Cuộc chiến công lý và đạo đức cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Người xem: 116

Cuteo@

Trong lịch sử nhân loại, chưa từng có cuộc chiến tranh hóa học nào so sánh được về quy mô và thời gian với cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ đã thực hiện ở Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam (theo cách nói của người Mỹ, Vietnam War) đã để lại một “thảm họa da cam/đi-ô-xin”, chỉ có thể so sánh với thảm họa hạt nhân mà Mỹ đã gây ra bằng cách thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. Thậm chí, nó còn nghiệt ngã hơn vì những di họa lâu dài cho nhiều thế hệ con người ở Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga, người đã nhiều năm theo đuổi vụ kiện 14 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tại một sự kiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Paris (Pháp) hồi tháng 1/2021. (Ảnh: AP)

Ngày 10-8-1961, máy bay của không lực Hoa Kỳ bắt đầu rải chất độc xuống khu vực phía Bắc thị xã Kon Tum, mở màn cho chiến dịch gieo rắc chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến Việt Nam. Theo các tài liệu khác nhau, với các chiến dịch Ranch Hand và Pacer Ivy, trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (tổng lượng đi-ô-xin là 366 kg), trong đó 64% là chất độc màu da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% là chất màu xanh và 0,6% là chất màu tím. Theo các nhà khoa học, do công nghệ sản xuất 2,4,5-T (chất có khả năng sinh ra tạp chất 2,3,7,8-Tetra chloro dibenzo-p-Đi-ô-xin, thường gọi là đi-ô-xin) trong những năm 60 còn lạc hậu và để tăng sản lượng chất diệt cỏ, một số công ty hóa chất Mỹ đã nâng nhiệt độ của công nghệ sản xuất, nên lượng đi-ô-xin có thể lên tới 600-680 kg.

Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và khẳng định rằng: chất độc màu da cam có chứa đi-ô-xin là chất độc nhất, nguy hiểm nhất trong các hóa chất do con người tạo ra, rất bền vững và khó phân hủy. Vì chúng tồn tại lâu trong môi trường, lưu tồn sau nhiều lần sử dụng, nên sẽ làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt, biến thành “vùng đất chết”. Năm 1997, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đi-ô-xin là một độc chất gây suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết và khả năng thích nghi của con người, đồng thời là tác nhân gây ung thư. Chỉ cần một phần tỷ gram chất đi-ô-xin đã có thể gây ung thư, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh và một số bệnh khác cho con người. Đi-ô-xin còn tác động vào gen, gây di truyền qua nhiều thế hệ (chắc chắn đến thế hệ thứ năm). Trong một nghiên cứu năm 2003, các nhà khoa học quốc tế một lần nữa khẳng định rằng, nếu một người phơi nhiễm đi-ô-xin dù chỉ là lượng nhỏ nhất thì cũng mang trong mình hiểm họa ung thư. Ngoài ung thư, đi-ô-xin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh rám da, bệnh đái tháo đường, bệnh ung thư trực tràng không Hodgkin, thiểu năng sinh dục cho cả nam và nữ, sinh con quái thai, thiểu năng trí tuệ, đẻ trứng (ở nữ)…

Trong cuộc chiến tranh hóa học, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ để phun rải hóa chất xuống miền Nam Việt Nam. Trung bình, mỗi ngày có đến 11 phi vụ. Lượng chất độc da cam/đi-ô-xin bao phủ 2.631.297 ha (trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần; 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần); 25.585 thôn ấp, trong đó có 3.181 thôn ấp bị phun rải trực tiếp. Do tác động của gió, mưa, lũ, nên diện tích đất, rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất độc da cam/đi-ô-xin chắc chắn rộng hơn diện tích bị rải. Chất độc da cam/đi-ô-xin gây hậu quả nặng nề và ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ người và môi trường sinh thái ở Việt Nam.

Đối với môi trường sinh thái, chất độc da cam/đi-ô-xin đã tàn phá hàng triệu ha rừng với nhiều mức độ khác nhau, làm cho hệ sinh thái rừng bị thay đổi, đã tác động mạnh lên 28 lưu vực sông ở miền Trung Việt Nam, là những tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng bão lũ ngày càng nặng nề ở khu vực miền Trung.

Đối với con người, theo thống kê, có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó khoảng 3 triệu người bị nhiễm độc. Hàng trăm ngàn người đã chết trong đau đớn, phần lớn là cựu chiến binh. Hơn 50.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều người khác đang từng ngày từng giờ quằn quại vì những căn bệnh hiểm nghèo, nan y liên quan đến chất độc da cam/đi-ô-xin. Đau xót hơn, chất độc da cam/đi-ô-xin đã hủy diệt nhiều gia đình, nhiều gia tộc; có đến 85% số hộ có hai nạn nhân (bố, mẹ và con cháu), 3% số hộ có 5 nạn nhân, có bà mẹ sinh đẻ 15 lần thì chết 12 người sau sinh. Đặc biệt, sự tổn hại về mặt tinh thần không thể thống kê hết được. Đó là sự lo lắng, bất an, là nỗi đau âm ỉ của nhiều gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Sự thật là, hoàn cảnh các gia đình nạn nhân chất độc da cam rất thương tâm, phần lớn thuộc diện đói nghèo, cùng cực nhất, không có sức lao động, chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp của xã hội. Những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Sự thật đã được phơi bày, không thể bác bỏ. Thế nhưng, khi Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) và một số nguyên đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu tòa án bác bỏ đơn kiện. Họ viện dẫn điều luật “Quyền miễn trừ” của hiến pháp Mỹ để không quy trách nhiệm về những hậu quả mà các nhà thầu (các công ty hóa chất Mỹ) đã ký kết với chính phủ trong chiến tranh. Vì thế, Tòa án Mỹ đã cố tình bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao. Đến nay, chính phủ và các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ vẫn quyết không thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam. Họ biện bạch rằng: “Chất độc da cam, cũng như các chất xanh lá cây, tím, hồng, xanh da trời và trắng không phải là chất độc”; rằng “không có bằng chứng khoa học về tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với sức khỏe con người”. Thực chất đó là sự phủi bỏ trách nhiệm về những hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước về các loại vũ khí hóa học đã được ký kết năm 1993, có hiệu lực từ năm 1997.

Cần phải thừa nhận rằng, trong nhiều năm qua, các tổ chức và cá nhân người Việt Nam, người Mỹ và quốc tế, trong đó có nhiều tổ chức phi chính phủ, như Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, tổ chức “Câu lạc bộ Nhân quyền” của Hoa Kỳ và Liên minh Quốc tế chống vũ khí hóa học, tổ chức chống vũ khí hóa học của Australia và Pháp đã đấu tranh không ngừng để yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ có trách nhiệm với hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin. Các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cũng đã được Chính phủ Việt Nam chăm sóc, trợ cấp, đã có những chính sách hỗ trợ. Tại hội nghị quốc tế về chất độc da cam/đi-ô-xin được tổ chức tại Hà Nội và các hội thảo quốc tế khác về chất độc da cam/đi-ô-xin đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm, thừa nhận và khắc phục hậu quả đối với nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến bảo vệ công lý, bảo vệ những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin còn dài, gian nan. Tuy nhiên, hy vọng rằng các thế hệ mai sau sẽ không còn chứng kiến sự tàn nhẫn của chiến tranh và những thảm họa hóa học mà nó để lại cho nhân dân Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *