NỂ NANG, BẰNG MẶT KHÔNG BẰNG LÒNG”, KHÔNG THỂ CHỈNH ĐỐN ĐƯỢC ĐẢNG

Người xem: 117

“Nể nang, bằng mặt không bằng lòng” không thể chỉnh đốn được Đảng

(Thanh tra) – Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh là vấn đề cốt lõi, nhiệm vụ then chốt trong thời gian tới để dân thấy, dân tin…

Đảng ta phải bằng những hành động thực tiễn, để dân thấy, dân tin. Nếu dân tin, dân ủng hộ, nhất định sự nghiệp đổi mới của Đảng sẽ thành công. Ảnh: HG

Ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” 

Đảng ta với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót khuyết điểm của mình. Đó là, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm”.

Điều này làm cho nhân dân và cán bộ, đảng viên tin, kỳ vọng vào Đảng ta nhiều hơn. Việc cần thiết là kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. 

Ông Nguyễn Đức Hà, thành viên Tổ Giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cho biết, Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Và sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ đối với mọi mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Trung ương rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng vì đây là vấn đề cốt lõi. Xây dựng Đảng đã được Cương lĩnh xác định là nhiệm vụ then chốt. Với quyết tâm chính trị cao của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng, trong nhiệm kỳ tới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện”, ông Hà nhấn mạnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nêu rõ, đặc biệt chú trọng “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. 

Cán bộ càng “to” càng phải gương mẫu

Để tránh hình thức trong thực hiện, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim phải nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình, chứ không được “nể nang, bằng mặt không bằng lòng”, cũng như phải tiếp tục kiên trì rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên hội tụ đủ đức, tài với tinh thần trách nhiệm cao.

“Thật thà, thẳng thắn và phải cởi mở trên tình đồng chí anh em, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc của Đảng. Cùng với làm tốt việc phê bình và tự phê bình, cần làm tốt công tác giám sát lẫn nhau để người dân thấy đội ngũ của chúng ta là đội ngũ nòng cốt về đức về tài”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh. 

Cũng đề cập đến việc chấn chỉnh để làm Đảng mạnh lên, nhưng bằng một phương pháp rất tự giác, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thấy rằng “mỗi đảng viên có trách nhiệm với Đảng, với dân tộc, tập trung thực hiện “12 chữ”: Thân thiện, nghĩa tình, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật” để từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Từ cán bộ đến người dân đều mong muốn nhiệm kỳ tới cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những cán bộ vi phạm. 

“Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải thực sự là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu bày tỏ quan điểm.

Tăng cường tiếp thu ý kiến của nhân dân

Cùng với đó, muốn phòng được tham nhũng phải làm thực chất hơn, tốt hơn việc kê khai, minh bạch tài sản để kiểm soát được thu nhập của cán bộ. Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cho rằng, phải có giải pháp cụ thể để theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là những cán bộ giàu lên bất thường và cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý, kê khai tài sản.

Song song với đó, tăng cường sự tham gia của xã hội trong tất cả các dự án, quy hoạch, chính sách…. Ông Vũ Trọng Kim nhận định, phòng, chống tham nhũng cần hết sức kiên trì, bởi một bên giấu giếm, một bên tìm kiếm, đối tượng tham nhũng không tự lộ diện. Do đó, “có thể nhờ đến sự giám sát của người dân, khi thấy có đảng viên vi phạm có thể báo tin cho tổ chức Đảng”.

Theo Thiếu tướng Trương Giang Long, Bộ Công an, việc gì nhân dân giúp nhiều sẽ thành công nhiều, nhân dân giúp ít sẽ thành công ít. 

“Đảng ta có tài sản vô cùng quý giá phải giữ gìn, phát huy trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đó là tình cảm, sự chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Vì vậy, phải phát huy các kênh thông tin, tăng cường tiếp thu ý kiến của nhân dân trong tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Thiếu tướng Long nói.

Không chỉ cần đấu tranh chống tham nhũng, mà quan trọng là phòng ngừa tham nhũng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; có những giải pháp để giáo dục, phòng ngừa, bảo đảm không có những cán bộ, đảng viên sai phạm. Đảng ta phải bằng những hành động thực tiễn, để dân thấy, dân tin. Nếu dân tin, dân ủng hộ, nhất định sự nghiệp đổi mới của Đảng sẽ thành công. 

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *