“Nếu ai đó mang 1.000 tỷ đi xây chùa vì sợ sau này chết bị quăng vào vạc dầu trong lúc anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng đang đói khát đau khổ cần sự trợ giúp mà anh ta không trợ giúp thì đấy không phải là sự tử tế“- nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc bàn tròn về chủ đề “Sống tử tế” với nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, phó tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á-Phi và thạc sỹ Lê Quang Bình, viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.
Nhà báo Thu Hà: Tôi có một anh hàng xóm hay thịt lợn, thịt chó. Gần đây không thấy anh ấy làm thế nữa, tôi hỏi tại sao thì anh ấy kể, mới đi xem bói và ông thầy bảo nếu không dừng lại sau này sẽ gặp quả báo. Câu chuyện của anh đó khiến tôi nhớ lại báo chí từng đưa chuyện về các nhà hảo tâm ẩn danh, ẩn tích làm từ thiện như một bổn phận chia với những thân phận thiệt thòi và cũng báo chí cũng không ít lần công khai một số người khác từ thiện vì muốn được nổi tiếng hay vì lý do giống như anh hàng xóm nhà tôi. Theo các vị, có sự khác nhau giữa những hành động đó không?
Ông Nguyễn Quang Thiều: Trong cuộc sống, chỉ có duy nhất một tử tế thôi, không có 2 tử tế, 3 tử tế đâu. Nghĩa là tử tế của một lãnh đạo cũng ngang bằng sự tử tế của một người nông dân. Đây là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Có những người bây giờ nghĩ việc mình là bé nhỏ quá, không nên làm….
Nghĩ như thế là không phải. Vì tử tế của một người có thể cứu một dân tộc. Công trạng là việc khác còn sự tử tế nó chỉ có một nghĩa là người ta làm điều tốt cho một người bên cạnh hoặc một cộng đồng rộng lớn của anh ta thì anh ta là tử tế.
Một người nuôi một đứa trẻ mồ côi, cũng tử tế như một người bỏ tiền ra nuôi một vạn đứa trẻ mồ côi.
Tôi quan niệm về sự tử tế chỉ đơn giản thế này: nếu ai đó mang 1.000 tỷ đi xây chùa vì sợ sau này chết bị quăng vào vạc dầu trong lúc anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng đang đói khát đau khổ cần sự trợ giúp mà anh ta không trợ giúp thì đấy không phải là sự tử tế.
Các cụ nói vẫn đề cao việc “tu tại gia”, ý là con người phải biết yêu thương, biết chia sẻ, có lòng nhân ái và bao dung với những người ở ngay cạnh chúng ta chứ không phải anh ta chỉ tìm cách nhân ái với toàn nhân loại.
Sự tử tế ở một góc nhỏ trong một ngôi làng bé ngang bằng với sự tử tế của mẹ Teresa hay của Bill Gates. Đừng tưởng một người chăm chút một cây non trong một góc rừng xa xôi không quan trọng bằng một người làm sạch toàn bộ thành phố.
Ông Lê Quang Bình: Điều chị Hà đề cập chính là động cơ để chúng ta quyết định có thực hiện hành vi tử tế hay không.
“Việc ai đó bớt nghĩ đến bản thân để nghĩ rộng hơn cho người khác thì đó là sự tử tế”
Có thể người hàng xóm của chị dừng việc thịt chó, thịt lợn vì anh ấy đã ngộ ra việc lâu nay mình sát sinh sau này có thể bị quả báo. Động cơ của anh ta khi đó mặc dù chỉ vì bản thân anh ta nhưng được chấp nhận, vì hành vi đó không gây hại cho ai.
Tôi quay lại cái gọi là lòng vị tha mà chúng ta bàn trong kỳ 1. Trong mỗi người đều có năng lực để tư duy và hành động theo mong muốn của người khác. Việc ai đó không chỉ nghĩ đến bản thân mà nghĩ rộng hơn cho người khác thì đó là sự tử tế.
Để có được hành vi như vậy, mấu chốt vẫn nằm ở môi trường giáo dục (gia đình – nhà trường – xã hội). Làm sao chúng ta có thể tạo ra một môi trường để từng cá nhân, từng con người học hỏi và rèn luyện nên những giá trị đó, làm sao để trong xã hội ngày càng có nhiều hơn lòng trắc ẩn, có nhiều hơn những người biết bao dung. Khi nhiều người cùng làm được như vậy tự khắc sự tử tế sẽ quay trở lại với xã hội chúng ta.
Ông Nguyễn Quang Thiều: Vừa rồi có một chương trình của Bộ văn hoá thể thao và du lịch tổ chức rất xúc động là “kêu gọi mỗi gia đình hãy tạo dựng một bữa cơm thân mật và yêu thương” tôi cho rằng điều này vô cùng nhỏ nhưng hệ trọng vô cùng.
Một trong những điều kỳ diệu trong các bữa ăn, đặc biệt bữa ăn tối trong mỗi gia đình sẽ tạo ra sự gắn kết các thành viên sống trong gia đình đó. Đó là lúc để mọi người chia sẻ cảm xúc, chia sẻ vui buồn và cùng học hỏi lẫn nhau.
Tại bữa ăn tối, thông qua ẩm thực, ông bà, cha mẹ, anh chị, con cái có thể truyền tải qua đó một sự giáo dục rất tinh tế. Tôi thường kể cho các con tôi nghe và người cùng ăn nghe những câu chuyện về cuộc đời, về cuộc sống.
Trong những bữa ăn đó, không chỉ là ẩm thực, ở đó còn chứa đựng các câu chuyện ký ức, lịch sử và chứa đựng cả hình bóng những người thân yêu đã khuất trong gia đình liên quan đến món ăn. Trong các bữa ăn ở gia đình, tôi vẫn thường kể cho người cùng ăn về món bánh khúc của bà nội tôi, món canh hến của mẹ tôi…
Trong một dịp nói chuyện với sinh viên, họ hỏi tôi rằng hãy nói cho anh ta về một bí mật quan trọng trong cuộc đời có thể đưa anh ấy đến hạnh phúc. Tôi trả lời bạn ấy thế này: Tôi mách các bạn một bí mật mà tôi chưa nói với ai cả. Đó là, “hãy sống với bố mẹ mình càng nhiều thời gian càng tốt”.
Thế hệ trẻ ngày nay muốn sống độc lập. Tính độc lập và sự gắn kết với cha mẹ ông bà là việc khác hoàn toàn. Độc lập không có nghĩa phải rời cha mẹ, rời ông bà. Tôi đã sống trong nhiều gia đình phương tây, tôi đã quan sát họ, hỏi họ và nhận ra bí mật của họ cũng là “hãy sống với ông bà, cha mẹ càng nhiều thời gian càng tốt”. Điều trước nhất của mỗi con người là hãy tạo ra một gia đình tử tế, rồi cùng nhau tạo ra một xã hội tử tế.
Nhà báo Thu Hà: Tôi không nhớ ai đó bảo rằng, “chỉ có súc vật thì mới quay lưng lại với cái nỗi đau khổ của con người để chăm lo cho bộ lông, bộ da của mình”. Vậy làm sao cho số người sẵn sàng làm các điều xấu ngày càng bớt dần đi trong môi trường xã hội đầy thực dụng ngày nay?
Ông Lê Quang Bình: Cá nhân tôi cho rằng con người sinh ra có cả hai đặc tính. Tuy nhiên, trong mỗi con người đều có mong muốn hướng thiện, mà ta gọi là thiện ý. Điều quan trọng làm sao khơi mở và phát huy được nó ra, làm nền tảng mỗi khi quyết định hành động.
Nhà báo Thu Hà: Làm sao để có thể vượt qua tính vị kỷ cá nhân?
Ông Lê Quang Bình: Để cho cái tôi hướng thiện trở thành sự thật và không chỉ dừng lại ở tiềm năng phụ thuộc và từng cá nhân và cá nhân đó lại phụ thuộc vào môi trường sống mà chúng ta đang có.
Nhân đây tôi rất muốn nhấn mạnh lại môi trường giáo dục. Làm sao phải xây dựng được môi trường để có thể tạo ra những con người biết tự chịu trách nhiệm, biết tự định hướng và làm chủ hành vi của mình.
Có như vậy họ mới tự ý thức nên hướng thiện như thế nào, theo cách nào. Bên cạnh đó, việc tạo ra môi trường để mọi người có thể dũng cảm lên tiếng phản đối lại những hành vi không tử tế. Ví dụ, chúng ta không nên thoả hiệp với các hành vi như là vượt đèn đỏ hoặc là vứt rác ra đường, hoặc lớn hơn là sự chèn ép, dẫm đạp lên đồng nghiệp trong cơ quan hoặc là sự bất minh trong pháp luật.
Tôi luôn luôn tin rằng khi mà nhiều người cùng làm việc tốt, cùng nói về cái tốt nhiều hơn thì cái tốt, cái đẹp theo đó sẽ trở thành phổ biến. Ngược lại, khi chúng ta tập trung nói về cái ác nhiều quá, truyền thông nhiều quá và thành ra chúng ta nghĩ rằng cả xã hội là xấu hết và vô hình chung chúng ta tạo ra hình ảnh sai lệch trong xã hội.
Chính vì vậy tôi nghĩ rằng những người tốt cần lên tiếng nhiều hơn và truyền thông cũng cần dành nhiều thời gian hơn để nói về sự tử tế. Hãy cùng nhau chứng minh rằng sự tử tế vẫn thắng thế sự xấu xa. Bắt đầu từ từng con người, từng chúng ta thực hành hành vi tử tế, cùng nhau truyền cảm hứng cho người khác.
Nhà báo Thu Hà: Thưa anh Quang Thiều, liệu anh có lạc quan không trong cái bối cảnh xô bồ hiện nay. Điều gì khiến anh tin rằng chúng ta có thể đẩy cho ranh giới của khu phố tốt đẹp lấn sâu hơn vào khu phố của sự xấu xa?
Ông Nguyễn Quang Thiều: Nếu không lạc quan thì tôi không đến đây để nói điều này.
“Khi có một ai đó họ phàn nàn, lên án một điều xấu xa tức là họ đang bắt đầu hành động cho một sự tử tế”.
Tôi chắc chắn đâu đó đang có người về sự tử tế. Khi có một ai đó họ phàn nàn, lên án một điều xấu xa tức là họ đang bắt đầu hành động cho một sự tử tế.
Không phải chỉ có chúng ta nói về sự tử tế, mà ngay lúc này có một người bán hàng ở chợ Hôm, một vị lãnh đạo trên chính phủ, hay quốc hội cũng đang nói về sự tử tế. Tuy nhiên nó sẽ hiệu quả hơn, nó sẽ mạnh mẽ hơn, nó sẽ đúng hơn và nó sẽ nhanh hơn khi lời nó buông ra thì hành động tức khắc.
Và trong khi chúng ta trăn trở vì cái xấu bao trùm thì đâu đó ngoài kia, trong một quán cà phê, tại một công sở, trong một hội trường, trên một chuyến xe…. đang có người hành động tử tế. Chúng ta phải có những chính sách cụ thể, những đường lối cụ thể, những luật pháp cụ thể và mạnh mẽ để ủng hộ cho sự tử tế.
Lúc 10h đêm tại một đường phổ nhỏ ở Singapore có một người trẻ nhai kẹo cao su khoác balo, tai nghe nhạc dừng lại đợi chờ đèn xanh rồi mới vượt qua mặc dù 4 phía không có phương tiện giao thông nào cả. Anh ta biết, có thể chậm một phút nhưng anh ta sẽ đến tương lai nhanh hơn, còn chúng ta vì mải chen chúc, dẫm đạp lên nhau nên cứ chậm mãi.
Trước đây tôi có bài viết bài phê bình nhân dân vượt đèn xanh đèn đỏ, nhân dân không thích công an. Nhưng thử nghĩ, nếu một ngã tư không có cảnh sát giao thông nhân dẫn sẽ chen chúc nhau như thế nào, chà đạp nhau như thế nào, chửi bới nhau nhau như thế nào và tắc nghẽn sẽ xảy ra hàng loạt.
Trong khi đó, lúc 10h đêm tại một đường phổ nhỏ ở Singapore có một người trẻ nhai kẹo cao su khoác balo, tai nghe nhạc dừng lại đợi chờ đèn xanh rồi mới vượt qua mặc dù 4 phía không có phương tiện giao thông nào cả. Anh ta biết, có thể chậm một phút nhưng anh ta sẽ đến tương lai nhanh hơn, còn chúng ta vì mải chen chúc, dẫm đạp lên nhau nên cứ chậm mãi.
Về cái sự tử tế buộc mỗi người dù trước đó lầm lạc, có những hành động không tử tế hãy tự giác tìm cách làm điều gì đó tốt hơn, ít nhất là một nụ cười thân thiện với những người anh ta từng không thân thiện và anh ta hướng theo đó từng bước. Xin nhắc lại rằng, để ai đó có thể cúi lưng xuống để nhặt cái rác người khác vứt ra đường có thể mất 100 năm giáo dục, khai sáng. Còn việc ném một cái rác xuống đường chỉ cần một phần tư giây.
Tốc độ của tội ác trong xã hội chúng ta tăng lên một cách chóng mặt, tăng lên ngoài trí tưởng tượng của anh Bình, của chị Hà, và của tôi cách đây 10 năm; ngoài trí tưởng tượng của chúng ta cách đây 20 năm; gây ra kinh hoàng cho những người sống cách đây 30 năm, họ không bao giờ tưởng tượng một ngày trên cái mảnh đất này, trong ngôi nhà này con có thể giết cha, vợ có thể giết chồng. Trước kia chỉ những kẻ mắc bệnh tâm thần, thì mới làm chuyện đó.
Chúng ta đã nghe những chuyện về nhà chùa, chúng ta đã nghe những chuyện về nhà trường và chúng ta đã nghe những chuyện trong gia đình nữa. Ba ngôi nhà này như cái kiềng 3 chân. Nếu một trong 3 ngôi nhà này bị phá vỡ thì hệ thống xã hội sẽ có nguy cơ phá vỡ dù đó là xã hội phương tây hay phương đông; xã hội phong kiến hay văn minh; xã hội làng xã hay đô thị.
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị độc giả, thưa hai vị khách mời, thời gian của cuộc tọa đàm hôm nay đã hết. Đồng cảm với những chia sẻ của hai vị khách mời hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu làm người tử tế bằng việc nói nhiều hơn những lời cám ơn – xin lỗi; hãy bắt đầu nhiều hơn những lời khen tặng thay vì nhăm nhăm chỉ trích, bới móc lẫn nhau. Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong các cuộc bàn tròn tiếp theo của Tuần Việt Nam.
Ảnh: Lê Anh Dũng
(Tuần Việt Nam)
http://m.tuanvietnam.net/2014/09/nghin-ty-lieu-co-mua-duoc-su-tu-te/
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố