“Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định mỗi đại biểu chất vấn lần đầu tối đa 3 phút, hỏi lại 1 phút, nhưng nhiều đại biểu nói lòng vòng quá dài, có trường hợp còn lạm dụng diễn đàn để phô diễn hiểu biết“
Hai phiên họp Quốc hội năm 2013 qua đi để lại nhiều dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, như thông qua Hiến pháp sửa đổi, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn… Báo điện tử Infonet trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết – ĐBQH khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh những lĩnh vực này.
Sau khi Quốc hội lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương này. GS đánh giá thế nào xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm?
Lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm mà tổ chức được như thế cũng là điều đáng khích lệ. Kết quả bước đầu cũng khá phù hợp với sự đánh giá của người dân đối với các chức danh cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều người dân cũng chưa thực sự hài lòng: Tại sao phải tổ chức đến 2 bước “lấy phiếu” và “bỏ phiếu” tín nhiệm? Sao lại phải quy định tới 3 mức, và cả 3 mức đều được gọi là “tín nhiệm”? Về khoa học, quy định như thế không ổn.
Như vậy có thể hiểu công đoạn lấy phiếu tín nhiệm không cần thiết, và chỉ nên tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm luôn?
Làm như vậy sẽ tốt hơn. Đưa ra 2 bước với 3 mức như vậy sẽ dẫn tới tâm lý hòa cả làng. Có thể lúc đầu việc lấy phiếu tín nhiệm được người dân quan tâm, nhưng nếu cứ mãi như thế, người dân sẽ thiếu lòng tin vì thấy Quốc hội sử dụng công cụ giám sát không hiệu quả, không giải quyết được vấn đề gì.
Mới đây UBTVQH cho biết sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp, trình ra Quốc hội để Quốc hội xem xét, quyết định nên sửa theo hướng nào. Theo GS việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm nên tổ chức như thế nào cho hiệu quả?
Quyết định của UBTVQH rất đáng hoan nghênh. Điều này chứng tỏ tinh thần cầu thị, lắng nghe của UBTVQH.
Nhưng theo tôi, phương án UBTVQH trình ra xin ý kiến Quốc hội cần thể hiện rõ chính kiến, ví dụ: bỏ quy trình 2 bước vì nó cồng kềnh quá; trên thế giới không có nước nào làm như vậy.
Ở nhiều nước, chỉ cần một vài tháng người ta có thể thay một nhân sự cấp cao. Còn ở ta, nếu có người không phù hợp mà phải mấy năm mới thay được, như vậy thì làm sao có thể “đi tắt đón đầu” đuổi kịp các nước ?
Nhân sự cấp cao của nước ta đều do Đảng quyết định. Nếu có thay đổi thì người thay cũng do Đảng giới thiệu để bầu thôi; chẳng có lý do gì để ngần ngại. Có sàng lọc liên tục thì mới chọn được người cầm lái vững. Mặt khác chúng ta cũng phải có tư duy thoáng hơn. Một vị giữ chức danh A kỳ này không được Quốc hội tín nhiệm, không có nghĩa suốt đời người đó không tham chính nữa, mà lần sau nếu thấy phù hợp vẫn có thể bầu lại. Như vậy việc thay người mới thực sự thoải mái, không quá nặng nề.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc lấy phiếu, bỏ phiếu cũng chỉ nên gói gọn với các thành viên Chính phủ, còn đối với các cơ quan dân cử không cần thiết. GS nhận định gì về việc này?
Tôi cũng đồng tình với ý kiến đó. Bởi Chính phủ là cơ quan điều hành, mà chúng ta lại rất cần những người điều hành có năng lực. Vì thế, khi lấy tín nhiệm, cần tập trung vào các thành viên Chính phủ, chứ không nên mở ra diện quá rộng.
Mặt khác, tổ chức lấy phiếu như vừa qua cũng không đảm bảo công bằng. Công việc của các thành viên Chính phủ va chạm hằng ngày với dân nên tỷ lệ tín nhiệm đối với họ bao giờ cũng thấp hơn các thành viên UBTV Quốc hội.
Theo tôi, muốn đo mức tín nhiệm các đại biểu dân cử, tốt nhất là để dân bỏ phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ.
Nói về trách nhiệm của ĐBQH khi ghi lá phiếu, nhiều người cho ĐBQH chưa có sự tìm hiểu cặn kẽ từng trường hợp, chỉ nghe ngóng từ dư luận để đưa ra quyết định khiến người được lấy phiếu bị oan. GS nghĩ sao về điều này?
Đúng là điều này cũng cần phải tránh, vì đại biểu thường chỉ tập trung vào một số ngành hay va chạm với người dân nhất.
Để khắc phục điều này, các đại biểu cần được cung cấp đầy đủ thông tin. Ngoài ra cũng cần thảo luận ở tổ hay ở hội trường để cùng trao đổi về mỗi chức danh, để đánh giá làm sao cho chính xác. Mặt khác, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành cũng cần có điều kiện giải trình để tránh bị “oan”.
Một vấn đề rất quan trọng khác tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 là Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi. GS có chia sẻ gì về điều này?
Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiến pháp sửa đổi cũng là sự kiện rất được quan tâm. Cái thành công nhất trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này là thu hút được sự quan tâm của người dân hơn tất cả các lần trước.
Qua các cuộc thảo luận, tranh luận về Hiến pháp, người dân có điều kiện hiểu sâu hơn về Hiến pháp, quyền của người dân đối với Hiến pháp và về các vấn đề cơ bản của đất nước như bộ máy nhà nước, quyền công dân, quyền con người…
Một nội dung khác cũng rất được quan tâm tại các phiên họp Quốc hội là việc chất vấn và trả lời chất vấn. GS đánh giá thế nào về chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn trong hai kỳ họp Quốc hội 2013?
Quốc hội khóa nào cũng có đại biểu nắm rất chắc vấn đề, chất vấn rất tốt; bên cạnh đó cũng có đại biểu không nắm được thông tin, không đủ bản lĩnh và kỹ năng để chất vấn. Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định mỗi đại biểu chất vấn lần đầu tối đa 3 phút, hỏi lại 1 phút, nhưng nhiều đại biểu nói lòng vòng nên quá dài, có trường hợp còn lạm dụng diễn đàn để phô diễn hiểu biết của mình. Trình bày hiểu biết của mình không phải là chất vấn.
Về phía người trả lời, có người nắm vấn đề vững, trả lời có trách nhiệm, không né tránh, nhưng cũng có người trả lời loanh quanh, chẳng đâu vào đâu, nghe xong cũng chẳng biết định nói gì.
Tôi cho rằng Quốc hội cần coi việc ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn là bắt buộc. Nghị quyết phải xác định rõ người được chất vấn hoặc ngành mà người đó phụ trách có sai lầm, khuyết điểm gì và phải làm gì để khắc phục. Không nên để kết quả chất vấn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người trả lời chất vấn. Bởi vì, theo cách làm như lâu nay, người trả lời chất vấn có khuyết điểm có thể nhận khuyết điểm, nhưng nếu không nhận cũng không sao. Hay ông bà ấy hứa khắc phục thì tốt, nhưng nếu không hứa cũng chẳng bị phiền hà gì.
Ngoài ra, Quốc hội cũng cần để nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, chứ không nên chỉ tập trung vào một số vị. Tôi nhớ đầu khóa XI, có 2 lần Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và khá nhiều lần chất vấn Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Nhưng từ giữa khóa XI trở đi không thấy những vị này trả lời chất vấn trước Quốc hội nữa, mặc dù trên thực tế người dân rất quan tâm đến các cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật.
Nhưng theo quy định, ai ra chất vấn đều do Quốc hội quyết định. Bốn người nhận được lượng câu hỏi cao nhất sẽ đăng đàn chất vấn. Ông nghĩ sao về điều này?
Số lượng câu hỏi là chỉ số tham khảo quan trọng chứ không có ý nghĩa quyết định. Để chọn đúng người trả lời chất vấn mỗi kỳ, UBTVQH phải xem vấn đề đại biểu hỏi có quan trọng không, cấp bách không, có phải là vấn đề cử tri đang rất quan tâm không,…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên điều chỉnh lại quy định và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo hỏi ngắn, trả lời ngắn. Ở Quốc hội Canada, người ta quy định thời gian dành cho mỗi câu chất vấn là 60 giây: hỏi 30 giây, trả lời 30 giây. Còn ở Australia thì thời gian chất vấn có “xông xênh” hơn, nhưng mỗi lần hỏi cũng chỉ được 1 phút, mỗi lần trả lời tối đa 3 phút. Như vậy mới tiết kiệm được thời gian để hỏi được nhiều người, nhiều vấn đề hơn.
Xin cảm ơn GS!
Nguyễn Dũng
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố