Vụ ông Truyền: CẦN SỚM KIỂM TRA VÀ CÓ KẾT LUẬN CÔNG KHAI

Người xem: 133

Ông Truyền nên yêu cầu tổ chức Đảng đứng ra nói cho khách quan và tổ chức Đảng cũng cần vào cuộc sớm.

LTS: Liên quan đến các thông tin đăng trên một số báo về khối bất động sản được cho là của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Truyền đã nói: “Sẵn sàng cung cấp thông tin để minh định tài sản của mình” (số báo ngày 27-2-2014). Tỉnh ủy Bến Tre cho biết đã nắm cụ thể tài sản của ông Truyền tại địa phương, còn ở TP.HCM thì chưa có cơ sở kiểm chứng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất xin ý kiến trung ương để có hướng xử lý cụ thể. Việc xử trí và xử lý như vậy đã phù hợp chưa và hướng xử lý tiếp theo của sự vụ này sẽ như thế nào? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Vũ Quốc Hùng (ảnh) nói: Tôi biết anh Truyền từ khi anh còn làm bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, rồi sau đó ra Hà Nội làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng cấp, cùng đơn vị với tôi. Đại hội X tôi nghỉ, anh Truyền tiếp tục ở trung ương, chuyển sang làm tổng thanh tra Chính phủ. Sau Đại hội XI, anh Truyền nghỉ và giờ vấp phải những thông tin như thế thật đáng tiếc.

“Tôi tin anh Truyền có đủ bản lĩnh, căn cứ để giải trình những vấn đề của mình. Và mong các tổ chức Đảng liên quan sớm kiểm tra, kết luận công khai” – ông Hùng nói và lý giải, trước đây thì kết luận trong nội bộ thôi nhưng từ cuối khóa X và sang khóa XI, Ban Bí thư đã quy định cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận các hội nghị của mình – chủ yếu về giám sát, kiểm tra và kỷ luật của Đảng – tới xã hội.

Đã đủ cơ sở để vào cuộc làm rõ

. Phóng viên: Thông tin trên báo chí mới chỉ đề cập tới những ngôi nhà, biệt thự được cho là của ông Truyền và chưa hề chỉ ra dấu hiệu bất minh nào. Vậy liệu đó có thể coi là cơ sở để các cơ quan của Đảng vào xem xét?

+ Ông Vũ Quốc Hùng: Nhưng chính anh Truyền đã nói trên báo là những thông tin ấy ảnh hưởng đến uy tín của anh ấy – với tư cách một đảng viên và với cả tổ chức Đảng – vì anh ấy nguyên là cán bộ cấp cao. Như vậy đủ cơ sở để cơ quan của Đảng vào cuộc.

Tôi thấy rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là xem thông tin báo chí đưa ra có đúng không. Những biệt thự, ngôi nhà đó có thực sự của anh Truyền không. Phần nào của anh, của con cái, phần nào của cô em nuôi… Rồi cũng nên đánh giá, rút kinh nghiệm xem trong điều kiện đất nước, đời sống đa số nhân dân khó khăn thế này, cán bộ đảng viên nên hưởng thụ thế nào cho phải. Và nếu cần thiết, kiểm tra xem nguồn gốc hình thành thế nào.

. Nhưng cũng có quan điểm khác là ông Truyền đã nghỉ hưu thì phải được bảo vệ quyền riêng tư, bao gồm cả quyền tài sản chứ!

+ Chúng ta vừa ban hành Hiến pháp mới khẳng định tôn trọng quyền con người. Chúng ta cũng thừa nhận quyền làm giàu của đảng viên, thậm chí coi đảng viên mà không biết làm giàu chính đáng là xoàng. Nhưng đã là đảng viên thì phải chấp nhận những đòi hỏi khắt khe từ xã hội. Đảng viên phải có văn hóa, sống mẫu mực thì mới hướng dẫn cho quần chúng noi theo.

Với những việc thế này, không nên vội oán trách người ngoài, quy chụp những người, những tờ báo đưa thông tin.

. Không lâu sau khi báo chí đưa hình ảnh về những ngôi nhà, biệt thự, ông Truyền đã giải thích về nguồn gốc hình thành những tài sản này. Với kinh nghiệm lâu năm làm công tác kiểm tra, ông đánh giá thế nào về cách ứng xử đó?

+ Trả lời trên báo Pháp Luật TP HCM, thấy anh Truyền rất bình tĩnh, tự tin khẳng định “sẵn sàng cung cấp thông tin để minh định tài sản”. Tôi rất hoan nghênh ứng xử đó và cũng mong mọi việc được rõ ràng.

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre – nguồn cơn dẫn đến hàng loạt thông tin liên quan đến khối bất động sản được cho là của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: TÂM PHÚC

Tôi nghĩ anh Truyền cũng nên yêu cầu tổ chức Đảng đứng ra nói cho khách quan và tổ chức Đảng cũng cần vào cuộc sớm.

Bến Tre cần nêu rõ chính kiến của mình

. Ông Truyền đã nghỉ hưu, đang sinh hoạt đảng tại địa phương nơi cư trú nhưng lại vẫn thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Vậy tổ chức Đảng nào có trách nhiệm xem xét, giải quyết, thưa ông?

+ Cũng là cán bộ cấp cao nghỉ hưu, thuộc diện Ban Bí thư quản lý, tôi thấy “quản lý” ở đây chủ yếu dưới dạng là mình nằm trong danh sách của Văn phòng Trung ương Đảng để được nhận những tài liệu, thông báo mà diện mình được phép tiếp cận. Khi có công việc thì Ban Bí thư triệu tập họp, thông báo tình hình và được phát biểu ý kiến, góp ý trực tiếp…

Còn nơi sinh hoạt và quản lý trực tiếp là chi bộ, đảng bộ nơi sinh sống. Hằng năm tôi đều kiểm điểm, phê và tự phê về mọi mặt đạo đức, kỷ luật đảng viên trước chi bộ, với đảng ủy phường. Theo điều lệ và các văn bản của Đảng thì từ chi bộ cơ sở tới đảng bộ các cấp đều có thẩm quyền về việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật với đảng viên, nhất là trước các vấn đề mà dư luận đặt ra.

. Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre nơi ông Truyền sinh sống đã xin ý kiến trung ương về vụ việc này. Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc này?

+ Điều lệ là văn bản có giá trị cao nhất điều chỉnh tổ chức, hoạt động của Đảng. Nếu bám vào thẩm quyền theo điều lệ thì đảng ủy cấp xã đã có quyền kiểm tra, kỷ luật với đảng viên mọi cấp sinh hoạt tại đảng bộ mình.

Theo các quy định hiện hành, với các vấn đề của đảng viên, thì đầu tiên chi bộ nơi người đó sinh hoạt phải vào cuộc. Nếu không đủ phương tiện, nhân lực để làm thì báo cáo đảng ủy. Đảng ủy thấy vẫn không đủ sức làm thì báo cáo đảng ủy cấp trên. Ví dụ, mấy cái nhà được nêu đó ở các địa bàn khác nhau thì huyện ủy, rồi tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tương ứng xác minh.

Tất nhiên, tỉnh ủy có quyền báo cáo, xin ý kiến trung ương. Nhưng trong báo cáo nên nói rõ chính kiến của mình. Để nêu chính kiến thì trước đó mình cũng phải kiểm tra, xác minh, làm cơ sở cho quan điểm của địa phương. Nói chung, không nên xin ý kiến theo kiểu “đá bóng” trách nhiệm, dò ý trên thế nào!

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện
——————————–

Tổ chức Đảng cơ sở cần làm hết trách nhiệm và quyền hạn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã hành động đúng, theo quyền hạn được giao, bao gồm cả kiểm tra, kỷ luật đảng viên vi phạm lẫn bảo vệ đảng viên của mình trước sức ép dư luận bên ngoài. Như Đảng bộ Hội Nông dân VN, nhiều năm trước từng kiểm tra, kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu, lúc đó đang là ủy viên trung ương, về dấu hiệu sai phạm trong những việc thuộc về đời sống, trách nhiệm cá nhân mà không cần trung ương với xuống.

Ở khía cạnh ngược lại, cũng cách đây nhiều năm, tập thể chi bộ cơ sở Đảng nơi sinh hoạt của ông Đinh Đình Phú – người dũng cảm đứng ra tố giác vụ sai phạm đất đai nghiêm trọng tại thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, đã bảo vệ đồng chí của mình. Bất chấp áp lực từ cấp trên là Thị ủy Đồ Sơn, các đảng viên ở đây đã khách quan ủng hộ ông Phú theo đuổi vụ việc tới cùng.

Còn ở nhiệm kỳ trước, ngay giữa Hà Nội, các đảng viên phường Nghĩa Đô đã bảo vệ Bí thư Nguyễn Thanh Bình – người đã tố giác tiêu cực về đất đai trên địa bàn nhưng rồi bị Quận ủy Cầu Giấy ra văn bản trái luật “nghỉ điều hành công tác” cả hai chức danh bí thư và chủ tịch HĐND. Được sự ủng hộ của đảng viên và các cựu chiến binh, ông Bình tiếp tục công tác, đưa được vụ việc ra ánh sáng và trở thành một gương điển hình được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức vinh danh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *