Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 15km, hồ Noong là một hồ tự nhiên, với thiên nhiên hoang sơ, nước mông mênh ôm gọn lấy chân ngọn núi Noong xanh ngắt, cao vời. Một trong những cảnh đẹp Hà Giang mà không thể bỏ qua.
Từ thị xã Hà Giang, đi qua những cánh rừng, vạt nương, lướt qua vài bản Tày, Mông, Dao, nằm rải rác bên đường là đến hồ Noong, thuộc địa phận xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên.
Hồ Noong nằm trên dãy Tây Côn Lĩnh, được khai tạo từ thuở sơ khai, có diện tích mặt nước hơn 20ha (vào mùa cạn), khoảng 80ha (vào mùa mưa), bao quanh là những dãy núi đá, núi đất và rừng nguyên sinh bao trùm rộng tới trên 700ha.
Người dân bản Noong 1, Noong 2 (xã Phú Linh) luôn ví hồ Noong như “mắt rừng” bởi giữa tứ bề là núi rừng, hồ Noong phẳng lặng, lấp lánh ánh bạc dưới ánh trăng hay ánh nắng Mặt Trời.
Đến đây, du khách có cảm giác như đang lạc vào một thế giới cổ tích. Ban mai sương giăng quyện nắng tỏa ánh vàng khắp mặt hồ. Hoàng hôn buông xuống, nắng xiên qua đỉnh rừng, bảng lảng lẩn sau làn sương núi trắng mờ. Những lúc đó, mọi ưu phiền dường như tan biến, lòng người buông theo vệt nắng chạy trên mặt hồ.
Hồ trên núi, với thiên nhiên hoang sơ, mang vẻ đẹp thuần khiết như người con gái dân tộc. Nơi đây chỉ có vài gia đình người Mông sinh sống bằng trồng lúa và chăn nuôi vịt, lợn. Đối với người dân địa phương, hồ Noong được ví như con mắt của rừng.
Với diện tích mặt nước thay đổi tùy mùa nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng gần 100ha bao quanh khiến cho hồ Noong có cảnh sắc hoang sơ kỳ thú. Điểm đặc biệt của hồ Noong là trong lòng hồ có những gốc cây xanh tốt nhưng cũng có những gốc cây khô tạo nên một cảnh quan khá thú vị. Hồ Noong là loại hình hồ đất ngập nước, đây là loại địa hình đặc biệt, bởi hồ vừa có thể nuôi trồng thuỷ sản, vừa có thể trồng trọt rau màu.
Vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10), nước dâng cao nên tổng diện tích mặt hồ có thể rộng khoảng 80ha, đây là thời điểm thích hợp để thả cá – nhất là các loại cá tiến vua như cá Dầm xanh, cá Anh vũ.
Nguồn nước cung cấp cho Hồ Noong là những khe nước ngầm trong hang đá từ hai dãy núi của cánh rừng nguyên sinh nơi Hồ Noong uốn mình tựa vào vách núi, ngoài ra còn có ba hang nước ngầm nối với dòng sông Lô. Chính vì vậy mỗi khi nước dâng vào mùa mưa có những đàn cá ngược dòng sông Lô bơi theo dòng nước tràn lên vào trú ngự với Hồ Noong. Cá sinh sống ở Hồ Noong bao gồm rất nhiều loài, có cả cá da trơn và các loài cá chỉ có nơi đây mới có. Các loài cá ở đây sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên với nhiều loài sống đông đúc tạo thành một quần thể sinh động gồm: cá Chép, cá Diếc, cá Nheo, cá Trê, cá Đắng.
Riêng đối với loài cá Đắng có thể nói không đâu có, loài này sinh sống chỉ duy nhất ở Hồ Noong. Cá Đắng thường sống thành từng đàn và xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm đó là lúc phát triển nhất của loài cá này. Thức ăn chủ yếu của loài cá Đắng là rong, rêu các loại thực vật sống dưới lòng hồ, và loại lá cây mà loài cá này thích ăn nhất là lá Bồ hòn (tiếng địa phương gọi là Bầư mạy ẳn). Khi dừng chân tại đây du khách muốn được thưởng thức hương vị thơm ngon, vị đắng ngọt của món ăn cá Đắng với nhiều kiểu chế biến như: kẹp vào nướng, món cá rán hoặc nấu canh chua với loại rau quả lá chua, măng chua, dưa chua và khế, điều đặc biệt là khi chế biến cá Đắng thì người ta không mổ.
Hồ Noong do hình thành từ 2 đầm lầy Pum Áng và Pum Yệu, hai đầm tạo thành hồ có lớp bùn dày 2 mét và do có nguồn nước ngầm từ khe đá trong núi chảy ra nên hồ không bao giờ cạn nước. Đến mùa khô nước đọng lại ở hai đầm nên những diện tích đất giữa hồ còn lại qua thời gian đã mọc lên những cây “May ẳn” (gọi theo tiếng của người địa phương). Đây là một loại cây sống thích nghi ở những vùng đầm lầy ngập nước, rễ và hốc cây chính là nơi trú ẩn của các loài cá, nhất là đối với cá trê. Khi nước hồ dâng cao Hồ Noong trở nên “Duyên dáng hơn”, bởi những hàng cây xanh ở giữa hồ như những “Non bộ”, khoác lên cho hồ một tấm áo tạo nên không gian huyền bí. Người dân ở đây có truyền thuyết cho rằng trong đầm có con ếch thần, nên coi Hồ Noong cũng là một nơi linh thiêng, cần giữ vẻ tôn nghiêm.
Theo lời kể của những cụ bô lão trong làng cứ vào tháng 8 âm lịch là diễn ra lễ hội bắt cá ở Hồ Noong, các trưởng bản (kỳ mộc), Chánh tổng của xã Phú Linh, Kim thạch, Linh Hồ, Phương Thiện, Phương Độ và xã Đạo Đức họp bàn rồi quyết định mở hội cho dân 6 xã tháo hồ bắt cá và khi tham gia bắt cá mọi người phải tuân thủ 3 điều cấm: thứ nhất là không được bỏ cá vào bao tải, túi, xoong, nồi mà chỉ được bỏ cá vào giỏ, thứ hai không được chửi bới nhau khi đang bắt cá, thứ ba không được nướng cá tại bờ hồ. Nếu ai vi phạm điều cấm sẽ bị nộp phạt bằng hiện vật như: thịt lợn, gạo, ruợu mỗi thứ 30 kg.
Nếu bạn có dịp đến đây vào sáng sớm, lênh đênh trên một chiếc bè chìm trong sương sớm thì quả là không còn gì bằng, cảnh sắc như là ở chốn bồng lai.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố