Đương sự xin lỗi và rút đơn kiện Phòng CSGT Thanh Hóa
Ngày 3-1, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, ông Nguyễn Văn Tân, 52 tuổi, trú ở tổ 30C, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh đã xin lỗi về việc kiện sai và xin rút đơn khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của CSGT Thanh Hoá.
Đây là một vụ kiện hi hữu, mất khá nhiều thời gian của chính nguyên đơn và các cơ quan chức năng của nhà nước.
Vụ kiện bắt nguồn từ việc ông Tân điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ, bị CSGT Thanh Hoá xử phạt vào ngày 13-12-2014. Cụ thể, ông Tân điều khiển xe BKS 14A – 11000 trên QL1A hướng từ Ninh Bình về Thanh Hóa, đến km297 +200 gần đền Bà Triệu thì bị CSGT Thanh Hoá dừng xe, thông báo ông đã chạy quá tốc độ là 97/80km/h.Tuy nhiên, ông Tân cho rằng mình chỉ đang chạy ở tốc độ 65km/h, yêu cầu được xem lại đoạn băng ghi hình.
Tổ công tác cho ông Tân xem lại băng cho thấy, địa điểm ghi hình là ngôi nhà 3 tầng cách nơi ông bị dừng xe 11km, màn hình lưu thông số tốc độ xe ông là 97km/h. Căn cứ vào hình ảnh bắn tốc độ trên, Tổ TTKS giao thông Công an Thanh Hoá đã xử phạt ông Tân 2,5triệu đồng về lỗi chạy quá tốc độ cho phép.
Cho rằng mình bị xử oan, sáng hôm sau, ông Tân đánh xe đến vị trí tổ tuần tra đang làm việc (đền Bà Triệu), yêu cầu chạy thử lại. Ông yêu cầu chạy lại hai lần, một lần dưới 80km/h (tốc độ cho phép) và một lần 97km/h như máy đo tốc độ (MĐTĐ) ghi được.
Tổ công tác đã đồng ý cho ông Tân ngồi trên xe để chạy thử lại, đồng thời giải thích, camera ở MĐTĐđược quay liên tục, nhưng đã cài mặc định chỉ chụp hình những phương tiện chạy quá tốc độ cho phép (trên đoạn đường này cho phép 80km, cài mặc định phương tiện chạy từ 85km trở lên mới bị chụp hình).
Theo đó, ông Tân được ngồi trên xe chạy 2 lần, 1 lần dưới 80km thì MĐTĐ không chụp hình, lần thứ 2 chạy tốc độ 96km máy đo báo 94km.
Ông Tân vẫn không “phục”, tiếp tục khiếu nại nên ngày 26/3/2015, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá có quyết định giải quyết khiếu nại của ông Tân, khẳng định việc lập biên bản với ông là đúng quy định.
Về máy đo tốc độ, là do Cục CSGT giao cho tổ công tác của Cục tăng cường về Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa sử dụng, đang còn hạn kiểm định; nếu ông Tân nghi ngờ máy đo không chính xác, đề nghị liên hệ với Cục CSGT để được trả lời.Phòng CSGT Công an Thanh Hoá cũng khẳng định, nếu không đồng ý, ông Tân có thể gửi đơn ra Toà án để kiện.
Ông Tân gửi đơn ra toà, đồng thời khiếu nại đến Cục CSGT. Cục CSGT trả lời cho biết tất cả các cán bộ, chiến sĩ CSGT thực thi nhiệm vụ đều được tập huấn thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kĩ thuật, trong đó có MĐTĐ. Về tính chính xác của MĐTĐ, Cục CSGT khẳng định tất cả MĐTĐ trước khi đưa vào sử dụng đều được các cơ quan thẩm quyền (Viện đo lường Quốc gia) cấp chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem, giấy chứng nhận); được duy trì tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật trong suốt quá trình sử dụng, đồng thời khẳng định kết quả thu thập được bằng MĐTĐ có ghi hình ảnh là “chuẩn”, đảm bảo xử lý vi phạm hành chính không oan sai.
Tuy nhiên, ông Tân vẫn không đồng tình với trả lời của Cục CSGT nên đã đến Viện đo lường Quốc gia để tìm hiểu, phản ánh việc đo tốc độ không chính xác. Viện đo lường quốc gia trả lời ông Tân, khẳng định phương tiện đo, kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông do CSGT sử dụng hiện nay Việt Nam không sản xuất được, phải nhập ngoại.
Trước khi đưa máy vào sử dụng, phải trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt, được cấp giấy chứng nhận sử dụng, trên thân máy không có nút, phím ấn nào có thể thay đổi kết quả đo. Vì vậy, người sử dụng chỉ điều chỉnh được giới hạn tốc độ, công suất phát laze, hiển thị độ sáng đèn, chứ không thay đổi được thông số đo. MĐTĐ thiết kế đơn giản, kết quả hiển thị trên màn hình nên dễ dàng nhìn thấy.
Theo Viện Đo lường Quốc gia, tem kiểm định của MĐTĐ dán ở vị trí dễ quan sát trên thân máy. Trên đó ghi hạn kiểm định (một năm) do Viện Đo lường Quốc gia cấp. Máy đo hoạt động liên tục, còn máy ảnh chỉ chụp khi phương tiện chạy quá tốc độ tối thiểu cài đặt. Khoảng cách đo được theo tiêu chuẩn từ 15m đến 1000m nhưng kết quả thu được phụ thuộc nhiều vào ống kính máy ảnh và các điều kiện thời tiết, môi trường.
Sau gần 1 năm khiếu kiện nhiều cấp, ông Tân đã nhận mình sai, xin lỗi Trưởng phòng CSGT Công an Thanh Hoá, đồng thời rút đơn ở TAND tỉnh Thanh Hoá. Chính vì vậy, TAND tỉnh Thanh Hoá đã đình chỉ giải quyết vụ việc hành chính giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Tân và người bị kiện là Trưởng phòng CSGT Công an Thanh Hoá.
Phương Thuỷ
http://cand.com.vn/Phap-luat/duong-su-xin-loi-va-rut-don-378432/
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga