VUNG TAY QUÁ TRÁN

Người xem: 134

KhanhKim@

Cách đây không lâu, Sơn La có dự án xây dựng quần thể Khu Hành chính của Tỉnh có Tượng đài Bác Hồ 1400 tỷ đồng đã dấy lên làn sóng không đồng tình của dư luận xã hội. Câu chuyện nóng đến nỗi GS Ngô Bảo Châu ở tận bên kia Thái Bình Dương khi nghe được tin này cũng bị “sốc” và thể hiện sự không đồng tình bằng một stt nổi tiếng. Đại khái là, trong khi đất nước còn nghèo, bữa ăn cho trẻ em nghèo ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang…. GS Châu cũng nói những người xây dựng và ký dự án “Là lũ thần kinh và khốn nạn”. Châu dùng lời nói có vẻ hơi nặng nề, xúc phạm đến lãnh đạo địa phương và cả Trung ương. Dù mang danh GS, nhưng Ngô Bảo Châu đã bị người dân ném đá tơi bời vì thái độ vô lễ của mình. Thế nhưng xem ra GS Châu cũng có cái lý để thể hiện sự phản đối của mình…

Nỗi bức xúc chưa nguôi người ta lại nghe được tin hàng loạt các tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng…và nay thêm cả thành phố Huế đua nhau “vẽ” dự án xây dựng Trung tâm hành chính với quy mô hoành tráng lên tới hàng chục nghìn tỷ, để “thay đổi bộ mặt đô thị” cho “bằng chúng, bằng bạn”. 

Thiết nghĩ, hình ảnh của địa phương xấu hay đẹp được đánh giá bằng sự tín nhiệm của Nhân dân với bộ máy công quyền; ở các chỉ số về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống vật chất tinh thần của nhân dân chứ không phải ở cái trụ sở to hay nhỏ.

Chúng ta đều biết tình hình KT đất nước hiện nay là rất khó khăn, trì trệ kéo dài nhiều năm mà chưa có dấu hiệu hồi phục, bội chi ngân sách, nợ công đang ngấp nghé ở ngưỡng nguy hiểm, thiếu tiền đến nỗi Chính phủ phải báo cáo Quốc hội họp kỳ này, xin thêm tiền để chi tiêu công, rồi không có tiền để tăng lương theo lộ trình…Thêm nữa, ta không thể mất cảnh giác trước hiểm họa xâm lăng đang rình rập bất cứ lúc nào, chúng ta vẫn đang rất cần đầu tư, mua sắm vũ khí hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội. Xây dựng quân đội đủ mạnh để đối phó với nguy cơ chiến tranh là việc làm cần thiết và cấp bách hơn là việc xây dựng trung tâm hành chính của các tỉnh. 

Câu hỏi đặt ra là, liệu lãnh đạo các tỉnh đang “vẽ” ra các dự án kia có nghĩ đến của vận mệnh sống còn của đất nước, sự an nguy của quốc gia? Hay họ vẫn “cứ mũ ni che tai” làm nghèo đất nước bằng việc vẽ vời các dự án không hoặc chưa thực sự cần thiết? 

Tôi tin rằng, người dân sẽ khó đồng thuận nếu phải chi những khoản tiền lớn để xây dựng những Trung tâm Hành chính của các vị, bởi xét cho cùng ngân sách cũng là tiền thuế của người dân đóng góp mà ra.

Trở lại dự án xây dựng Trung tâm Hành chính thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ, ngành xem xét, thẩm định đầu tư theo quy định. Được biết, tổng mức đầu tư dự án này lên tới 9.894 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm khoảng 80%. Thời gian thực hiện dự án 5 năm, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2020. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng hy vọng, việc xây dựng Trung tâm hành chính cả chục nghìn tỷ này sẽ góp phần đưa Hải Phòng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, tạo bước đột phá cho địa phương trong thời gian tới. 

Nói thật,  lãnh đạo thành phố nói thì hay và kì vọng cũng rất lớn, nhưng thử hỏi các công bộc của dân có thấu hiểu đất nước đang còn quá nhiều những khó khăn cần giải quyết. Vậy tiền ở đâu để xây dựng và xây dựng để làm gì trong khi cơ sở vật chất, Trung tâm hành chính của TP không đến nỗi nào? 

Thực tế cho thấy, có 63 tỉnh thành trong cả nước, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số này có tiền nộp ngân sách về Trung ương, số còn lại vẫn phải “ngửa tay xin tiền” từ ngân sách. Vậy mà người ta vẫn nhẫn tâm, làm ngơ trước những khó khăn của người dân và của đất nước, vẫn vô tư xúc tiến việc vẽ ra các siêu dự án “Trung tâm hành chính” với quy mô hoành tráng. 

Đó là một việc làm vô trách nhiệm với đất nước lúc này.

Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện nay, thay vì xây dựng các công trình nghìn nghìn tỷ, các địa phương nên tập trung vốn đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Những tỉnh nghèo, không làm ra tiền, không tự nuôi nổi mình mà vẫn ngửa tay như gã ăn mày, xin tiền nhà nước để xây dựng Trung tâm hành chính thì đó là biểu hiện của sự vô cảm đến tàn nhẫn.

Đã nghèo nhưng lại thích “chơi trội” và “vung tay quá trán” là thói hư, tật xấu đáng lên án. Tỉnh nghèo nhưng lại muốn xài sang bằng đồng tiền đi xin có thể xuất phát từ thói quen ỷ lại và tư duy thiển cận của lãnh đạo địa phương, nhưng nó cũng có thể xuất phát từ lối tư duy “nhiệm kỳ” với “nhóm lợi ích”.

Đã có người giải thích, làm lãnh đạo, không ít người muốn để lại dấu ấn của mình bằng một công trình, một tác phẩm kiến trúc, hay nghệ thuật nào đó sau khi về hưu. Vì thế, bất chấp sự luận, bỏ ngoài tai những lời chính trực, họ tìm cách “chạy chọt” cho bằng được dự án để có tiền xây dựng. Nếu việc này có thật thì những người phê duyệt các dự án sẽ là những kẻ được “hưởng lợi” từ chính nỗi khổ của người dân, những khó khăn chồng chất của đất nước. 

Buồn thay!

Người dân có quyền được hỏi các nhà lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các tỉnh nghèo khác đã và đang vẽ dự án, rằng việc xây dựng các Trung tâm Hành chính trên dưới chục ngàn tỷ đồng kia lúc này có phù hợp? 

Câu trả lời dành cho các cấp có thẩm quyền và để người dân phán xét?

Ngày 11 tháng 10 năm 2015

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *