QUYỀN LỰC CỦA NHÀ BÁO ĐIỀU TRA

Người xem: 144

“Cái tạo nên quyền lực của nhà báo, vì thế, là những tư tưởng mà họ theo đuổi chứ không chỉ một vài bài báo điều tra cho dù tưởng như lở đất long trời.”

QUYỀN LỰC CỦA NHÀ BÁO ĐIỀU TRA

Một bài điều tra, rất có thể là khởi đầu để hất ai đó khỏi ghế, đưa họ vào tù, phá tan tành sự nghiệp của một người, tùy vào mức độ sai phạm, khả năng quan hệ, chạy thuốc của họ và sự kiên quyết của cơ quan xử lý.

Vì thế, các nhà báo điều tra rất dễ ảo tưởng về quyền lực.
Đôi lúc, mục đích của người cung cấp thông tin chỉ dừng lại ở tầm “vô hiệu hóa” đối thủ trong một thời điểm, chỉ cần bung tài liệu ra để có bài báo và sau đó là một cuộc thanh tra kéo dài để ai đó vuột mất cơ hội được cơ cấu, đề bạt hay buộc một doanh nghiệp rời bỏ một gói thầu… Nhà báo, có thể vô tư, cũng có thể không vô tư khi thực hiện bài báo. Nhưng có một điều chắc chắn là nhà báo không kiểm soát được hậu quả (hoặc kết quả) do bài báo gây ra. Anh có thể tìm đạn, có thể được ai đó tiếp đạn và chỉ mục tiêu để bắn, nhưng mức độ thương vong thì ngoài tầm kiểm soát của xạ thủ.

Một bài điều tra công phu, tấn công vào một tệ trạng, có sự kiểm soát tốt, thì nó mang màu sắc hành hiệp vì cộng đồng. Một bài điều tra bất vụ lợi nhưng do cả tin, thì cũng như một đứa to tay ngắn não được ai đó vỗ vai: Thằng ấy xấu, chú tẩn nó một trận cho anh, thế là bụp. Còn những bài điều tra đi kèm điều kiện thì khác nữa.

Nhà báo điều tra có quyền không? Quyền tới đâu?

Quyền có, nhưng rất phù du.

Cái gọi là quyền lực của nhà báo điều tra không chỉ được tạo nên bởi năng lực của nhà báo đó, mà bởi bốn yếu tố: Uy tín của tờ báo; năng lực của nhà báo; sự kém minh bạch thông tin của xã hội; sự sợ hãi của đối tượng và những kẻ có nguy cơ trở thành đối tượng điều tra của báo chí.

Rất tiếc, sẽ mất một thời gian dài, có khi phải trải qua sự trả giá, để một nhà báo có thể ý thức đầy đủ về điều này. Không ít nhà báo ảo tưởng rằng tất cả là do quyền lực cá nhân của mình. Họ nghĩ chính họ làm nên thương hiệu của tờ báo nhưng quên rằng một bài điều tra chỉ có thể thực hiện và đăng tải khi có một bệ đỡ tốt từ Ban biên tập và tòa soạn; họ nghĩ xã hội đón nhận các bài điều tra đình đám của họ tức nhiên họ là người hùng, mà quên rằng sự đón đợi ấy là do lâu nay thông tin bị bưng bít, tạo nên sự khát khao minh bạch trong tâm lý xã hội và bài báo của họ thỏa mãn một phần sự khao khát đó. Một con đập có thể bị vỡ vì một hang cua, nhưng đó là do thế năng của nước chứ công lao của con cua thì cũng không vĩ đại hơn những con cua khác.

Quên đi điều này, nhà báo sẽ hành xử bất xứng với quyền lực bé mọn của mình.

Lâu lâu, vẫn có người dùng từ “đánh” khi nói về bài báo điều tra của mình: Tao vừa đánh chủ tịch X, Giám đốc Y, Bí thư Z. Vâng, đánh và đánh chết, điều ấy có thật. Nhưng ba ông X,Y, Z ấy không sống một mình, họ có bạn bè thân hữu cùng nhóm, những người ấy vừa thù hận, vừa ghét, vừa sợ bạn, và họ không thích sống trong sợ hãi. Họ muốn và có khả năng “giải quyết” bạn hơn là chờ bạn giết họ. Đôi khi nhà báo quên đi điều lẽ ra phải nhớ này.

Quyền lực của nhà báo điều tra vốn nhỏ nhoi, càng trở nên rất giới hạn cả về không gian và thời gian. Thử rời tờ báo nơi bạn tạo nên tên tuổi, là mất đi 50% công lực. Và phần còn lại thì thuộc về bạn đọc. Bạn đọc là người nuôi dưỡng, là ân tình, là người tung hô bạn. Nhưng chỉ ba tháng không xuất hiện đủ cho nhiều bạn đọc quên tiệt bạn để nhớ vú Ngọc Trinh hay mông Trà My.

Đời sống một bài báo rất ngắn, chỉ những nhà báo có tầm, có tư tưởng thì đời sống ấy mới dài ngay khi họ đã rời cơ quan báo chí. Cái tạo nên quyền lực của nhà báo, vì thế, là những tư tưởng mà họ theo đuổi chứ không chỉ một vài bài báo điều tra cho dù tưởng như lở đất long trời.

Vậy một nhà báo nên xem nghề của mình như thế nào?

Như mọi nghề thôi, là làm việc chăm chỉ, chịu khó rèn cho giỏi chuyên môn, mang đến những thông tin hay ho, hấp dẫn, chính xác và có ích; có thu nhập để sống, ấy đã là chuyên nghiệp rồi.

Bóng đá chuyên nghiệp khác bóng đá phong trào ở chỗ là cầu thủ phải sống được bằng nghề, nghề báo cũng thế. Hai mươi mấy con người trên sân đâu phải ai cũng là ngôi sao, và có vô địch thì cũng đừng quên rằng cái cúp ấy được trao cho toàn đội bóng. Quyền lực tới đâu, một cầu thủ ngôi sao cũng hông thể ra sân đá một mình mà ẵm giải.

(Copy của nhà báo Đức Hiển)

Nguồn: https://www.facebook.com/caudghoanh/posts/421808097987319

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *