MỘT QUYẾT ĐỊNH THIẾU THẬN TRỌNG CÓ THỂ ĐẨY XA NGƯỜI DÂN VỚI CHÍNH QUYỀN

Người xem: 148

KhanhKim@

Mấy hôm nay dư luận xôn xao về việc tỉnh An Giang, xử phạt hành chính 5 triệu đồng, đối với hai cán bộ vì lên Facebook nhận xét Chủ tịch tỉnh này “Nhìn cái mặt kênh kiệu…”. Và cũng nhanh nhảu không kém, 2 đơn vị chủ quản đã yêu cầu các cán bộ kể trên, viết tưởng trình và xử lý kỷ luật.

Một ông quan đầu tỉnh, bị kỷ luật khiển trách vì thể hiện yếu kém trong điều hành, quản lý nhà nước về vấn đề đất đai là chuyện bình thường và khi có khuyết điểm mà người dân nhận xét cũng là chuyện rất bình thường. 

Vậy, tại sao cơ quan chức năng tỉnh An giang nhanh chóng vào cuộc để phạt và kỉ luật người dân lên tiếng phê bình lãnh đạo tỉnh mình nhanh đến như vậy?

Điều lạ lùng là An giang lại đè người dân của mình ra để kỉ luật trong khi họ nhận xét hoàn toàn phù hợp với những gì báo chí phản ánh và hoàn toàn phù hợp với kết luận của Thanh tra Chính phủ, đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và đã có kết luận khiển trách chứ họ đâu có vu khống hay bịa đặt?

Người dân không bịa đặt hay vu khống mà đè cổ họ ra để kỷ luật, xử phạt nhằm “răn đe” người khác có hành vi tương tự, nói thẳng ra là sai. Điều này nếu không chấn chỉnh sẽ dễ trở thành tiền lệ tiêu cực. Nguy hiểm hơn là làm cho những người có tâm huyết với đất nước không dám lên tiếng. Ngược lại, người lãnh đạo tỉnh luôn tưởng mình đúng và ảo tưởng sức mạnh vào tâm đức trí tuệ củ mình. Khi ấy, thảm họa với đất nước sẽ là hiện hữu.


Trong một diễn biến khác, khi người bị kỉ luật chưa lên tiếng thì người ta lại nhanh nhảu đưa ra công văn chấn chỉnh, nghiêm cấm cán bộ công chức…trên FB. Hành vi ấy có phải để bịt miệng người dân và có nhân văn, dân chủ?

Theo ông Dương Trung Quốc Đại biểu Quốc hội khi được hỏi về sự lạ này đã chia sẻ: “Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình. Việc đầu tiên trong trường hợp đó là hãy soi vào mình. Công chúng – những người đọc cái đó – sẽ phán xét đúng hay sai như thế nào”.

Trái ngược với điều này, cơ quan chức năng tỉnh An Giang trong khi giải thích cho hành động của mình đã viện dẫn một số quy định của pháp luật cho rằng “việc hai cán bộ nhận xét khuôn mặt Chủ tịch tỉnh An Giang “kênh kiệu” là vi phạm việc truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác…”.

Thật là lạ khi người dân mới chỉ nhận xét “nhìn cái mặt kênh kiệu” đã là “xúc phạm uy tín danh dự người khác”. Đó là kết luận hồ đồ, thiếu nhân văn và là quy kết thiếu tính pháp lý. Đánh giá khuôn mặt là chuyện rất bình thường nhưng lại cho đây là một sự “xúc phạm,uy tín danh dự người khác”liệu có thỏa đáng?

Tôi nghĩ, thay vì vội vàng phạt người nêu ra nhận xét này, ông Chủ tịch An giang nên thể hiện trách nhiệm của mình với nhân dân bằng việc làm cụ thể với cương vị là Phó chủ tịch tỉnh. Đó mới là cách làm khôn ngoan. 

Ông nên nhớ, chính cái án phạt của ông dành cho người dân dám phê phán, nhận xét về ông đã chứng minh “cái mặt kệnh kiệu” của ông và làm cho người dân, thậm chí là báo chí xa ông. Dù xa dân bằng cách làm đó, nhưng ông vô tình trở thành mục tiêu săm soi của người dân đấy.

Bác Hồ lúc còn sống đã nói về khái niệm “dân chủ” rất đơn giản mà dễ hiểu. Dân chủ là làm sao để cho dân được “mở cái miệng” của mình ra. Vậy sao khi người dân mở miệng thì ông lại dán án phạt vào miệng họ? Như thế thì đâu còn gọi là dân chủ?.

Cá nhân tôi cho rằng, việc kỉ luật người nhận xét về ông Chủ tịch An giang trên Facebook là quá vội vàng, phản cảm, và chắc chắn không nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Là người lãnh đạo thì cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người dân, kể cả ý kiến trái chiều. Đừng vì cá nhân mà nóng giận mất khôn. 

Riêng các cơ quan tham mưu, cũng rất không nên vì cái tình với Chủ tịch tỉnh mà nịnh bợ cực đoan tới mức bất chấp pháp luật và đạo lý để đưa ra những quyết định đẩy xa người dân với chính quyền.

Một quyết định hành chính thiếu thận trọng, khách quan có thể dẫn tới những hiệu ứng ngược, phản tác dụng.

Ngày 21 tháng 11 năm 2015


P/s: Ảnh có thể không liên quan, nhưng đó là câu hỏi thường thấy về những chuyện không bình thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *