Hà Nội có sạch được không?
Hà Nội đang thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Trong rất nhiều việc phải làm, thì vấn đề về môi trường sống, lối sống, môi trường xây dựng được quan tâm nhiều nhất.
Ở nước ta, hay có tháng này, năm này để tập trung quyết liệt một vấn đề bức xúc nào đó trong cuộc sống và qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của cộng đồng. Tỷ như, tháng An toàn giao thông thì tất cả hệ thống chính trị xã hội và công an, cảnh sát… được huy động để làm cho đường thông, hè thoáng nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông. Hay tháng Vệ sinh môi trường, là cả khối phổ cứ ngày thứ bảy là đổ ra đường mà nhặt rác, dọn nước thải, thông cống tắc.v.v… Các đội thanh niên tình nguyện và lực lượng dân phòng được huy động ngày ngày đứng trực trên các tuyến phố chính để nhắc nhở, thậm chí là tăng cường phạt các hành vi vứt rác bừa bãi, đổ trộm phế liệu… Năm “ Trật tự và văn minh đô thị” của Hà Nội cũng vậy. Đã một thời gian dài, Hà Nội bị mang tiếng là TP bẩn vào loại nhất nước và ô nhiễm môi trường vào hàng top trong khu vực châu Á. Theo tổng kết của ngành môi trường, thì hiện nay 75% sông, hồ, đầm của Hà Nội là bị ô nhiễm; 17% là rất ô nhiễm (nói nôm na là rất bẩn?!). Đó là chưa tính đến nồng độ bụi, khí thải, ô nhiễm nguồn nước thì cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Ngành Y tế đã cảnh báo, tỷ lệ người mắc bệnh về phổi ở Hà Nội cao gấp 3 lần ở nông thôn.
Đấy là những đánh giá của các cơ quan, tổ chức có chức năng. Còn thực tế, không khó nhận thấy. Gần đây, dư luận xã hội không ngớt phàn nàn về sự xuống cấp thảm hại của “Con đường gốm sứ”- công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đây là công trình nghệ thuật ghép gốm hoành tráng ốp tường đê sông Hồng chạy suốt từ cầu Chương Dương qua ngã tư Lạc Long Quân với chiều dài 4km, có diện tích lên tới 7 ngàn m2. Đây cũng là bức tranh gốm dài và lớn nhất thế giới, được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận vào tháng 10/2010. Con đường gốm sứ đã từng là niềm tự hào của người dân Thủ đô, là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Sau hơn 3 năm hoàn thành (2008), nay đã và đang xuống cấp, hư hỏng. Rất nhiều chỗ mảnh gốm bị bong tróc, nứt gãy và bị cậy phá. Dưới chân tường đê nơi tranh gốm thành nơi vứt đổ rác. Thậm chí nhiều vị trí còn là nơi tiểu tiện của người dân, suốt ngày đêm bốc mùi xú uế. Hay công viên Hòa Bình với vốn đầu tư lên đến cả trăm tỷ, giờ cũng đầy rác thải, lênh láng nước bẩn. Về khuya là tụ điểm mại dâm, nghiện hút. Các đường phố trên tuyến vành đai I, vành đai II nhiều nơi trở thành chỗ đổ phế thải xây dựng… Còn chuyện người dân Thủ đô hồn nhiên ăn uống, xả rác bừa bãi xuống đường thì vốn đã là chuyện thường ngày ở… huyện?!
Đó là nói qua về khía cạnh nhỏ của văn minh đô thị. Còn chuyện trật tự đô thị thì khỏi phải bàn. Từ chuyện chấp hành luật lệ giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh hàng quán, trông giữ xe… cho đến xây dựng trái phép, không phép với đủ loại nhà siêu mỏng, siêu méo, hay méo “mềm mại” thì nhiều lắm… không thể thống kê ra được.
Năm trật tự văn minh đô thị của Hà Nội đã đi hết ¼ chặng thời gian. Vậy mà nghe ra vẫn còn ngổn ngang quá. Dẫu rằng, lãnh đạo TP rất sốt ruột, đích thân Bí thư Thành ủy đi kiểm tra và kiên quyết kỷ luật lãnh đạo cấp cơ sở từ phường, quận đến sở ngành chức năng nếu không giải quyết dứt điểm trong năm 2014 những tồn tại, yếu kém về trật tự đô thị.
Là Thủ đô của cả nước, là tấm gương trong để cả nước soi vào. Mong rằng Hà Nội sẽ thực sự chuyển mình trong năm trật tự và văn minh đô thị. Để cho ai đó khỏi phải than: “ Hà Nội… không sạch được đâu?!”
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng (Báo Xây dựng)
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới