Thiệu cay đắng thừa nhận: Việt Nam Cộng Hòa thực ra là chính phủ đánh thuê cho Mỹ

Người xem: 160

Nguyễn Hương/ QĐND online


U4 – Điệp viên cộng sản làm “quan lớn” trong Nghị viện Sài Gòn

QĐND Online – Bảo tàng Tình báo Quốc phòng Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày một lá thư mật của đồng chí Nguyễn Đức Trí, Trưởng phòng Tình báo B2 gửi điệp viên U4 đang hoạt động trong sào huyệt của Mỹ-ngụy với chức danh Chủ tịch Văn phòng Hạ nghị viện Việt Nam Cộng Hòa. U4 tên thật là Đinh Văn Đệ, một điệp viên xuất sắc đã vượt lên nhiều nỗi đau thầm lặng của cá nhân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức giao phó. 


Lá thư đồng chí Nguyễn Đức Trí gửi điệp viên U4.

Lá thư 4 trang, được bắt đầu chuyển đi từ ngày 22-5-1973. Lúc này Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu gặp khó khăn do quân Mỹ rút dần, nguồn tài trợ của Mỹ dành để nuôi sống bộ máy ngụy quân, ngụy quyền đang giảm đi. Trong thư, đồng chí Nguyễn Đức Trí đã giao nhiệm vụ trước mắt cho U4 trong tình hình mới: Tìm hiểu âm mưu, chủ trương của Thiệu đối phó với hội nghị dân sự, hội nghị quân sự 2 bên; địch nhận xét, đánh giá về phái đoàn ta, từng người trong phái đoàn ta như thế nào; cùng với đó là điều tra lai lịch một số nhân vật cộm cán trong chính phủ ngụy quyền.

Đồng chí Nguyễn Đức Trí cũng thông báo tình hình chung sau khi có Hiệp định Pa-ri, sự thất bại ngày càng rõ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và động viên U4 vững tâm khi có nhiều người thân, bạn bè giận ông khi làm “quan lớn” cho ngụy quân, ngụy quyền. Bức thư có đoạn: “… Chúng ta biết chấp nhận cái nhục nhỏ để giành cái vinh lớn cho dân tộc, sẵn sàng chịu đựng sự hiểu lầm của người khác, kể cả người thân của mình. Ngành ta là công tác mật, càng che dấu được nhiều người càng tốt, càng kín đáo càng có lợi… để đi sâu, trèo cao, đi sát với địch, tìm hiểu bí mật của địch phục vụ lợi ích cách mang… Anh nên dũng cảm gạt ra ngoài và có biện pháp giải quyết khôn khéo nhất, có lợi nhất, tất cả những ràng buộc, vướng mắc không cơ bản để tập trung tinh thần và ý chí để thực hiện nhiệm vụ”.

Đinh Văn Đệ (Ba Đệ) – điệp viên U4 là ai ? Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những thông tin về ông mới dần được hé lộ. Ông là sĩ quan mang cấp Thượng úy của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng đã đi sâu vào hang ổ địch, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ba Đệ sinh năm 1924, theo đạo Cao Đài, mồ côi cha từ nhỏ nhưng vẫn được mẹ nuôi cho ăn học hết trung học đệ nhất cấp. Sau tháng 8-1945, Đinh Văn Đệ theo cách mạng được vài tháng thì thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Sài Gòn trở lại. Cuộc sống dưới ách cai trị của Pháp, xô đẩy anh vào Trường sĩ quan ngụy ở Thủ Đức. Dần dần, Đinh Văn Đệ được tướng tá ngụy tin dùng, về làm ở Bộ Tổng tham mưu ngụy, được Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ tin cậy, giao làm chánh văn phòng, thăng cấp đại úy; giữa năm 1957 được thăng vượt cấp lên trung tá. Sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Đinh Văn Đệ được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, rồi Tỉnh trưởng Tuyên Đức, tới năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967, Đinh Văn Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện ngụy. 

Từ trước khi Đinh Văn Đệ trúng cử vào Hạ viện của ngụy, tổ chức điệp báo của ta đã cử người liên hệ, tìm cách vận động ông trở lại phục vụ cách mạng. Ba Đệ từng bước tìm hiểu và giúp đỡ cách mạng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân ta càng tác động mạnh đến tư tưởng của Đinh Văn Đệ. Ông có người em trai là Đinh Văn Huệ, sĩ quan tình báo của ta, sau này là Đại tá, Cụm trưởng Cụm điệp báo VĐ2. Ba Đệ ngày càng tích cực hơn trong cộng tác, cung cấp tin tức cho cách mạng. Đến năm 1969, Đinh Văn Đệ chính thức nhận lời, quy ước liên lạc để làm “điệp viên nằm vùng” của ta.

Là người nắm giữ chức vụ quan trọng trong Quốc hội của ngụy quyền Sài Gòn, Ba Đệ đã cung cấp cho ta nhiều tin tức chiến lược quan trọng. Tháng 1-1975, sau khi ta giải phóng tỉnh Phước Long, tổ chức chỉ thị yêu cầu Ba Đệ tìm hiểu phản ứng của địch. Qua mối thân thiện với Tổng trưởng Quốc phòng, Ba Đệ đã được Cao Văn Viên cấp cho một giấy thông hành đặc biệt. Nhờ có giấy này mà Ba Đệ ra vào Bộ Tổng tham mưu một cách khá dễ dàng để tiếp cận với các sĩ quan trong cơ quan này. Nhờ đó, tin tức của Ba Đệ giúp ta khẳng định ngụy không có ý định tái chiếm Phước Long. Ba Đệ còn cho biết địch bỏ Phước Long nhưng sẽ cho không quân dội bom quần nát căn cứ của ta ở Lộc Ninh. Nhờ tin này, khi ngụy cho không quân tàn sát căn cứ Lộc Ninh, ta hạn chế được rất nhiều thiệt hại.

Điệp viên U4 – Đinh Văn Đệ

Trước chiến dịch Tây Nguyên, Ba Đệ với tư cách là một quan chức cấp cao của Quốc hội, đã có nhiều biện pháp khéo léo để đi thị sát, nắm tình hình quân ngụy. Nhờ đó, ông đã giúp ta trả lời hai vấn đề: Địch có nắm chắc vị trí đứng chân của Trung ương Cục miền Nam hay không? Có biết quân ta đang di chuyển phục vụ chiến dịch Tây Nguyên hay không? Những thông tin đó giúp ta nắm chắc địch, chủ động triển khai kế hoạch của chiến dịch.

Ngày 13-3-1975, hai ngày sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, Quốc hội Sài Gòn cử Ba Đệ và nhiều quan chức khác bay sang Mỹ nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ ngụy, tiếp tục rót tiền tài trợ. Trên diễn đàn Quốc hội Hoa Kỳ, Ba Đệ đã khéo léo phác thảo một bức tranh đen tối về tình hình chiến trường; về sự lục đục, rối ren của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; về sự sa sút của Quân lực Việt Nam cộng hòa… Những thông tin đó, vừa đúng theo yêu cầu của Thiệu, nhưng càng làm cho phe phản chiến trong Quốc hội Mỹ củng cố quan điểm ngừng tài trợ cho Nguyễn Văn Thiệu.

(SH- ảnh tài liệu này của SH thêm – xem thêm lá thư xin vay tiền của TT Thiệu)

Những thông tin mà Ba Đệ công khai trước Quốc hội Mỹ, cùng với những tin tức thất bại liên tiếp của quân ngụy trên chiến trường Nam Việt Nam dồn dập dội về, đa số các nghị sĩ và kể cả Tổng thống Pho (Ford) đều cảm nhận được không thể cứu vãn nổi chính quyền Sài Gòn. Những lời hứa viện trợ của Tổng thống Mỹ với Thiệu đã không thành hiện thực. Chính Nguyễn Văn Thiệu đã phải viết thư cầu xin Mỹ “nếu không viện trợ thì cho vay” (SH-link video)

Nhưng hành vi van lơn của Thiệu cũng không thuyết phục được Quốc hội Mỹ mở hầu bao. Trước khi bị Mỹ ép từ chức, Thiệu đã cay đắng thừa nhận: Việt Nam Cộng hòa thực ra là chính phủ đánh thuê cho Mỹ, Mỹ bội ước, không viện trợ nữa thì thất bại của Việt Nam Cộng Hòa là không tránh khỏi.

Xây dựng điệp viên U4 là một trong những thành công xuất sắc của tình báo cách mạng Việt Nam. Về phần mình, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đinh Văn Đệ đã chọn cho mình một cuộc sống kín đáo, giản dị. Ông luôn quan niệm, những việc mình làm là trách nhiệm của một công dân yêu nước với Tổ quốc của mình.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn: U4 – Điệp viên cộng sản làm “quan lớn” trong Nghị viện Sài Gòn, QĐND – Thứ năm, 16/04/2015 | 20:54 GMT+7


Tre Làng chép lại từ Sách Hiếm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *