1. Nhớ mãi một lần, có đứa bạn ngồi bàn sau bị băng ghế dài đổ vào chân. Đau quá, nó không kêu nhưng nước mắt trào ra. Ngày ấy cách nghĩ của tôi rất đơn giản và ngu ngốc là dẫu mình có hỏi han nó thì cũng chẳng làm nó bớt đau đi, vì thế không cần phải hỏi, một lúc cơn đau sẽ tự qua thôi. Bao nhiêu năm qua đi, đứa bạn bị đau là nó có lẽ đã quên chuyện ấy từ lâu rồi, còn người không bị đau là tôi thì vẫn ân hận, day dứt mãi vì cách suy nghĩ thiển cận của mình. Ngày ấy, tôi không nghĩ được rằng, nó khóc không chỉ vì đau mà còn vì có những đứa bạn thờ ơ, lãnh cảm như tôi.
2. Một lần khác, khi tôi đã laà sinh viên rồi mà vẫn còn cư xử hời hợt, vô tâm không kém. Đó là ngày lễ noel, có một đứa bạn cũ hồi cấp 3 gửi buư thiếp chúc mừng cho tôi qua đường bưu điện. có lẽ nó định gây bất ngờ và thêm chút lãng mạn cho cuộc sống của tôi nên không trao thư tay dù hai đứa đang học cùng trường, ở cùng một khu kí túc xá. Thế mà đáp lại nó là sự im lặng tuyệt đối của tôi, không một lời cảm ơn, không một câu hồi đáp rằng” tao đã nhận được món quà của mày.” Chẳng là dạo ấy xung quanh tôi có nhiều bạn mới quá, nhiều người yêu quý tôi quá nên thêm một món quà của người bạn cũ cũng chỉ là chuyện bình thường, không có gì phải xúc động cho lắm. Nỗi ân hận cứ theo tôi mãi đến gần đây mới có dịp được bộc bạch lòng mình với nó để xua đi cảm giác có lỗi năm nào.
3. Một đứa bạn thân của tôi rất thích làm thơ. Thơ của nó không hẳn là hay nhưng có nhiều hình ảnh mới lạ và độc đáo đến khó hiểu. Nó thường hay giấu diếm bạn bè cho tôi đọc đầu tiên. tôi không nhớ rõ lúc đó mình có nói gì không, chỉ biết chắc là tôi chưa bao giờ tin tưởng vào tài làm thơ của nó nên cũng chưa bao giờ khích lệ hay truyền cảm hứng cho nó tiếp tục sáng tác. Bây giờ khi tập tành viết lách tôi mới hiểu được cảm giác của người thích viết là như thế nào. Tôi muốn nói với nó một câu động viên, khích lệ quá chừng nhưng nó đã chẳng còn trên đời để nghe những lời “vàng ngọc” của tôi nữa rồi. Ôi thật đáng thương cho cái sự tự nhận thức quá đỗi muộn màng của tôi.
4. Chưa hết, có một sai lầm ám ảnh tôi ghê gớm nhất. Đó là chuyện bố đứa bạn của tôi bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Tôi với nó thân nhau vô cùng nên khi nó gặp chuyện buồn bã, đau lòng như thế, tôi không thể đứng ngoài được. Đêm ấy, tôi rủ mấy đứa nữa ở lại nhà nó để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ. Nhà có đám, không ngủ được, nên thỉnh thoảng mấy đứa tôi lại quay ra trò chuyện với nhau mà không hề nghĩ rằng đứa bạn đang thiêm thiếp trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê nằm kia cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu về điều đó. Sau này khi mọi chuyện đã qua đi, nó nói với tôi rằng “thà đêm ấy mày đừng ở lại thì hơn.” Một câu trách móc nhẹ nhàng hay là một lời kết án đanh thép cho sự vô tâm, nông cạn của tôi.
Kết. Tất cả, tất cả những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy, đủ sức góp thành một nỗi ân hận lớn trong tôi. Bất cứ khi nào cũng có thể biến thành đám mây đen kéo về đầy tâm trí. Nếu không tự nhận ra để sửa chữa có lẽ chẳng mấy chốc tôi sẽ là người dửng vô cảm trong mắt hết thảy mọi người. Nhờ vậy, tôi cũng thấm thía một điều: khi mình đối tốt với một ai đó thì rất dễ để quên đi nhưng khi mình cư xử không phải với người khác thì sẽ ân hận mãi, thậm chí là suốt đời.
Nguồn: Triết học đường phố
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga