Lương tâm nghề báo

Người xem: 265

Tôi là một nhân viên văn phòng, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với computer và chắc chắn rằng là không thể thiếu internet. Các bạn biết đấy, thời buổi công nghệ hiện đại, thì cái gì cũng thông qua mạng, cái gì cũng mang lên mạng bàn tán. Mà tốc độ truyền tin của mạng thì khỏi phải bàn cãi rồi. Chỉ cần quăng lên mạng ấn một phát thì trong tích tắt một giây là cả thế giới đều biết đến.

Người ta phát minh ra internet với nhiều ứng dụng rất hay, rất hữu ích. Và một trong những ứng dụng phổ biến và cũng không kém phần quan trọng là để truyền tin nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, tiết kiệm được thời gian và cả tiền bạc.

Từ ngày có internet, rất nhiều trang báo mạng ra đời, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của đại bộ phận công chúng từ bình dân cho đến cấp cao. Và qua đó cũng tạo được nhiều cơ hội cho các nhà báo kể cả chuyên và không chuyên thể hiện tài năng, sở trường của mình qua từng trang tin tức. Điều đó đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc chuyển tải những thông tin hay, có ý nghĩa cho cuộc sống cộng đồng. Nhưng bên cạnh cái tốt chưa được phát huy toàn diện, thì đã có mầm mống của cái xấu, cái lệch lạc xuất hiện.

Tôi là một đọc giả thường xuyên đọc báo online. Và tôi cũng chắc chắn rằng, có rất nhiều người trong cộng đồng này cũng như tôi, bởi tính tiện lợi của trang báo mạng. Ai cũng thế, đọc báo là để cập nhật tin tức, để hiểu thêm về cuộc sống, để thưởng thức giá trị thật của từng mảng tin mang lại. Chẳng ai rảnh rang, dành thời gian để đọc rồi dõi theo những “tin lá cải”, khi mà một vấn đề được lặp đi lặp lại “tam sao thất bản” thế này: sáng thì bảo con chó, trưa nói con mèo, chiều lại cho là con gà, tối sửa thành con vịt. Đó là tôi nói đến một số người viết tin chẳng bao giờ quan tâm đến cảm nhận của người nhận tin. Họ vô tư dùng ngòi bút của mình vẽ hươu, vẽ vượn, quay cái xã hội này như chong chóng, quay đến khi nào cảm thấy thỏa mãn, đạt được mục đích mới chịu dừng.

Tôi thật sự không thể nào hiểu nổi, tại sao những cái tin mà độ chính xác của nó chưa được xác thực, lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm một con người lại có thể tự do bay đến tai công chúng một cách đường đường, chính chính như thế. Không cần biết nhân vật được đề cập đến là người thế nào, nhân cách ra sao. Nhưng hẳn rằng, điều đầu tiên họ phải gánh chịu chính là áp lực từ phía dư luận. Trong khi cái nguồn gốc sâu xa kia, cái kẻ “bới lông tìm vết” kia thì hả hê, hoan hỉ cùng với lượng view tăng lên đến chóng mặt, những lời comment (cmt) xuất hiện dày đặc sau những bài viết ấy. Không dừng lại ở lời bịa đặt vô căn cứ, mà ngay đến cái tựa đề của một số bản tin cũng chẳng ăn nhập gì đến nội dung. Kể cả việc kiểm tra chính tả đơn thuần nhất, mà người viết cũng chẳng hề quan tâm đến, nên việc gõ sai vài từ trong một bài viết giờ đây trở thành chuyện rất đỗi thường tình.

Tôi nhớ khi học ngành Báo chí có học một môn gọi là “Đạo đức nghề nghiệp nhà báo”. Vậy mà không hiểu sao, một số nhà báo lại đi ngược lại: hay do ra trường lâu quá nên quên; hay do môn đó thầy cô dạy tệ quá nên chẳng tiếp thu được tí ít nào; hay cho rằng đó là bộ môn vô cùng nhạt nhẽo, chẳng hề thực tế, chẳng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai. Đâu mới thật sự là lý do để lãng quên đây?

Mặc dù, tôi không phải là dân báo chí. Nhưng vì đó cũng là ngành tôi từng yêu thích, nên chuyện tìm hiểu về nó là chuyện đương nhiên. Tôi cũng từng ước ao, được trở thành nhà báo, được tự do tìm hiểu cuộc sống thực tại này, được viết nhằm thỏa mãn niềm đam mê viết, được góp một chút ít công sức của mình, mang lại thật nhiều thông tin bổ ích cho mọi người. Nhưng đó lại là chuyện của hôm qua, còn hôm nay tôi đã hoàn toàn nghĩ khác, dù niềm đam mê và ước ao ấy vẫn còn cháy bỏng trong tôi. Vì thực tế đã chứng minh rằng, nếu bạn không theo xu hướng hiện tại, bạn sẽ chẳng thể nào tiến lên được và kết quả sẽ chẳng thể nào tốt đẹp được. Nói đúng nhất là “sống phải hợp thời”

Một dẫn dụ cụ thể, về hai bài viết gần đây nhất, mới nhất và cũng là hot nhất.

– Thứ nhất: Kiều nữ Hải Dương lạm dụng tình dục của tài xế taxi – Mới nghe thôi, thì đã hot đến độ muốn cháy luôn. Nhưng thực tế thì sao? Sau một loạt bài viết, cuối cùng thực hư thế nào, chẳng ai biết được, cũng không ai có thể xác minh được là bao nhiêu phần trăm đúng, bao nhiêu phần trăm sai. Kết quả: người viết tin sẽ được vinh danh, vì mang lại lượng view và cmt đáng kinh ngạc, đẩy trang báo của tòa soạn mình tăng thêm độ hot. Trong khi đó, “nàng kiều nữ” ấy: cuộc sống bị đảo lộn, lao đao vì dư luận, mệt mỏi vì bị làm phiền,…

– Thứ hai: Con và cậu ruột cắt chân mẹ tại bệnh viện Xanh Pôn – Đọc cái tiêu đề thôi cũng đủ sốc rồi, chưa kể nội dung miêu tả vô cùng ấn tượng, hấp dẫn đến độ như đọc truyện kinh dị. Thông tin rõ ràng được xác nhận là có thật, vì có cả lời trích dẫn của nhân chứng và người thân. Mà có lẽ do tin hot quá nên người đọc chỉ chú ý đến nội dung mà quên mất rằng ở đây hoàn toàn không có sự khẳng định chính xác là đúng 100% sự thật, chỉ là “có thật” mà thôi. Tiếp theo cái đà cực hot là một mớ bài viết xoay quanh vụ việc đó, có cả lời cmt của người hàng xóm nạn nhân, rồi những lý do được đưa ra nhằm biện minh, lý giải. Ôi thôi, đủ thứ chiêu trò được nhà báo tung ra mà chẳng thể nào chúng ta biết nổi.

Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình nhất mà tôi muốn nói đến. Tôi không có ý xúc phạm hay bôi nhọ danh dự của bất kỳ ai. Tôi chỉ hi vọng rằng, những người cầm bút hãy đặt mình vào góc độ của người tiếp nhận, của nhân vật trong từng nội dung tin mà xem xét kỹ trước khi đặt bút. Dùng đạo đức, lương tâm của bản thân mình, của ngành báo mà viết. Ai cũng hiểu rõ uy lực khủng khiếp của ngòi bút, nó có thể biến trắng thành đen và ngược lại chỉ bằng một câu văn. Nhưng có một điều mãi mãi không bao giờ thay đổi đó chính là sự thật. Dù rằng sự thật ấy có được bóp méo trong hiện tại, thì tương lai nó vẫn là nó, vẫn tròn đầy. Còn niềm tin một khi đã đánh mất thì vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được.

Nhạt – Crescent

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *