Phong tướng: “Dứt khoát phó không được bằng trưởng!”
“Tôi chưa thông hàm cấp Thứ trưởng bằng Bộ trưởng… Tôi là đại biểu, không thông là tôi không bấm nút đâu” – Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Dứt khoát hàm cấp phó không được bằng cấp trưởng.
Luật sĩ quan QĐND sửa đổi đưa ra những quy định cụ thể về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan. Hiện Bộ Quốc phòng đang có hai Đại tướng là người giữ chức vụ Bộ trưởng và Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Luật sĩ quan QĐND sửa đổi cũng đề cập cụ thể đến từng hàm tướng tương đương với từng vị trí cụ thể.
Cũng như luật CAND sửa đổi hôm trước, thảo luận cho ý kiến về Luật sĩ quan QĐND sửa đổi, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn trước những quy định về hàm cấp được đưa ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Tôi chưa thông hàm cấp trưởng bằng cấp phó: Thứ trưởng bằng Bộ trưởng, Tổng cục phó bằng Tổng cục trưởng. Cứ để cấp phó bằng cấp trưởng là không ổn, kể cả 2 luật (sĩ quan và CAND sửa đổi) đều phải thống nhất. Có chế độ đồng chỉ huy chứ làm gì có chế độ đồng Tổng cục trưởng? Như vậy khác nào Tổng cục phó, Tổng cục trưởng bằng nhau? Những nội dung này tôi chưa thông, các anh làm tôi thông đi. Tôi là đại biểu, không thông là tôi không bấm nút đâu”.
Chủ tịch Quốc hội nêu, quy định tới đây dứt khoát đối với Bộ trưởng sẽ là đại tướng, thứ trưởng thượng tướng, không có thứ trưởng thứ nhất, thứ 2, hay thường trực gì cả. Riêng Tổng cục trưởng bé hơn thứ trưởng sẽ là trung tướng, Cục trưởng chỉ thiếu tướng chứ không thể bằng Tổng cục trưởng được. Tổng cục phó tương đương Tổng cục trưởng mang hàm thiếu tướng. Rồi Tư lệnh quân khu là trung tướng, Phó Tư lệnh thiếu tướng. Bộ đội địa phương là đại tá.
Tương tự đối với công an: Bộ trưởng là đại tướng, còn Thứ trưởng chỉ mang hàm thượng tướng, Tổng cục trưởng trung tướng, cục trưởng thiếu tướng, riêng Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM sẽ mang hàm thiếu tướng, các tỉnh khác chỉ là đại tá… “Dứt khoát phó không được bằng trưởng” – Chủ tịch QH khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem lại thời gian phong hàm, rút ngắn lại để cho lực lượng trẻ trung hơn, nhưng phải đưa ra những quy định cụ thể.
Cùng tham dự phiên thảo luận này, lý giải về việc một số Cục mang hàm trung tướng như Tổng cục, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, các Cục có hàm trung tướng vì nằm trong bộ phận tham mưu và Tổng Cục chính trị. Hiện Tổng tham mưu trưởng đang mang hàm đại tướng, cấp phó mang hàm thượng tướng, và một số cục hàm trung tướng. Từ năm 1975 tới giờ tất cả các Cục trưởng tác chiến đều mang hàm trung tướng.
Ngược lại một số Cục chỉ là thiếu tướng như Cục hậu cần, Cục quân khí, vì chỉ thiên về hậu cần nên phải thấp hơn các cơ quan tham mưu, chiến lược, chỉ đạo chiến đấu.
Đối với Tư lệnh hải quân, trước đây xếp chung nhóm chỉ huy trưởng vùng hải quân. Nhưng vị trí này nhiệm vụ nặng nề, vì hiện ta có 1 triệu km vuông mặt biển, bằng 3 diện tích đất liền, phương tiện chiến đấu cũng hiện đại hơn, vũ khí ngày càng lớn, nhưng lại chỉ mang hàm đại tá chỉ huy. Bộ trưởng cho rằng cấp hàm này quá thấp so với các nước.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong quân đội nhìn chung cấp trưởng cao hơn phó một bậc. Nhưng có một số trường hợp ngang quân hàm. Chẳng hạn sư đoàn phó đại tá, sư đoàn trưởng vẫn đại tá, hay phó tư lệnh quân đoàn vẫn chỉ là đại tá, rồi Bộ tư lệnh Lăng cũng tương đương quân đoàn…
Đối với đề xuất giám đốc công an 6 tỉnh được phong quân hàm cao nhất là trung tướng của Bộ Công an trước đây, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhắc lại đề nghị phải cân nhắc kỹ, làm sao để tương quan với quân đội, nếu không sau này sẽ khó làm việc.
“Khi xảy ra tác chiến, chỉ huy trưởng chỉ huy tác chiến lại là đại tá thì không hợp lý” – Bộ trưởng nói.
Về thời gian phong tướng, theo Bộ trưởng Quốc phòng, đây là quy định của Bộ Chính trị. Theo quy định thời gian phong tướng 4 năm, nhưng khi thấy cần thiết phải phong tướng trước thời hạn thì Bộ Chính trị sẽ quyết định.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng ý quan điểm mỗi cấp bậc, trưởng bao giờ cũng phải hơn phó, không nên để bằng. Nhưng lại có tình trạng “dồn toa”, nhiều người cả chục năm trời cứ đeo hàm đại tá.
Trước tình hình đó, ông Ksor Phước đề xuất ở mỗi cấp lãnh đạo nên có từ 3 – 4 cấp quân hàm. Riêng cấp trưởng chỉ có 2 mức hàm, cấp phó có thể để 3 mức. Ví dụ cấp sư đoàn trưởng có thể là đại tá, thượng tá, còn sư đoàn phó có thể chấp nhận thêm khung trung tá. Riêng Bộ trưởng, Quân khu trưởng, Tỉnh đội trưởng chỉ duy nhất 1 cấp hàm thôi.
Theo phương án này, dù đang mang quân hàm trung tướng, nhưng nếu được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng thì phong ngay hàm đại tướng, chứ không cần phải qua hàm thượng tướng nữa.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay cả người đó chỉ là dân sự (không mang quân hàm), nhưng nếu được giữ vị trí Bộ trưởng thì phải phong hàm đại tướng luôn.
Nguyễn Dũng
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố