VÀ CHÚNG CÒN LÀ NHỮNG TIỆM CẦM ĐỒ NỮA…

Người xem: 123

Và chúng còn là những tiệm cầm đồ nữa…


NHTM chính là nơi (quán, cửa hàng, …) mua bán tiền và những thứ tương đương. Có ai đó từng ví các ngân hàng thương mại của chúng ta hiện nay hoạt động không khác gì các tiệm cầm đồ: sơ khai và đơn giản.

Có ít nhất vài lần mình được rủ rê mời mọc làm cổ đông của NHTM. Một lần (khi NHNN nâng tỷ lệ vốn pháp định của NHTM từ 20 lên 70 tỷ đồng) là vì mình có cuốn sổ tiết kiệm cỡ triệu đô-la do đứng tên giúp vài anh bạn không tiện lộ danh: có phải tiền mình dư ra đâu mà mua cổ phần và làm cổ đông! 

Lần khác, đích danh chủ tịch HĐQT mời vì cứ nghĩ mình có nhiều tiền. Thực tế lúc đó mình cũng có tí tiền thật. Nghe vị chủ tịch kia nói hay quá tại văn phòng, bụng dạ cũng đã xiêu xiêu để có thể trở thành “nhà tư bản tài chính” – thuật ngữ mà vị đó đã dùng. Sau đó chưa đầy một giờ cả bọn kéo nhau đi đánh chén ngoài nhà hàng, rượu vào cao hứng nên vị chủ tịch kia định nghĩa: “làm ngân hàng là rủ những thằng ngu có tiền nộp vào một rọ để mình dùng tiền đó chơi trò chơi của mình!”. Nghe xong câu đấy là mình trong lòng tắt ngúm ngay cái ý định làm cổ đông NHTM. Lý do không phải vì mình được coi là ngu, cũng không phải vì có quá ít tiền: đơn giản là cảm nhận thấy ghê ghê thế nào ấy…Cũng còn một lần thứ ba khi các quỹ tín dụng nông thôn bắt đầu được nâng cấp lên thành các NH đô thị, có một anh bạn góp ý là nên thành cổ đông lớn của một NHTM, nhưng mình đã từ chối thẳng thừng – chắc cũng do ấn tượng với cái định nghĩa kia.

Cá nhân mình không thích Kiên ACB dưới góc độ con người, có lẽ là do cảm tính hay trực giác gì đấy, chứ không có một lý do cụ thể nào. Khi vụ việc xảy ra, mình hy vọng sẽ được chứng kiến một phiên tòa xét xử những doanh nhân có học và có đầu óc hàng đầu Việt Nam, xem tòa sẽ làm gì với những hiểu biết của họ. Thế nhưng trên thực tế chỉ có Kiên là đã chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về sự việc, số còn lại không hiểu vì sao lại không thể hiện được độ sắc sảo kiến thức/trí tuệ vốn có của mình, kể cả hai người mà mình có quan hệ và quen biết ít nhiều. Thế mới biết nguy cơ tù tội cũng làm cho con người ta thui chột, nên họ buộc phải lựa chọn cách hành xử như vậy. 

Cho dù án còn chưa tuyên, nhưng quyết định cuối cùng của tòa dường như đã rõ – và mình thì thấy hài hước. Quan điểm cá nhân của mình thì chỉ có một hai nội dung là có sự vi phạm, nhưng chưa gây hậu quả cho các bên có thể bị hại, thì có thể bị phạt hành chính là cùng chứ không phải án gì này nọ.

Ngoài yếu tố có thể do bị chính trị hóa thì không muốn bàn tới, mình chỉ có mỗi một câu hỏi duy nhất: thế lực tài phiệt (chứ không phải quyền lực chính trị) nào muốn nhóm của Kiên vào tù? Cũng là câu hỏi thế thôi, có vài võ đoán rời rạc nhưng có lẽ rồi đây cũng sẽ rõ ràng hết cả ấy mà.

Những việc được biết mà nhóm của Kiên đã làm thì nhiều nhóm khác trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng đã làm y chang. Họ còn làm nhiều việc khác mà chúng ta chưa được biết một cách công khai. Thôi thì cũng mong cho nhiều ai đó không bị lấy làm ví dụ như nhóm của Kiên! 

Với thông tin công khai không đầy đủ, phiên tòa này cũng đã cho chúng ta thấy được bản lĩnh của mỗi doanh nhân có liên quan là như thế nào. Chúng ta chính thức cũng biết được cách hành xử của các cơ quan hữu quan chức năng và hệ thống tư pháp trước những nội dung quá hiển nhiên và giản đơn liên quan tới hoạt động doanh nghiệp như thế. Biết thì cũng để biết thế thôi…

Nhưng suy cho cùng, cái định nghĩa về NHTM của vị chủ tịch HĐQT nọ cho tới giờ này vẫn đúng ở ta thì phải. Và chúng còn là những tiệm cầm đồ nữa…

Vì đâu nên nỗi?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *