Tin tức thời sự – Chiều 7/1, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án của Dương Tự Trọng, ông Dương Chí Dũng khai, sau khi xử xong vụ Vinalines, ông Dũng có viết đơn tố cáo gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng Ban Nội chính Trung ương).
Theo đó, trong đơn ông Dũng cho rằng ông đã không nhận 1,666 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi.
Ông Dương Chí Dũng khai trước tòa cụ thể hơn về lá đơn tố cáo như sau: “Những điều trước đây tôi phản bác giờ tôi khai lại: Vấn đề vị cán bộ này nhận tiền, ngoài 500.000 USD thì còn khoản nữa. Liên quan đến việc đầu tư làm ăn nên tôi và bà Lan (công ty Vạn Thịnh Phát ở TP.HCM- PV) còn đưa cho anh 1 triệu USD. Hôm đưa tiền tôi gọi cho anh, anh nói 5h về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn hai cái túi ở phía bên trong nhà”.
Phiên tòa xử vụ Vinalines kết thúc vào ngày 16/12/2013, sau ba ngày xét xử. Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình.
Vào phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng và các đồng phạm ngày 14/12/2013, Trưởng Ban Nội chính TƯ âm thầm một mình đến TAND Hà Nội tham dự.
Ông Nguyễn Bá Thanh đến khá sớm. Khi các phòng theo dõi phiên xử qua tivi còn chưa được mở, ông Thanh xuống xe ở cửa vào khu nhà hành chính của tòa, một mình đi thẳng vào khu vực phòng bố trí theo dõi phiên xử Dương Chí Dũng.
Và lần này, ngày 7/1/2014, ông Nguyễn Bá Thanh lại lặng lẽ đến theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) cùng 6 đồng phạm về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Vụ án của Dương Chí Dũng và đồng phạm tại Vinalines là một trong 10 đại án tham nhũng mà Ban Nội chính TƯ, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Quyết tâm phòng chống tham nhũng từng được ông Nguyễn Bá Thanh thể hiện bằng từng hành động, lời nói cụ thể.
Và khi nói về Luật chống bao che tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng đã rõ rồi, vấn đề còn lại là phải làm. Vừa chống nhưng vừa phòng tham nhũng. Chống thì phải chống nhưng còn phải phòng nữa. Ngay cả một số dịch vụ công cũng xảy ra tham nhũng, thậm chí trong bệnh viện cũng xảy ra. Có điều là nơi nhiều, nơi ít, quy mô khác nhau thôi”.
Hay ông cũng từng chia sẻ: “Việc xử lý các vụ án tham nhũng cực kỳ khó khăn, cần phải thận trọng. Quá trình điều tra, khởi tố cần phải chính xác đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai. Chính vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có thời gian”.
Có lẽ cũng vì vậy trong đại án lần này ông luôn là người âm thầm theo dõi bởi như hồi tháng 9/2013, trong buổi tiếp xúc cử tri hai quận Hải Châu, Sơn Trà – Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng bày tỏ: “Muốn làm nhanh những vụ án tham nhũng, nhưng làm chưa xong vụ này đã lại phát hiện ra vụ khác”.
Phương Nguyên
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố