(ĐCSVN) – Nhiều ngày qua, dư luận xã hội đang quan tâm đến vụ việc PGS.TS Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Dược (Đại học Thái Nguyên) “phán xanh rờn” với một thương lái gỗ rằng, có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng! Nhiều người nhận định rằng: Cũng có “khơ khớ” tiến sĩ kiểu như thế này, nhưng chưa bị bại lộ.
Phát ngôn gây sốc tại ĐH Y Dược Thái Nguyên “Có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng”.
Nếu là Bác sỹ y khoa hay dược sĩ mà lấy bằng tiến sĩ kiểu này, đã là không chấp nhận được. Thế mà thương lái gỗ lại có thể lấy bằng tiến sĩ với giá 200 triệu đồng có lẽ “không còn gì để nói”. Cả xã hội lên án, buồn đau, lo ngại về nền giáo dục nước nhà, chả lẽ lại “xuống cấp” đến mức đó hay sao? Cũng không thể “vơ đũa cả nắm được”, có rất nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ học tập, nghiên cứu khoa học thực sự đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cụ thể có bao nhiêu tiến sĩ 200 triệu đồng như thế này, thì chỉ có “trời biết, đất biết”. Nhiều người bàn luận: Có “khơ khớ” tiến sĩ kiểu này nhưng chưa bị bại lộ.
Phải nói, đây là chuyện buồn không muốn nói thêm liên quan đến ngành Y vốn đã rất “sóng gió”. Nhiều người thầm nghĩ, không biết có phải hoạt động ở vùng xa “mặt trời” hay không mà có học hàm, học vị đến cỡ ấy, họ “coi mạng người là gì” mà dám cả gan làm liều?, bởi với một người tạm gọi là ở tầng tri thức “bậc cao” như ông sẽ thừa biết thông tin trước đó khoảng một tuần, cơ quan chức năng của Thanh Hóa đã có kết luận về vụ nộp tiền “chống trượt” thi Cao học ngành Quản lý kinh tế, trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) của 40 học viên ở tỉnh này, với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng làm chấn động dư luận, một tiền lệ chưa từng có trong hoạt động đào tạo.
Điều dư luận lấy làm tiếc và ngạc nhiên nhất là lời kì kèo giá cả không phải là từ miệng mấy người buôn, mà lại là phát ngôn có chủ đích của một người có học hàm, học vị đàng hoàng.
Từ sự việc mới phát giác, một cảm giác ảo ảnh bằng cấp bấy lâu nay trong mỗi chúng ta tựa bong bóng nổ toang. Hóa ra cái gì cũng có thể giải quyết bằng tiền, nhiều kẻ còn nghĩ học cao quá dễ, có tiền cái gì chẳng có, cặm cụi đèn sách làm gì cho…rõ khổ. Việc ấy hẳn khiến bao người có bằng cấp, học vị đàng hoàng phải xót xa thay, khi đổ bao tâm lực, thời gian, chi phí để đợi đến ngày tốt nghiệp, để nâng niu những tấm bằng học vị cao quý. Thương cho Cụ Trần Tế Xương, lận đận trong cái nghiệp “lều chõng”. Thưa Cụ Trần Tế Xương, bây giờ họ mặc cả với nhau như mua rau cá ở chợ, cứ có 200 triệu đồng là lái gỗ cũng có thể có bằng tiến sĩ y khoa, sao mà chua chát thế!.
Tay lái gỗ dù là hư hay là thực đi nữa không còn quan trọng. Bởi gã đã hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh” của mình: Làm sáng tỏ một nghi vấn khủng khiếp mà xưa nay người ta không dám tin là thật.
Và khi anh lái gỗ được đào tạo siêu tốc “không học ngày nào” trong ngành Y mà “nổi hứng” cứu người, giương oai với thiên hạ rằng “ta đây là Tiến sĩ”, thì hậu quả sẽ thế nào? Sẽ có bao người vô phúc phải ngậm đắng oan ức xuống mồ cho đến khi cái bằng “tiến sĩ 200 triệu” bị lật tẩy?
Chúng ta thật không dám nghĩ đến cái hệ quả khủng khiếp, khi mà cái ông tiến sĩ ấy ra hành nghề.
“Cái kim lâu trong bọc cũng có ngày cũng lòi ra”, kiểu như chuyện y tá tiêm nhầm vắc – xin với thuốc gây mê cho trẻ sơ sinh, bác sĩ khi phẫu thuật ruột thừa thì cắt thận; cắt thận trái thì thành thận phải, thậm chí cắt luôn cả 2 cho… chắc. Những sai sót này chỉ người không biết gì về chuyên môn mới mắc phải!
Việc này rõ ràng liên quan đến chất lượng bằng cấp, nên từ lâu, ở ta tồn tại một bất cập khó hóa giải: Học hàm học vị thì nhan nhản, song nghe chừng chất lượng lại khó kiểm định. Điều đó được chứng minh qua thực tiễn là bằng cấp học vị của ta ít được quốc tế thừa nhận.
“Có cung ắt có cầu”, đó là quy luật. Chúng ta có thể thấy thời gian qua không thiếu chuyện những vị quan chức bị “ngã ngựa” vì việc xài bằng giả. Có người cần bằng cấp để cầu thăng tước, cũng có người sắm cái bằng để đi đâu được xướng lên cho kêu, cho bóng bảy tên tuổi. Thậm chí muốn trội hơn, một quan chức còn xài cả bằng cấp tầm quốc tế nhưng giả, hòng lòe thiên hạ.
Việc bằng giả đã gây bao hệ lụy cho xã hội như: Gây mất công bằng cho xã hội, gây nguy hiểm cho xã hội. Như một người học lái xe qua sát hạch thực tế, khi điều khiển phương tiện xe thuần thục hơn, ít tai nạn hơn so với các trường hợp bỏ tiền mua bằng. Rồi những quan chức có chút chức sắc lại dùng bằng giả để thăng tiến, vừa ít bị soi, mà lại cạnh tranh “hiệu quả” với những vị dày công đi học….
Bàn về câu chuyện bằng giả, nhân vụ rao bán bằng Tiến sĩ Y khoa giá 200 triệu đồng hãy còn dài dài. Có thể thấy hành động thương mại hóa bằng cấp của vị phó giáo sư nọ, nếu không bị phát giác, sẽ có một lượng không nhỏ nhân lực đen gây hậu quả xấu cho xã hội. Chúng ta cần đấu tranh mạnh mẽ để thanh trừng tệ nạn này.
Theo số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ…, trong đó thì chỉ có 9.562 tiến sĩ giảng dạy ở trong các trường ĐH, CĐ. Còn lại gần 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp… Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là trong số 15.000 tiến sĩ đó, thì nhiều người chỉ muốn có tấm bằng để trang trí làm căn cứ thăng quan, tiến chức…
Chúng tôi nghĩ chỉ nên đào tạo bậc tiến sĩ cho những người làm công tác giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng và ở các cơ quan nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn và thi cử phải thật nghiêm túc. Cần quyết liệt hơn trong việc thanh tra, kiểm tra để chấm dứt nạn “bằng thật”, “kiến thức đểu” để thăng quan, tiến chức, gây nguy hại cho xã hội.
Trước vụ việc trên, mỗi chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi day dứt tâm can rằng: Hiện nay, trong số 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ thì có bao nhiêu phần trăm là thật ? Ai sẽ là người thẩm định lại được số bằng cấp này? Nếu làm được, chúng ta sẽ bắt những bằng cấp dỏm phải hiện nguyên hình để nó không còn ảnh hưởng và hủy hoại giá trị của các học vị, bằng cấp thật của các cơ sở đào tạo./.
Trần Quang Chiến
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân