Ảnh bên: Ông Nguyễn Thanh Chấn – Người bị án oan sai do bức cung, nhục hình.
Tôi đồng ý với tác giả Lê Chân Nhân trong bài “Khi luật sư chỉ là cái bóng của công lý” đăng trên Dân Trí rằng, đó là tội ác đáng ghê tởm. Nhưng lại không đồng ý với tác giả khi cho rằng: “Bởi vì, có những trường hợp giết người vì không làm chủ được bản thân, vì tự vệ, vì bộc phát nhất thời. Còn dùng nhục hình để ép án là hành vi có chủ đích, kéo dài ngày này qua tháng khác, hành hạ người vô tội“. Viết như thế, có nghĩa rằng, các điều tra viên (ĐTV) sử dụng nhục hình là đều với mục đích giết người.
Thực ra, không phải ĐTV nào có sử dụng nhục hình trong hỏi cung bị can đều cố ý giết người, mà đơn giản họ nghĩ đó là cách để có được lời khai trung thực từ phía bị can.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bức cung, nhục hình trong hỏi cung bị can. Có thể liệt kê không đầy đủ một số nguyên nhân như sau: (1) Do ĐTV kém cỏi về nhận thức, trình độ năng lực và phẩm hạnh cá nhân; (2) Do động cơ thành tích, chạy đua với thời gian, nôn nóng phá án để lập công; (3) Do cố ý giết người vì động cơ cá nhân (trường hợp này rất ít); (4) Do cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án nên nhục hình kết hợp với mớm cung, dụ cung, và bức cung để bị can khai nhận theo ý muốn của ĐTV; (5) Do hiểu biết có hạn, cùng với sự nhiễm độc bởi thói quen xấu trong xã hội (thói quen của người Việt trong dạy dỗ con cái thường dùng roi vọt, tát, vả, đấm đá.v.v.); (6) Do chính bị can ngoan cố không chịu khai báo sự thật (là lý do phổ biến), quanh co chối tội, đổi lỗi cho người khác, hoặc khai báo tiền hậu bất nhất, thậm chí có bị can còn lên tiếng thách thức, xúc phạm ĐTV. Trong trường hợp này, ĐTV kém bản lĩnh sẽ dẫn đến nhục hình.v.v…
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy không phải ĐTV nào cũng sẽ dùng nhục hình, và người dùng nhục hình cũng chưa chắc đã “cố ý hành hạ người vô tội” hay cố ý giết người.
Tôi tin rằng, nhục hình là có và rất đáng lên án, phỉ nhổ.
Nhưng tôi cũng tin rằng sẽ không có ĐTV nào muốn dùng nhục hình trong quá trình điều tra, và họ càng không bao giờ mong muốn bị can bị chết trong khi họ thực thi nhiệm vụ. Bởi hơn ai hết, họ biết rõ hậu quả pháp lý sẽ như thế nào, điều gì sẽ đến với họ nếu như bị can bị chết trong quá trình giam giữ hoặc hỏi cung.
Nói một cách dân dã, chả có ai dại gì đánh đổi sự nghiệp của mình bằng cách đánh chết một người, để rồi phải đối mặt với tòa án lương tâm cũng như tòa án hình sự.
Bài học từ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và nay là vụ án Hàn Đức Long đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan điều tra trong quá trình tác nghiệp, và dường như, việc lắp camera tại buồng hỏi cung và cho phép luật sư có mặt trong quá trình hỏi cung được coi như một giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Tôi ủng hộ việc trang bị camera tại buồng hỏi cung và cho phép luật sư có mặt trong quá trình xét hỏi để chống lại hiện tượng bức cung, nhục hình. Nhưng có lẽ, trên hết, giải pháp căn cốt nhất cho vấn đề này vẫn là nâng cao trình độ năng lực cũng như phẩm chất đạo đức cho đội ngũ ĐTV. Bên cạnh đó, việc giáo dục công dân về lòng trung thực, ý thức tôn tọng luật pháp cũng vẫn là giải pháp lâu dài.
Ong Bắp Cày
Bức cung, nhục hình là một tội ác, và nó cũng là biểu hiện của sự bất lực khốn cùng của điều tra viên trước mong muốn tìm ra sự thật của vụ án.
Hiển nhiên là ở đâu đó vẫn có chuyện bức cung, nhục hình trong hỏi cung bị can, vì thế mới có oan sai.
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân