Nguyễn Quảng (Pín Tần)
Ở Anh quốc, khi lái xe dọc các Motoway hay là đường cao tốc, thỉnh thoảng có tấm biển nhắc nhở: “Tiredness can kill, take a break (sự mệt mỏi sẽ giết bạn, hãy nghỉ ngơi).
Quả vậy, các lái xe tải và xe khách ở Anh không được phép lái liên tục quá 4.5 tiếng đồng hồ, cứ sau 4.5 giờ lái xe, họ bị buộc phải nghỉ ngơi 45 phút và không làm bất kì việc gì khác ngoài nghỉ ngơi.
Sau thời gian đó, nếu tiếp tục lái xe, thì cứ 2 giờ lái, họ phải nghỉ 30 phút.
Nghỉ, nghĩa là dừng xe tắt máy, ở Anh trên mọi đường có rất nhiều nơi đỗ xe, tôi lái xe trên bất đường nào đều có những biển thông báo: “Nơi dừng xe cách đây 1 dặm, nửa dặm… 1/4 dặm”, họ phải báo vậy để lái xe kịp xử lí, chứ đang cầy 120km/h thì không phanh kịp.
Lái xe có thể ngủ 1 giấc hay uống càfe hay chơi bất kì thứ gì, làm việc gì đó khác là phạm luật.
Ví dụ anh lái xe tải mà trong thời gian nghỉ 45 phút lại tranh thủ lôi sổ sách ra tính toán kiểm đếm hàng hóa là sai, điều đó bị cấm.
Và thời gian lái xe không được quá chín tiếng một ngày, nếu lái xe làm việc tăng thêm một giờ thành 10 giờ/ ngày, thì chỉ được hai ngày trong một tuần.
Thời gian làm việc trong tuần cũng phải được tính toán để lái xe được nghỉ ngơi theo nhịp sinh học.
Kiểm tra
Cảnh sát có thể kiểm tra bất kì lúc nào, tôi thấy các xe ô tô tải và khách đều sử dụng máy ghi lại toàn bộ hành trình tên là EOBR (Electronic on-board recorder) trên một cái đĩa mỏng dính.
Cảnh sát sẽ kiểm tra hành trình bằng cách đọc những gì ghi trên đĩa đó, để biết chắc chắn người lái xe không lái quá thời gian cho phép.
Mục đích của chính phủ là ngăn chặn các tai nạn do lái xe mệt mỏi do loạn nhịp đồng hồ sinh học, do không ngủ và do các mệt mỏi tích lũy trong quá trình làm việc dài.
Tai nạn ở Việt Nam xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, ở phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tôi xin phép chỉ bàn đến thời gian làm việc của lái xe.
Ở Việt nam, có vẻ như thời gian nghỉ của lái xe tải và xe khách không được mấy ai quan tâm, ít ai để ý đến điều luật bắt lái xe phải nghỉ ngơi sau nhiều giờ chạy xe liên tục, một lái xe tải hay xe khách xuyên Việt lái liền tù tì 6h hay 8h không nghỉ là chuyện thường, và khi đổi cho một lái khác, họ ngủ gà gật trên xe và tiếp tục cầm lái, sau 1700km xuyên Việt, cơ thể họ gần như kiệt sức, và lại sẵn sàng cho chuyến lộn ra.
Những xe chạy tuyến ngắn cũng không khá hơn, khi bận rộn, họ phải quay đầu liên tục cho mau chuyến. Nếu đổi lái khác, thì họ cũng chỉ nghỉ ngơi một cách mệt mỏi trên chiếc xe đang tiếp tục hành trình.
Vào những ngày lễ, các lái xe khách ở Việt nam rất bận rộn, họ phải tranh thủ chạy để bù vào những ngày vắng khách, một lái xe có thể lái 12h một ngày là thường.
Ngủ gật
Khi đi xe khách, liệu các bạn đã gặp lái xe ngủ gật?
Họ ngủ trong khi lái xe, gà gật, choàng tỉnh dậy, ngơ ngác và phanh cuống cuồng, chính tôi trong một chuyến đi xe khách phải châm thuốc lá liên tục cho một anh lái xe, vì thấy mắt anh lờ đờ, nháy mắt rất chậm và ngáp ngủ, tôi biết anh đang ngủ gật và không chịu dừng xe nghỉ theo lời khuyên của tôi.
Các lái xe hãy lưu ý, đừng cố lái xe khi bạn mệt, với một chiếc xe tải hay khách nặng tới 30 tấn lao với tốc độ đến 80km/h, bạn có thể giết chính mình và những người vô tội khác khi ngủ gật
Nguyễn Quảng
Ngay cả khi muốn dừng xe nghỉ cũng không hề dễ, các đường cao tốc hay đường quốc lộ đều không thiết kế nơi đỗ xe, khi mệt mỏi, họ cũng không có nơi dừng xe an toàn để nghỉ, công an sẽ bắt phạt nếu dừng xe sai chỗ, và dừng ở các nhà ăn của tư nhân thì buộc phải ăn. Ở những nơi không quen biết mà dừng xe, rất có thể anh sẽ bị chủ nhà đuổi đi.
Năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải vừa ra văn bản tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm.
Theo đó với xe có hành trình chạy liên tục từ 4 tiếng trở lên, phải đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm chạy đêm tính từ 8 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau).
Nhưng có vẻ như văn bản này lọt thỏm trong vô vàn các văn bản khác mà không một ai giám sát, kiểm tra lẫn chế tài. Các lái xe vẫn lái liên tục và không ai kiểm soát.
Giải Pháp
Chính phủ cần bắt buộc các nhà xe và đơn vị kinh doanh vận tải lắp hệ thống kiểm tra hành trình EOBR (Electronic on-board recorder) để công an có thể kiểm tra và phạt nặng, thậm chí thu bằng lái, với những lái xe chạy quá thời gian quy định mà không nghỉ.
Quá nhiều loại phương tiện cùng lưu thông trên một tuyến đường là một khó khăn cho các lái xe.
Hệ thống đường xá cần thiết kế thêm nơi dừng xe đủ rộng cho mỗi 30 km đường quốc lộ, để lái xe có nơi dừng xe khi họ mệt, những nhà thầu làm đường chỉ được duyệt khi trong thiết kế có nơi dừng xe cho các tài xế đường dài.
Và các lái xe hãy lưu ý, đừng cố lái xe khi bạn mệt, với một chiếc xe tải hay khách nặng tới 30 tấn lao với tốc độ đến 80km/h, bạn có thể giết chính mình và những người vô tội khác khi ngủ gật.
Ví dụ nhỏ, khi bạn buồn ngủ, một cú nhắm mắt để ngáp chả có nghĩa gì khi bạn đang ngồi trên sô pha xem vô tuyến, nhưng khi đang lái xe với tốc độ cao, thì trong khoảng thời gian của cú ngáp đó, xe đã đi được trên 50 mét. Liệu có an toàn không với cặp mắt nặng trĩu và liên tục ngáp?
Đến đích sớm làm gì, nếu bạn không chắc 100% an toàn?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả đang sinh sống tại nước Anh.
Tin cùng chuyên mục:
Lưu Trọng Văn vạch áo Thiều cho thiên hạ xem lưng
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Từ Đại biểu Quốc hội đến vòng lao lý
Luật sư Phan Hòa Nhựt đối mặt với đề nghị truy tố và mức án tối đa 15 năm tù
Việt Nam – Cột mốc quan trọng trên bản đồ đa phương toàn cầu