Bác Nguyên Ngọc như tôi đã biết

Người xem: 249

Khoai@

Nuối tiếc cho Nguyên Ngọc của một thời!

Anh hùng Núp ra đi, không còn ai để núp bóng, vậy nên háo danh, kiệt sức, hết tuyết, đổ đốn là những gì mà người ta thấy Nguyên Ngọc hôm nay. Tre làng giới thiệu bài của Le Anpô:

Bác Nguyên Ngọc như tôi đã biết
 

Tôi lớn lên ở khu tập thể số 12 Lý Nam Đế, cái con phố nhà văn Chu Lai gọi là “phố nhà binh”. Bây giờ ngoài mấy cái vọng gác để biết đấy là cơ quan quân đội, còn thì con phố này toàn là cửa hàng bán máy móc vật tư tin học, mấy thằng chúng tôi từng lớn lên ở đó bảo nhau phải gọi là “phố Hàng Tin”. Khu tập thể nơi gia đình tôi sống gồm có mấy dãy nhà cấp bốn rất dài. Mỗi dãy nhiều gian, mỗi gia đình ở trong một gian rộng. Phía trước dãy nhà là cái lối đi nhỏ, bên kia lối đi là dãy bếp, mỗi nhà được một gian bếp be bé. Bếp gần nhau nhà gần nhau nhà ai nấu nướng món gì là hàng xóm biết ngay. Bố mẹ đi làm cả ngày, ngoài giờ học trẻ con chúng tôi tụ tập đánh bi đánh đáo, chơi tú lơ khơ, chơi trốn tìm, đứa nào không chơi thì tụ tập kể chuyện, chủ yếu chuyện ma. Một hôm tôi đang chổng mông bắn bi thì mấy đứa đang chơi cùng lại chạy đâu mất. Mãi sau chúng nó mới lò dò chui ra, mắt lấm lét nhìn theo một người đàn ông thấp bé sắp đi khuất vào dãy nhà phía sau, một thằng thì thào: “Ông Nguyên Ngọc đấy, ông ấy ghê lắm”. Hồi đó tôi đã học bài về “Đất nước đứng lên” ở trường, nên kính nể nhìn theo. Từ đấy tôi bắt đầu chú ý đến bác, kiểu như là hâm mộ người nổi tiếng. 

Nhưng người tôi hâm mộ lại rất khác người, ra đường cắm cúi đi, có ai chào mới trả lời, còn thì chẳng chào hỏi ai.
Nhà bác đóng cửa im ỉm suốt ngày, con gái bác ngoài giờ đi học là bị cấm cung trong nhà, không ra ngoài chơi. Chỉ có vợ bác ra đường là niềm nở chào hỏi.
Mẹ tôi bảo hồi trẻ bác gái ở miền nam bị quân giặc bắt tra tấn dã man, giờ vẫn hay đau yếu. Một lần cả nhà đang ăn cơm chiều, nghe tôi hỏi tại sao bác Nguyên Ngọc ít giao du với người trong khu tập thể, mẹ tôi bảo: “Úi giời, ông ấy khinh người chứ còn sao nữa. Ông ấy không cho con gái chơi với đám trẻ vì sợ bị hư hỏng”. Bố tôi gạt đi: “Kệ người ta, mỗi người mỗi cách sống, bàn tán linh tinh đến tai người ta lại mất lòng”. Mẹ tôi có vẻ phật ý vì sau đó bà nói lại: “Cả khu này người ta nói thế”.
Lần khác lại thấy xôn xao không biết củi lửa thế nào mà bếp nhà bác Nguyên Ngọc bị cháy. Mấy nhà liền kề chỉ lo giữ nhà người ta, chẳng ai giúp chữa lửa. Cả khu tập thể chỉ có nhà văn Nam Hà với nhà văn Chu Lai chạy sang. Nhà văn Chu Lai trẻ hơn chạy đi chạy lại xách nước, hai tay hai xô. Nhà văn Nam Hà tuổi già hơn thì đứng hắt nước. Mẹ tôi bảo nhà văn Nam Hà với nhà văn Chu Lai cùng ở tạp chí Văn nghệ quân đội với bác Nguyên Ngọc, không giúp là người ta cười cho, chứ chắc gì các chú ấy nhiệt tình. Nghe mẹ tôi nói, bố tôi bảo anh em tôi: “Khu này toàn gia đình bộ đội, anh em đồng chí sống với nhau bao nhiêu năm, phải sống thế nào mọi người mới lờ đi như thế. Sau này các con ở đây hay ở đâu cũng phải có hàng xóm láng giềng, đừng để lúc gặp khó khăn mà không ai muốn giúp”. 
 
Sau sự kiện cái bếp nhà bác Nguyên Ngọc bị cháy, tôi không coi bác là thần tượng nữa. Hồi bác ấy về làm ở báo Văn nghệ, nghe bác T hàng xóm bảo bố tôi: “Tay ấy mà làm lãnh đạo thì khối thằng chết, đúng là nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ”, tôi không hiểu tại sao. Bác giải thích: “Các cụ tổng kết những người mắt lé, lùn, răng hô, mặt rỗ là rất ghê gớm”. Bác T làm tôi nghĩ ngay đến dáng loắt choắt của bác Nguyên Ngọc. Lần bác Nguyên Ngọc tổ chức ý kiến trên báo Văn nghệ đánh ông Đặng Bửu, bố tôi bảo: “Bác T nói đúng thật”.
Học xong đại học tôi đi làm, lấy vợ rồi ở riêng. Bố mẹ mất, căn hộ trong khu tập thể để chú em tôi. Hàng tuần về thăm bố mẹ, hoặc sau này ghé thăm vợ chồng chú em, đôi lần tôi thấy bác Nguyên Ngọc, vẫn cắm cúi đi, không thèm nhìn ai.
Tôi chán thần tượng còn vì lâu quá chỉ thấy bác nói trên báo trên TV trong nước và nước ngoài, không thấy bác viết văn. Hồi mới lớn đọc tập 1 tiểu thuyết Đất Quảng của bác, tôi chờ tập 2, chờ mãi ba mươi năm chẳng thấy bác in tiếp.
Đem chuyện này hỏi thằng bạn làm trong nghề văn, nó bảo ông Nguyên Ngọc hết tuyết rồi, còn gì mà viết. Ông ấy chỉ còn cái danh nhà văn ăn theo “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi” thôi. Xong nó kể cho tôi nhiều chuyện về bác Nguyên Ngọc.
Tôi nhớ nhất là chuyện trước khi bác Nguyên Ngọc về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, bác Đào Vũ Tổng biên tập vào miền nam mấy tháng liền. Để cho báo tiếp tục ra, các bác ở tòa soạn lập một nhóm gồm Võ Văn Trực Phó tổng biên tập, Hữu Nhuận Thư ký tòa soạn, Ngô Ngọc Bội Trưởng ban văn xuôi, cùng ký vào bản thảo để cùng chịu trách nhiệm.
Truyện Tướng về hưu của anh Nguyễn Huy Thiệp in vào thời kỳ này. Thế mà về sau bác Nguyên Ngọc lại bảo khi bác ấy về làm báo Văn nghệ, thấy bản thảo truyện Tướng về hưu bị vứt vào sọt rác, bác ấy lấy ra cho đăng. Hôm mới rồi, thấy bác Nguyên Ngọc công bố cái Văn đoàn độc lập, tôi gọi điện hỏi thằng bạn, nó lại bảo: “Vào đấy chỉ đi kê ghế cho Nguyên Ngọc chứ văn chương gì”. Nó nói thế làm tôi lại nhớ đến câu nói lúc sinh thời bác T hàng xóm nhà tôi ngày trước: “Tay ấy mà làm lãnh đạo thì khối thằng chết”!
 
Lê Anpô 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *