Khai mở tuyến đường chở vũ khí trên biển

Người xem: 151

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con Hải Dương đã dành trọn thanh xuân trên các chiến trường đặc quánh khói bom, thuốc súng để hôm nay, chúng ta gặp những người con ưu tú đã bám trụ, khai phá con đường mòn huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh trên biển.
 

Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức về những đoàn tàu không số vượt biển mang vũ khí vào Nam luôn được người lính cơ yếu Nguyễn Công Viên ghi nhớ

Ông Nguyễn Công Viên mặc sẵn bộ trang phục hải quân với quân hàm đại úy, chờ tôi trong ngôi nhà nhỏ yên tĩnh của mình ở khu dân cư Chế Biến, phường Bến Tắm (Chí Linh). Màu áo hải quân đã theo ông suốt đời quân ngũ và đến giờ, đã bước sang tuổi 76, mỗi khi có dịp ông vẫn trang trọng khoác lên mình.
 
12 năm quân ngũ thì cả 12 năm ông Viên bám biển, bám tàu. Chuyến đi năm 1972 là dấu ấn sâu sắc nhất, không chỉ với cuộc đời ông mà còn cả với lực lượng quân đội khi nói về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Thời điểm đó, tuyến vận tải vũ khí trên biển từ Bắc vào Nam đã bị lộ, buộc phải tìm một tuyến đường mới. Thế nên chuyến đi mà ông Viên tham gia với vai trò chiến sĩ cơ yếu ấy là chuyến khai mở một hải trình mới cho các chuyến tàu sau.
 
Trước chuyến đi đặc biệt này, ông Viên dặn một người đồng đội: “Nếu tôi chết, hãy về bảo cô ấy lấy chồng”. Năm 1971, tranh thủ cắt phép về quê cưới vợ rồi quay lại đơn vị, ông và người vợ trẻ chưa kịp có con. Ông dặn như thế, phòng khi mình không trở về. Vì với lính tàu không số, mỗi khi bước xuống tàu luôn xác định đó là chuyến cuối cùng!
 
Đêm 21.1.1972, V625 – con tàu dầu của Đức từ vịnh Hạ Long bí mật tiến ra vùng hải phận quốc tế. Đêm đó gió mùa dữ dội, con tàu như chiếc lá tre bị sóng lừng quăng lên quật xuống. Chuyến tàu không số đó chở 30 tấn vũ khí đi trong đêm đen đặc quánh. Tất cả cửa sổ đã được kéo rèm. Theo yêu cầu của tổ chức, khi cách bờ biển Cà Mau khoảng 1 km, tàu sẽ neo chờ lệnh để thả hàng xuống biển. Nhưng thay vì đi theo hải trình cũ trong biển Việt Nam, lần này, tàu theo mạn nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi men theo vùng biển Hồng Kông, qua Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore theo hình “chữ C ngược” để vào vùng biển Cà Mau.
 

Suốt từ năm 1961 – 1972, các đoàn tàu không số đã khai phá con đường huyền thoại trên Biển Đông, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí chi viện khắp các chiến trường (ảnh tư liệu)

Trên đường đi, con tàu dù đã hóa trang nhưng nhiều lần bị máy bay Mỹ áp sát chụp ảnh mạn phải, mạn trái, mũi tàu, khoang lái và phát loa kêu gọi chiêu hàng, chúng nghi ngờ đó là tàu của ta đang trên đường tiếp vận. Khi đó, hễ tàu qua vùng biển quốc tế gần nước nào thì treo cờ nước ấy. Khi qua vùng biển gần Indonesia, tất cả 21 người trên tàu mặc áo hoa giống như họa tiết trên trang phục của người dân ở đó.

 
Trên chuyến đi, tất cả cán bộ, chiến sĩ liên tục được quán triệt khẩu lệnh nếu bị bắt hoặc cướp biển chiếm tàu: Chúng tôi là Việt Nam sang châu Phi chở dầu, không may xảy ra thế này, nhờ các quý ông báo cho sứ quán Việt Nam giải quyết!
 
Đến ngày thứ 18, khi đã vào vùng biển Cà Mau, nhìn thấy hải đăng Hòn Khoai nhưng không có lệnh vào thả hàng, tàu buộc phải neo lại và hóa trang thành tàu giăng câu, thả lưới. Không có lệnh thì không được vào, từ chỉ huy cho đến chiến sĩ đều sốt ruột với đủ các tình huống đặt ra. Thế rồi có tín hiệu – 20 bức điện mật đến dồn dập. Ông Viên phân loại và ưu tiên dịch bức điện gần nhất, có nội dung: “Bến hiện nay bị địch bao vây, tàu quay về Bắc ngay”.
 
Tàu buộc phải trở về theo hải trình cũ, đến vùng biển Philippines thì đúng mùng 1 Tết. 28 ngày kể từ khi xuất phát, tàu về vịnh Hạ Long vào ngày 19.2.1972. Dù không giao được hàng, song chuyến đi ấy đã mở ra một tuyến hàng hải mới để cho các con tàu không số tiếp tục hành trình vượt biển mang vũ khí vào Nam.
 
Trên các đoàn tàu không số thuộc Đoàn 759, sau này là Lữ đoàn 125 hải quân, Hải Dương có khoảng 70 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, vận chuyển vũ khí vượt biển vào Nam.
 
Trong số những chàng trai năm ấy, nhiều người trở về không lành lặn. Theo thống kê của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Hải Dương, có 3 đồng đội của họ là liệt sĩ. Thiếu úy Phạm Chuyên Nghiệp (sinh năm 1930), quê ở thôn An Lão, xã An Thanh (Tứ Kỳ), hy sinh năm 1967 khi đang là thuyền phó Lữ đoàn 125. Thủy thủ, thợ máy tàu 609 Trần Danh Thọ, thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), hy sinh năm 1972 khi vừa tròn 20 tuổi.
 
Đặc biệt, trong số liệt sĩ người Hải Dương có thượng sĩ, thợ máy Ngô Văn Thứ đã anh dũng hy sinh trên con tàu 235 huyền thoại do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy. Ông Thứ quê xã Tuấn Việt (Kim Thành), tham gia Đường Hồ Chí Minh trên biển từ năm 1961 cho đến năm 1968…
 
Nguồn: Tiến Huy
Báo Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *