Giọng điệu kích động của Trần Huỳnh Duy Thức

Người xem: 585

Lâm Trực@

Châu Đức, 13/1/2025 – Những phát ngôn của Trần Huỳnh Duy Thức trên mạng xã hội gần đây, đặc biệt bài đăng với nội dung: “Nghị định 168: Quản bánh xe, đè bóp tiền; Bóp đường xe, đè đường sống – Pháp luật hay rừng luật? Quản lý hay quản tù?”, thể hiện rõ một giọng điệu kích động đầy chủ ý. Cách dùng từ mang tính châm biếm và quy chụp của Thức không chỉ tạo ra sự hiểu lầm nghiêm trọng mà còn cố tình khơi dậy sự chống đối, đi ngược lại lợi ích chung và trật tự của xã hội.

Phát ngôn của Trần Huỳnh Duy Thức đặt ra nhiều nghi vấn về động cơ thực sự của Trần Huỳnh Duy Thức. Liệu ông đang phê bình với thiện chí cải thiện, hay cố tình thổi phồng, xuyên tạc sự thật nhằm thao túng cảm xúc người đọc? Khi gán cho Nghị định 168 những cụm từ như “bóp đường sống” hay “quản tù”, ông ta đã tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng chính quyền không vì dân, không vì cộng đồng, mà chỉ đặt ra những chính sách nhằm đàn áp, bóc lột người dân. Đây không phải là cách một công dân có trách nhiệm nên đóng góp ý kiến, mà là hành động đáng bị lên án.

Pháp luật giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội an toàn và văn minh. Những quy định như kiểm soát tốc độ, xử phạt vi phạm nồng độ cồn, hay áp dụng các biện pháp mới như trừ điểm giấy phép lái xe trong Nghị định 168 là các giải pháp hợp lý, hướng tới bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi người. Cần phải nhấn mạnh rằng Nghị định 168/2024/NĐ-CP được xây dựng theo đúng quy trình pháp lý, đảm bảo tham vấn ý kiến và phù hợp với thực tiễn xã hội. Việc Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 hoàn toàn tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không có cơ sở để gọi đó là “rừng luật“.

Trần Huỳnh Duy Thức, với giọng điệu mỉa mai và kích động, dường như quên rằng ở các quốc gia phát triển, các quy định giao thông thậm chí còn nghiêm khắc hơn rất nhiều. Tại Mỹ, chỉ cần vượt đèn đỏ cũng có thể bị phạt tới 500 USD, và nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép, tài xế có thể bị phạt hàng ngàn USD cùng với việc bị tước bằng lái. Tương tự, tại Đức, vượt tốc độ trong khu vực đông dân cư có thể bị phạt tới 680 EUR, chưa kể khả năng bị tước quyền lái xe từ 1-3 tháng. Những biện pháp này không hề bị xem là “bóp đường sống”, mà được coi là cách để giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn giao thông.

Thế nhưng, Thức không chỉ phủ nhận nỗ lực cải cách giao thông của Việt Nam mà còn cố tình bóp méo ý nghĩa tích cực của chúng. Bài đăng của anh ta không phải là sự tranh luận mang tính xây dựng, mà là chiêu trò để kích động sự phản kháng trong xã hội, tạo tiền đề cho những hành vi vi phạm pháp luật. Những người nhẹ dạ cả tin có thể dễ dàng bị cuốn vào cách diễn giải này, dẫn đến việc vô tình trở thành người vi phạm hoặc chống đối mà không hiểu rõ căn nguyên.

Nguy hiểm hơn, hành vi này không chỉ làm giảm uy tín của các cơ quan chức năng mà còn khơi dậy tư tưởng chống đối, gây mất ổn định xã hội. Giọng điệu kích động như vậy không chỉ là lời kêu gọi vô trách nhiệm, mà còn thể hiện rõ một thái độ phủ nhận những giá trị chung mà pháp luật đang cố gắng bảo vệ.

Pháp luật giao thông là nền tảng để bảo vệ mọi người trước những nguy cơ tiềm ẩn. Việc tuân thủ các quy định không phải là biểu hiện của sự áp bức mà là cách xây dựng ý thức công dân trong một xã hội văn minh. Cộng đồng cần cảnh giác trước những lời lẽ mang tính kích động như của Trần Huỳnh Duy Thức, không để mình bị lôi kéo bởi những thông tin lệch lạc, gây tổn hại không chỉ đến lợi ích cá nhân mà còn ảnh hưởng đến trật tự chung của đất nước.

Tôi nghĩ, nếu Trần Huỳnh Duy Thức không “cải tà quy chính”, vẫn “ngựa quen đường cũ” thì phía trước anh ta là tương lai không mấy tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *