Nói thẳng về giáo dục
Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.
Giáo viên và phụ huynh đừng vì thành tích mà đánh cắp ước mơ của các con
Có một câu chuyện về một cậu bé được giao viết bài luận văn với đề tài “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?”.
Cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng sẽ được làm chủ một trang trại ngựa. Thậm chí cậu ta còn vẽ sơ đồ trại ngựa tương lai. Bài viết đầy háo hức nhưng cũng tràn trề hồn nhiên đó bị thầy giáo cho 1 điểm. Người thầy chỉ đồng ý chấm lại khi cậu bé làm lại bài văn “thực tế” hơn.
Cậu bé nghĩ mãi và quyết định gặp thầy giáo và nói: “Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy còn em xin phép được giữ ước mơ của mình”.
Vài chục năm sau, cậu bé nghèo đã trở thành chủ của nhiều tài sản lớn trong đó có một trại ngựa rộng hơn 200 mẫu, gặp thầy giáo xưa, người thầy nói: “Khi còn là giáo viên tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác”.
Cậu học trò vội đáp “Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, thầy cũng muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình”. Câu chuyện này, tôi chợt nhớ khi đang ngồi ở hàng ghế học sinh, nơi con tôi thường ngồi, dự buổi họp phụ huynh “tổng kết năm học”.
Cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi đang “báo cáo” kết quả học tập của các con. Lớp có 45 học sinh thì có đến 40 học sinh có điểm thi các môn từ 9 trở lên.
5 học sinh còn lại thì có môn dưới 9 nhưng không có học sinh nào có điểm thi dưới 7. Dù không thường xuyên kèm cặp con học bài, nhưng tôi biết, trước mỗi kỳ thi, con tôi và các bạn đều được các cô “luyện gà”. Những dạng Toán làm đi làm lại, những bài văn được cô chữa cẩn thận và bắt học sinh thuộc lòng… Và dù có chấm chéo, cô A chấm lớp cô B, cô B chấm lớp cô C thì với cách luyện thi như thế, nếu có quá nhiều học sinh dưới 7 điểm cũng có thể coi là một “kỳ tích”.
Hồi họp phụ huynh hết học kỳ I, tôi đã định đứng dậy phát biểu. Thưa thật với cô rằng, cháu nhà tôi không giỏi Văn. Và rằng, tôi muốn cô giáo trau dồi thêm cho cháu và các bạn cháu về câu cú, ý nghĩa, tình cảm, cách diễn đạt, biện pháp tu từ… Và, cái bài văn tả đường phố mà cháu được 9 điểm, đó không phải là văn của cháu, phố nhà tôi cũng không phải vậy. Nhưng mà tôi không đủ dũng khí để nói. Hình như không ai nói thế trong một buổi họp phụ huynh.
Khi được chỉ định phát biểu, tôi cũng nói chung chung như mọi người, hình như là cảm ơn cô đã chăm lo, dạy dỗ con tôi. Sau một năm học, cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều, cứng cáp lên, hiểu biết thêm…
Những điều định nói đã kịp được “kiểm duyệt” trước khi phát ra. Và không phải như bánh mỳ kebab, một nửa sự thật vẫn cứ không phải là sự thật. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác, bạn bè tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Nhưng không ai dám nói lên sự thực ấy ngay cả ở một môi trường nhỏ bé là lớp học của chính con mình.
Chúng tôi ngại cô giáo, ngại nhà trường, ngại đấu tranh và chỉ ngồi đó cầu mong các cấp quản lý “nhúng tay vào”, muốn một “thế lực” cao hơn điều chỉnh việc này… Còn chính chúng tôi – các phụ huynh thì vẫn tiếp tục ca bài ca “cảm ơn” và nộp nốt tiền quỹ phụ huynh khi hết năm học. Tiếp tục hãnh diện một cách bối rối khi đưa lên facebook bảng thành tích học tập của con và thầm lo lắng.
Phải chăng cái gọi là “bệnh thành tích” trong giáo dục không phải chỉ do những người làm giáo dục sinh ra. Nó còn do chính các phụ huynh góp phần tạo nên, bằng sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của mình?
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga