ĐỪNG NHÉT CHỮ VÀO MỒM CON NÍT

Người xem: 148

LâmTrực@

Hôm qua, dân mạng phát sốt vì một câu nói của một đứa trẻ học lớp 8 trường Ams trong buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm ngày 12/8/15 tại Hà Nội. 

Đã có nhiều người gọi cậu bé là “Bộ trưởng Giáo dục tương lai” của Việt Nam và hơn nữa, họ nói Giáo dục Việt Nam bị một hs lớp 8 “lột xiêm y”.

Đó là những lời tán dương tởm đến phát ói!

Nguyên văn phát biểu của cậu bé là thế này:

Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi.
Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được.
Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm.

Chúng ta không phủ nhận giáo dục Việt Nam còn nhiều yếu kém, cần phải cải cách. Nhóm Cánh Buồm là một nhóm đi tiên phong, bao gồm nhiều bạn trẻ có tâm huyết, say mê nghiên cứu về giáo dục với ước muốn đem lại những điều tốt đẹp cho giáo dục Việt Nam. Đó là những điều quý giá, đáng trân trọng. Tuy nhiên, những nỗ lực của các họ cũng mới chỉ nằm trên giấy, chưa đi vào cuộc sống và nói thẳng ra là chưa được kiểm nghiệm trên thực tế để khẳng định rằng nó là sự “cải tiến” hay “cải lùi”. 

Những vấn đề của cuốn sách do nhóm Cánh Buồm soạn thảo bước đầu đã được các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội phản biện trong bài “Học Văn Để Làm Gì?” (Xin mời đọc ở đây). Những sai sót của bộ sách cũng được ông Nguyễn Vạn Phú viết trong bài “Đánh Giá sách Học Tiếng Anh Của Nhóm Cánh Buồm”đây. Vì vậy, cần có thời gian để kiểm chứng về cái gọi là “thành công” của nhóm.

Trở lại buổi Hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm, theo dõi kĩ một chút, người ta có cảm giác đây là một buổi marketing nhằm PR cho nhóm mới đúng. Người ta dễ nhận ra điều đó vì chủ nhân phát biểu kia chỉ là cậu bé, lại là học sinh của Ams và có những phát ngôn gây sốc cho độc giả nhằm tạo tiếng vang cho Cánh Buồm.

Nói thẳng, một cậu bé dù có học trường Ams cũng không thể nói những điều mang tính chính trị như thế. Ở đây, cậu đã bị đầu độc, bị nhét chữ vào mồm và phát lại một cách “hồn nhiên” theo cách nói của ông Phạm Toàn – Người cùng với ông Nguyễn Huệ Chi là đồng chủ trang Bauxite Việt Nam, và là người có hoạt động trong cái gọi là “Làng dân chủ Việt”. Cách làm này của Cánh Buồm được các nhà báo phách vị là mượn mồm con nít để đánh bóng bản thân. 

Nếu thực vậy, đó là phản giáo dục.

Anh Mai Dương, một FB-er nổi tiếng đã phải nói rằng, buồn hay vui khi một đám từ lớn đến già tóc bạc, phải mượn mồm một đứa con nít để hả hê cho sự hiếu thắng của mình?!

Họ nhân danh những người quan tâm đến giáo dục và thậm chí làm giáo dục, nhưng họ có xót xa không khi trong cái đầu óc con nít kia không hề có một sự hồn nhiên, trong trẻo, biết tin, biết yêu?! Mà thay vào đó là bất cần, cóc cụ, hỗn xược và mạt sát?!

Anh Mai Dương cũng nói, hà cớ gì lại phải mượn chính trị để thổi bùng mình lên như vậy?! Mà lần này lại phải đạo diễn mồm của một đứa con nít?!

Cách “chơi” rất hằn học này của những người chủ sới Cánh Buồm, như tay nhà giáo về hưu Phạm Toàn chẳng hạn, chỉ cho người ta thấy sự thấp kém về nhân cách, đạo đức của một người vốn lúc nào cũng vỗ ngực tự xưng là nhà giáo lớn tuổi, rồi “trí thức yêu nước” các thứ. Không có lòng vị tha, không có người-lớn-tính.

Cánh Buồm rồi sẽ đạt được kết quả gì cụ thể nếu cứ mãi là công cụ để mấy ông già bất mãn này hiếu thắng lặt vặt?!

Phí lắm!!!

Cha mẹ thằng bé, liệu sẽ nhận thấy gì nơi con mình?!

Nhà báo Đức Hiển cũng có nhận xét tương tự. Ông viết: “Mình xem cái clip về cậu học trò lớp 8 nói về giáo dục vì nhiều người share nó quá. Có bạn còn bảo: “đến trẻ con nó còn nhìn ra sự thối nát của ngành giáo dục mà sao quan chức không nhìn ra?”, “Đất nước về đâu khi quan chức ấu trĩ và đầu đất như thế?”.

Mình không share vào đây vì mình ớn ghê cả răng. Mình ghê răng không phải vì cái ngành giáo dục “thối nát”!

Mình ghê bởi sự hả hê đầy cơ hội của người lớn. Họ hân hoan khi một cậu học trò nhỏ hơn con nhà mình nói một điều hợp khẩu vị chửi của họ và dùng nó làm đá, làm đạn để bắn ném vào nơi họ cần công kích.

Không có chuyện chính trị chính em. Mượn trẻ em làm công cụ thoả mãn sự hằn học của người lớn, theo mình, là sự nhẫn tâm và thiếu trung thực, thiếu sòng phẳng. Nó là chuyện nhân cách chứ không chính trị chính em gì sất!

Giáo dục của ta đầy khiếm khuyết, không có nghĩa là một ông oắt có thể nói vơ đũa như đúng rồi rằng nó thối nát. Nếu đó là suy nghĩ thật của cậu bé, thì những người lớn bình tĩnh và có trach nhiệm với trẻ con cần nói cho cậu hiểu nói thế là vội vã, là không được. Vì còn quá nhiều điều cậu chưa đủ hiểu để mà nói với nội dung ấy, thái độ ấy.

Vỗ tay, trước tiên là sự thoả mãn hằn học của người lớn, thứ nữa là “giết chết” trẻ con. Khi nó không hiểu hết mà vẫn quen phán xét cả hệ thống giáo dục và được cổ vũ, thì nó không thấy cần phải học hành gì ở cái nền giáo dục “thối nát” ấy.

Mà khi học trò không thèm học cũng không muốn nghe thầy cô, chưa nói đến kiến thức, nó đã tự cho mình cái quyền đứng ra ngoài các quy chuẩn và quy luật ứng xử chung và văn minh. Thế thì đời nó về đâu?

Đến đây, thay cho lời kết, xin dẫn lại lời nhà báo Đức Hiển: Người lớn, đừng dùng trẻ con làm bia, làm loa để khen hay để chửi. Hãy để cho nó hồn nhiên! Người lớn văn minh nên để trẻ con nó được làm trẻ con!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *