Trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nói bị cáo là giáo sư đầu ngành về tim mạch nhưng nay lại mắc căn bệnh này để “mong nhận được sự phán quyết nhân văn của Hội đồng xét xử”
Ngày 18-4, phiên toà xét xử Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cùng 11 đồng phạm tiếp tục với với phần tranh tụng.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội, trong các năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch với tổng trị giá trên 595 tỉ đồng. Khi thực hiện, bị cáo Tuấn và cấp dưới đã hợp thức hồ sơ thầu để cho Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim và quỹ bảo hiểm xã hội tổng số tiền hơn 53 tỉ đồng.
Tại phiên toà, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng nhất trí với tội danh mà VKSND đã truy tố. Tuy nhiên, luật sư cho rằng quan điểm luận tội và mức án mà VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn từ 4 đến 5 năm tù là quá nặng, chưa phản ánh một cách khách quan hành vi phạm tội của bị cáo này.
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng không phải ngẫu nhiên bị cáo Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho 2 doanh nghiệp trên gửi vật tư để bệnh viện sử dụng trước, rồi hợp thức hồ sơ đấu thầu sau. Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát là khách hàng truyền thống, nhiều năm cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện. Trong đó, Công ty Hoàng Nga cung cấp vật tư cho Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2009. Năm 2012, bị cáo Tuấn về làm giám đốc bệnh viện rồi tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp này.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo tổ chức gói thầu theo hình thức chỉ định rút gọn là sai nhưng việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như kiến thức pháp luật về lĩnh vực đấu thầu còn yếu kém, hoặc do tính chất cấp bách cần có vật tư, thiết bị để khám chữa bệnh trong khi kết quả đấu thầu tập trung của UBND TP Hà Nội chưa triển khai. Trong khi bệnh viện lại đang thiếu vật tư, hóa chất chữa bệnh rất trầm trọng nên đơn vị đã liên tục báo cáo các cấp và đề nghị được mua sắm khẩn cấp với thời gian dự kiến vật tư, hóa chất được mua khoảng 2 – 3 tháng/ lần.
Do đó, luật sư cho rằng các bị cáo có sai phạm do “sức ép, nóng vội” trước tình hình vật tư, hóa chất chữa bệnh đã hết. Do đó, việc bệnh viện xin được mua sắm khẩn cấp theo hình thức chỉ định thầu rút gọn là cấp thiết, là có thật.
Theo luật sư Ứng, nếu mua vật tư nhiều mà người bệnh ít thì lãng phí tiền; nếu bệnh nhân nhiều mà mua ít thì lại thiếu. Tức là bệnh viện không thể chủ động, tính toán, dự liệu một cách tuyệt đối để mua sắm về vật tư chữa bệnh được. “Do đó, khi mua ít mà bệnh nhân nhiều, trong khi thủ tục đấu thầu mua sắm phải theo trình tự, mất rất nhiều thời gian; nhưng việc chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người bệnh là yêu cầu khẩn cấp không thể chờ được” – luật sư nêu quan điểm.
Theo quan điểm của luật sư, có thể lúc này bệnh viện biết mượn là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh, cứu người là trên hết nên họ vẫn chấp nhận làm sai và sẵn sàng chịu chấp nhận rủi ro về mình.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội và các bị cáo trong vụ án đều khai không có thỏa thuận ăn chia. Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn đã nhận trách nhiệm cao nhất vì là người đứng đầu bệnh viện, chủ tịch hội đồng mua sắm.
“Bị cáo là giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính mình lại mắc căn bệnh này. Chúng tôi và ông không muốn nói nhưng trong hoàn cảnh này đành phải nói để mong nhận được sự phán quyết nhân văn của Hội đồng xét xử” – luật sư nêu và kiến nghị tòa sơ thẩm xem xét khi lượng hình.
***
VKSND đề nghị phạt ông Nguyễn Quang Tuấn 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội này, các bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, và Đoàn Trọng Bình cựu Phó phòng Vật tư bị đề nghị 30-36 tháng tù. Hai cựu cán bộ còn lại của bệnh viện là Nguyễn Thị Dung Hạnh và Nghiêm Tuấn Linh bị đề nghị lần lượt 24-30 tháng tù và 36-42 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga, bị đề nghị 3 năm 6 tháng – 4 năm tù; Phan Tuấn Đạt, cựu chủ tịch HĐQT, phó giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát, 24-30 tháng tù treo. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 36 tháng tù giam.
Nguồn: Nguyễn Hưởng
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố