GIẢNG VIÊN GIỎI: KHÓ TÌM, KHÓ GIỮ, KHÓ CHIỀU

Người xem: 133

Tìm giảng viên học vị cao khó khăn đến mức nào mà ngay cả những trường được đầu tư nhiều tiền của như các đại học địa phương cũng chật vật?

Lời kể của “nhà giàu”

Danh sách các trường có ngành học bị tạm dừng tuyển sinh với hàng loạt trường địa phương ở Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quy Nhơn, Thái Bình, Cần Thơ… không khiến những người trong ngành bất ngờ. Bởi vì, việc thiếu hụt đội ngũ giảng viên trình độ cao được nhận định từ khi hàng loạt địa phương bùng phát việc nâng cấp trường cao đẳng lên đại học.

Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, những người tốt nghiệp ĐH và thạc sĩ trở lên phần lớn đều ở Hà Nội, chiếm khoảng 50%. Con số này ở TPHCM là khoảng 25%. Và hơn 60 tỉnh, thành chia nhau phần còn lại. Như vậy các tỉnh làm sao có đủ giảng viên để phát triển trường ĐH?

Chia sẻ câu chuyện thiếu giảng viên ở địa phương, ông Trần Phương tiết lộ một câu chuyện thực tế: “Chủ tịch HĐQT một trường ĐH ở Nam Định đã phải lên tận Hà Nội để “cầu cứu” tôi, đề nghị cho mượn một số thầy cô giáo của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ về giảng dạy. Tôi đồng ý cho các trường mượn giảng viên và vài trưởng khoa, nhưng họ chỉ đứng tên để qua mặt Bộ GD-ĐT mà thôi. Bộ cứ thấy tên trưởng khoa là tiến sĩ thì cho phép mở ngành, mở trường… Nhưng mấy ông tiến sĩ đó dạy ở Hà Nội đã hết hơi, làm sao mà đi thêm 100 km nữa mà dạy?”.

Rập rình vì… thu nhập

Tân giảng viên của một trường đại học ngành tài chính – ngân hàng chia sẻ về quá trình tìm việc sau khi quyết định về Việt Nam. Hơn mười năm học tập và làm trợ giảng của một trường đại học danh tiếng của Pháp, với học vị tiến sĩ, tưởng như anh T. sẽ dễ dàng tìm việc trong nước. Tuy nhiên, cũng phải tới hơn 1 năm sau khi trở về, anh mới được một trường tiếp nhận. “Có thể do mối quan hệ của tôi không tốt nên dù đọc báo thấy nói là thiếu giảng viên nhưng tìm thông tin trên trang web của các trường lại không thấy tuyển giảng viên. Có trường tôi mang hồ sơ đến nộp cho khoa, khoa báo lại là đã nộp cho trường và… hết, không có hồi âm gì hơn. Các trường ở địa phương có vẻ nhiều chỉ tiêu tuyển hơn và việc xét tuyển khá đơn giản, nhưng tôi không muốn về làm vì còn gia đình ở Hà Nội”.

Với thu nhập ban đầu là lương cơ bản ở hệ số 3, năm đầu tiên được hưởng 85% cộng vài khoản lặt vặt khác, theo anh T., sở dĩ anh vẫn đi tìm việc làm giảng viên là do vẫn thấy tha thiết với nghề giáo. “Nhưng nếu sau một thời gian làm nghề mà thấy không phù hợp nữa, chắc tôi sẽ phải tìm cách chuyển” – anh T khẳng định. Đây cũng là lý do anh T. vẫn còn băn khoăn trước khi quyết định nhận việc hay không bởi theo quy định anh sẽ phải nộp các giấy tờ, văn bằng gốc, và sau 1 năm phải ký cam kết sẽ không chuyển việc trong vòng tối thiểu 5 năm. “Tất nhiên quy định là quy định chung, khi về Việt Nam tôi đã chấp nhận mức thu nhập thấp hơn, môi trường làm việc cũng khó mà so sánh với cơ sở ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc các trường lo trói chân giảng viên quá kỹ cũng khiến cho những người mới về làm việc như tôi cảm thấy ngại ngần”.

Nỗi băn khoăn của anh T. được hiệu trưởng các trường chia sẻ. Hiệu trưởng một trường ĐH công lập mới được nâng cấp cho biết quy định về mức lương, quy trình tuyển dụng phức tạp là những nguyên nhân khiến các trường gặp khó khăn trong việc tìm giảng viên. “Thu nhập trung bình của một giảng viên hiện chỉ khoảng 4 triệu đồng/ tháng, và những người trẻ năng động, có trình độ thích ra ngoài làm việc hơn là làm giảng viên không chỉ do thu nhập cao hơn mà còn vì môi trường thoải mái hơn.”.

Ông Lê Hữu Lập – phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – đơn vị có 50% cán bộ giảng viên trình độ đại học – than thở: “Những ngành nhà trường đào tạo là những ngành “nóng”, nên nhiều tiến sĩ đi du học về thường ra ngoài làm lương cao hơn chứ không về trường làm giảng viên”. Theo ông Lập, những người ở Viện nghiên cứu thì nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không có kỹ năng thuyết trình, phải đào tạo thêm kiến thức về sư phạm thì mới giảng dạy được. Với đối tượng là sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp, nhà trường cử ra nước ngoài học hoặc theo học bổng nhưng cũng ít sinh viên quay về trường giảng dạy. Học viện rất muốn tuyển đối tượng du học nước ngoài về nhưng rất khó cũng vì lý do thu nhập.

Ông Nguyễn Đình Luận, hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cũng khẳng định xu hướng không ít giảng viên sau khi có học vị tiến sĩ sẽ di chuyển ra khỏi khu vực giảng dạy, tìm những công việc ở các bộ, ngành, những nơi đem lại thu nhập tốt hơn.

Cố chiều để giữ chân

Theo nhận định của lãnh đạo các cơ sở đào tạo, cơ chế, chính sách chung thu hút cán bộ khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước đến làm việc trong các trường ĐH, CĐ dù đã có nhưng chưa đột phá. Do vậy, trường ĐH muốn tìm được giảng viên có trình độ cao phải nghĩ ra đủ cách.

Mỗi năm Học viện Tài chính phải tuyển mới từ 30-40 giảng viên. Nguồn tuyển chủ yếu của trường là giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên của các trường ĐH khác, đối tượng thứ hai là sinh viên tốt nghiệp ĐH từ khá trở lên, tuyển để đào tạo lên vì nếu không sẽ không đủ giảng viên.

Ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, cho biết, để giữ chân các giảng viên trẻ, nhà trường dành cho họ nhiều chính sách ưu đãi như đi học thạc sĩ được hỗ trợ 50% học phí, học tiến sĩ được hỗ trợ 100% học phí. Giảng viên là tiến sĩ trở lên được giao chủ nhiệm ít nhất 1 đề tài/ năm. Các giảng viên được tạo điều kiện cho đi giảng dạy tại các trường ngoài, nói chuyện tại các doanh nghiệp để có thêm thu nhập…

Để thu hút giảng viên giỏi, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đưa ra nhiều chính sách ưu tiên như hỗ trợ thêm về lương, đầu tư cho giảng viên trau dồi nghiệp vụ, ưu tiên các dự án nghiên cứu…

Còn tại trường ĐH Mỏ Địa chất, với những chuyên ngành đào tạo chính, nhà trường tạo nguồn giảng viên bằng cách lấy sinh viên giỏi để đào tạo tại chỗ hoặc gửi đi nước ngoài đào tạo.

“Trước đây, chúng tôi rất khó khăn trong việc giữ giảng viên ở lại trường. Nhưng hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện bằng cách nhà trường dành nhiều ưu đãi cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, như học bổng đào tạo tiến sĩ ở cả trong và nước ngoài, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí học ngoại ngữ khi lấy được chứng chỉ ngoại ngữ. Đặc biệt, trường cố gắng tạo điều kiện tốt nhất về giảng dạy, nghiên cứu cho giảng viên, để họ thấy thu nhập ở các doanh nghiệp hiện nay có khi không ổn định bằng ở trường” – ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết.

Chi Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *