung Quốc quyết định xác định thêm một bước phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó vào năm 1947 Ty Phương vực Bộ Nội Chính đã xuất bản “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” (Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải (Biển Đông), 《南海諸島位置圖》), trên bản đồ đã vẽ 11 đoạn rời. Chính phủ Dân quốc khi đó tuyên bố những đoạn này là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Năm 1953 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bỏ đi 2 đoạn ở Vịnh Bắc Bộ, thế là đã hình thành đường 9 đoạn mà chúng ta biết rõ hiện nay (sau này thường gọi là đường 9 đoạn).


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *