HỌP, XEM PHIM VÀ NGỦ GẬT

Người xem: 160

LâmTrực@

Chuyện họp hành, hội nghị triền miên và thái độ của quan chức khi đi họp vốn là chủ đề không mới, song nó cho thấy nhiều điều liên quan đến chất lượng các hội nghị gần như không đảm bảo, và mang nặng tính hình thức.

Phải nói thẳng, việc tổ chức hội nghị ở ta gần như mang tính hình thức cho dù nó có mục đích, nội dung rõ ràng, nghĩa là nó được sắp đặt, được lập trình sẵn và cứ thế chạy thì cho ra sản phẩm theo ý muốn của nhà lãnh đạo hay nhà tổ chức.

Tổ chức hội nghị kiểu này, một số đại biểu đã được chỉ định phát biểu từ trước, nếu có thêm các ý kiến khác cũng chỉ là thêm thắt mua vui cho có màu sắc dân chủ, nhưng thực ra các vấn đề cơ bản đã được quyết từ trước. Thậm chí có những hội nghị đã có kết luận đánh máy sẵn dưới dạng quyết nghị hay nghị quyết gì đó. Vì thế, người tham gia có phát biểu cũng không hề ảnh hưởng tới kết luận đã được soạn thảo và không có giá trị khoa học nào ngoài tô vẽ màu sắc. Ý thức được giá trị ý kiến của mình khi tham gia tham luận chẳng có ý nghĩa gì nên một số đại biểu không phát biểu và quay sang làm việc khác như ở Đà Nẵng, Nghệ An là điều dễ hiểu.

Ai đã từng tham gia các Hội nghị, hoặc hội họp đều không lạ khi màn chào hỏi kéo dài hơn sự cần thiết bởi “kính thưa các loại kính”. Thực tế cũng đã cho thấy, những màn chào hỏi, giới thiệu như thế này sẽ dẫn đến kết cục chả mấy hay ho, và đôi khi dẫn đến thảm họa nếu như “bỏ sót” hoặc “nhầm lẫn” những thứ có thể làm cho lãnh đạo nổi giận.

Thứ hai, vai trò của người điều hành hội nghị là rất quan trọng. Một người có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trí tuệ mạnh mẽ, ăn nói lưu loát tỉnh táo (hùng biện) và nhạy bén trong ứng xử sẽ rất thành công ở vai trò này. 

Nói về người điều hành hội nghị, tôi đã chứng kiến nhiều người điều hành kém cỏi ngay cả ở những vấn đề cá nhân, như cách ăn mặc, khả năng hùng biện, dẫn dắt vấn đề, sự tỉnh táo để phát hiện các ý kiến trái chiều, cân nhắc thời lượng cho từng ý kiến, ngắt câu hay nhắc nhở đại biểu khi góp ý. Có người điều hành kém tới mức, một mình anh ta nói đã hết một nửa thời lượng hội nghị, không những thế anh ta cho rằng đây là một diễn đàn để đánh bóng tên tuổi cá nhân hay khoe mình sở hữu một trí tuệ siêu việt. Lại có người thì nể nang, né tránh nên để mặc đại biểu muốn nói gì thì nói, dẫn đến lạc đề và mất thời gian. Tất nhiên cũng có loại người điều hành chỉ mong sao cho hội nghị qua nhanh để đọc kết luận đã chuẩn bị sẵn, và các đại biểu không khó để nhận ra điều này.

Một vấn đề khác có ảnh hưởng tới kết quả hội nghị là thái độ của người tham gia. Thái độ xây dựng và công tâm của các đại biểu tham dự hội nghị rất quan trọng bởi họ là số đông và ý kiến của họ sẽ làm nên giá trị khoa học không chỉ ở những bản tham luận và góp phần vào kết quả chung của hội nghị.

Phải thừa nhận rằng, ta không thiếu các đại biểu nhiệt tâm, có trình độ nhưng vì ý kiến của họ không được tiếp thu nên khi tham gia hội nghị họ không muốn phát biểu ý kiến, hoặc trước khi phát biểu, một số đại biểu đã nhận được được sự “nhắc nhở” và chính điều này đã giết chết tinh thần khoa học và tính xây dựng của ý kiến.

Thực tế cho thấy, số lượng đại biểu vô cảm, thờ ơ, thiếu tinh thần xây dựng còn rất nhiều. Họ tham gia hội nghị như một thủ tục, đi lấy lệ vì yêu cầu hành chính của cơ quan chứ không hề có trách nhiệm. Oái oăm thay, số này lại là số đông và chính thái độ của họ góp phần tạo ra sự buồn thảm của một hội nghị.

Tiện đây nhắc lại 2 địa phương đã được báo chí bêu là Nghệ An và Đà Nẵng. 

Tại Nghệ An, có cuộc “Họp báo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2015”, trong khi Chủ tịch tỉnh đang phát biểu, thì ông Phan Xuân Hóa – Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An đã vô tư mở máy tính bảng xem phim “Đười ươi và chó thông minh 9”. Hành vi này thể hiện sự thiếu nghiêm túc của người cán bộ, Đảng viên. 

Trong khi trước đó, tại Đà Nẵng, tại một hội nghị bàn về chủ đề nóng, liên quan đến phát triển của một thành phố là phòng chống HIV/AIDS mà lại chỉ có 4 tham luận và một ý kiến. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Xuân An, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị, kêu gọi đại biểu đóng góp thêm ý kiến, song đáp lại, các đại biểu chỉ…chơi game và đọc báo. Đó là một sự lãng phí ghê gớm cả về kinh tế và trí tuệ.

Một số đại biểu khác khi tham gia hội nghị với sự nhiệt tâm, nhưng tiếc thay, động đến bất cứ vấn đề gì thì họ đều như “con nai vàng ngơ ngác”, nói trắng ra là không biết gì. Loại này, chính là thành phần cần phải giảm biên chế bởi họ chỉ biết cắp ô đi về.

Còn một số ít thuộc thành phần đại biểu hội nghị là loại “tự tin vô đối”. Họ là tuýp người luôn cho rằng mình đúng, hiểu biết rất nhiều và kém chừng mực. Thậm chí, có người phát biểu sai nhưng vẫn rất tự tin cho rằng mình đúng và tiếp tục chém gió hồn nhiên. Số này thực tế không nhiều, và hầu hết thuộc về thành phần mà IC có vấn đề. Một lý do khác dẫn đến việc tổ chức hội nghị thất bại phải kể đến khâu chuẩn bị. Từ ý tưởng tổ chức, địa điểm, thời gian, nội dung, dự kiến người dự, người điều hành, chuẩn bị các ý kiến “đinh”, dự kiến các khả năng có ý kiến trái chiều và cách xử lý…cho đến trà nước, điện đóm. Ở ta, việc chuẩn bị hội nghị thường làm tốt ở các khâu có liên quan đến tài chính, hậu cần và yêu cầu đại biểu tham dự, nhưng khách mời thì luôn luôn bị phụ thuộc. 

Nhân đây cũng nói thêm, việc tổ chức hội nghị của ta bị lên án là hình thức vì nhà tổ chức luôn cố ý mời bằng được các lãnh đạo cấp cao tới dự cho thêm phần hoành tráng, và điều này dẫn đến bị động vì phụ thuộc vào lịch hàng ngày của lãnh đạo. Tôi đã chứng kiến, có hội nghị phải huy động cán bộ đến ngồi chờ (chủ động) lãnh đạo đến dự mới khai mạc được, chờ 3 tiếng, kết quả là lãnh đạo đó không đến, hội nghị buộc phải khai mạc và bế mạc trong 20 phút với những nội dung chưa hề được thảo luận. Đó là thảm họa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *