DÂN NẤU CHÁO TRONG SÂN ỦY BAN: ĐỪNG CỔ VŨ CHO VI PHẠM PHÁP LUẬT

Người xem: 160

Khoai@: 

Đúng như Khoai@ viết trong bài Chuyện vụ án nấu cháo của phóng viên Đỗ Văn báo Lao Động, bản chất của việc nấu cháo tại sân UBND xã là hành vi gây rối trật tự công cộng. Phóng viên Đỗ Văn và báo Lao Động đã cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật này.

Đọc tại đây: 

Hôm nay, xin giới thiệu bài của Tuấn Minh, đăng trên SoHa:

Dân nấu cháo trong sân ủy ban: Đừng cổ vũ cho vi phạm pháp luật

Tuấn Minh 

Vì đằng sau đó là câu chuyện về năng lực làm việc, đằng sau đó là câu chuyện tự kiểm điểm lại mình, và đằng sau đó là cả một câu chuyện dài kỳ về dân trí.

Vâng. Bạn tin vào mắt mình đi. Bạn đọc không sai đâu.

Và đây là nội dung được tả trên báo: Trong một tuần liên tục cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm 2012, mỗi ngày đều có khoảng 300 – 400 người mang theo xe cải tiến, xe đạp chở 10 chiếc nồi có dung tích từ 70 lít trở lên và gạo, xương hoặc thịt lợn, củi, trấu, mùn cưa.

Họ chở đến đặt bếp nấu cháo tại sân UBND xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Họ nấu trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến khoảng 16h 30 mỗi ngày.

Vâng, trong giờ làm việc của UBND xã.

Người dân nấu trong những cái nồi rất to. Bế con đến chơi.

Quá trình nấu cháo rất vui vẻ và… khiêu khích.

Người dân chọn những vị trí nào dễ tập trung nhất, dễ thổi khói bụi vào chính quyền nhất, và… khi chụp hình thì dễ gây ấn tượng nhất.

Thông thường, vị trí chọn là ngay giữa lối vào sảnh chính trụ sở, các cán bộ ngán ngẩm lắc đầu, người dân reo hò chia cháo cho phụ nữ và đặc biệt là trẻ em, tất nhiên họ sẽ cùng ăn cháo trước những cái trống to, một rừng điện thoại và máy ảnh!

Hàng trăm người dân tổ chức nấu cháo tại sân ủy ban. Ảnh: Lao động.

Và vì vậy, tôi rất bất ngờ khi thấy một số tờ báo đưa tin theo hướng lên án các cơ quan tư pháp trong việc xử lý nhóm người này.

Theo góc nhìn của các tờ báo đó, việc người dân tụ tập đông người tại trụ sở chính quyền, giăng biểu ngữ và tổ chức nổi lửa, nấu cháo và ăn cháo tập thể để phản đối chính quyền địa phương là một việc hết sức…bình thường, không đáng phải xử lý.

Rất đơn giản để đặt ra một câu hỏi, người dân nấu cháo có phải chỉ là để… ăn cháo?

Ai cũng thừa hiểu hành động đó rõ ràng không phải là để giải quyết nhu cầu ăn uống chống đói của người dân.

Họ là người trong xã, và nếu có nhu cầu về ăn uống, họ hoàn toàn có thể thực hiện nhu cầu đó ở nhà mình, hoặc ở các địa điểm công cộng khác như sân vận động chẳng hạn, chứ dứt khoát không thể là trụ sở UBND xã!

Đó rõ ràng là hành vi cố ý gây mất trật tự công cộng, cản trở các hoạt động thường nhật của chính quyền, dựa trên tâm lý địa phương.

Tâm lý địa phương là sao?

Cán bộ xã đa số là người làng, người thổi lửa nấu cháo cũng là người làng, họ có quan hệ địa phương, có quan hệ dòng tộc, và điều này sẽ dẫn đến tình trạng người cán bộ càng né tránh, thì người dân càng được thể làm tới.

Tình trạng trên diễn ra càng lâu dài, thì sẽ rất khó kiểm soát và mức độ nguy hiểm khi bùng phát là có thật.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự như vậy.

Người dân tụ tập đông người để phản đối, và việc tấn công, đập phá đã diễn ra khi chỉ cần một hành vi quá khích hay một lời xúi giục nào đó được kích hoạt!

Hiện trường vụ hàng trăm người dân trong xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) do bị kẻ xấu kích động đã tụ tập, kéo nhau đến trụ sở UBND xã này để đập phá vào tháng 4/2014.

***

Việc giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, và các vấn đề liên quan đến đất đai vẫn luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất.

Xã hội đã chứng kiến rất nhiều những ví dụ về sự sai phạm của các cơ quan chính quyền, của các cá nhân có trách nhiệm.

Những sai phạm đó hoặc có thể xuất phát từ mặt đạo đức, hoặc có thể xuất phát từ mặt năng lực, nhưng rõ ràng từ cấp vĩ mô, chúng ta cũng đã thẳng thắn thừa nhận điều này, đồng thời xã hội vẫn đang tiếp tục mạnh dạn “nghiến răng” để cắt bỏ nó.

Rất nhiều những vụ đại án đã được đưa ra xét xử, các “vùng cấm”liên tục bị bó hẹp lại, báo chí cũng đã được cởi mở hơn rất nhiều trong việc đưa các ông to bà lớn sai phạm lên công luận để nhân dân được biết.

Đâu còn phải né tránh bởi những yếu tố như “nhạy cảm” hay “bảo vệ nội bộ” như trước nữa đâu.

Nhưng, chuyện nào ra chuyện đó. Chúng ta cổ vũ toàn dân cùng tố giác tội phạm, toàn dân cùng tham gia làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa bộ máy chính quyền, nhưng không vì thế mà cố vũ cho các hành vi vượt quá giới hạn đến vi phạm pháp luật như thế này được.

Không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận cho việc người dân “nấu cháo” ngay trong trụ sở chính quyền như vậy.

Và tôi cũng tin rằng, chẳng có chính quyền nào nỡ “mạnh tay” với những người dân đã vi phạm cái lỗi “cười ra nước mắt” như thế này.

Vì đằng sau đó là câu chuyện dài kỳ về năng lực làm việc, đằng sau đó là câu chuyện tự kiểm điểm lại mình, và đằng sau đó là cả một câu chuyện dài kỳ về dân trí.

Nhưng, cực chẳng đã, họ vẫn phải làm. Pháp luật là câu chuyện không thể nói chơi được!

Tổng cộng 475 tháng tù và 39 tháng án treo dành cho 17 bị cáo trong câu chuyện “nấu cháo” kia là ví dụ cụ thể nhất!

Tôi bất ngờ khi các nhà báo nào đó đã đưa câu chuyện này lên mặt báo với hàm ý mỉa mai chê trách chính quyền.

Tôi e ngại rằng với sức mạnh của truyền thông, rồi sẽ có thêm những người dân khác vi phạm vào các lỗi lầm tương tự, và họ sẽ lại vướng vòng lao lý mà thôi.

Sẽ có người quy kết mục đích của bài viết này là nhằm làm công tác “tư tưởng” cho tòa án trước và sau phiên phúc thẩm vào ngày 22.4.2016.

Tôi trả lời rằng tôi luôn mong cho những người dân đã vi phạm nhận được mức án nhẹ nhất có thể, và tôi ủng hộ các nhà báo trong việc cùng nói lên tiếng nói cảm thông cho họ.

Tôi cũng ủng hộ các nhà báo đi cùng dân để làm rõ tại sao những người này phải tìm cách yêu cầu chính quyền xã thực hiện “Kết luận giải quyết đơn tố cáo của UBND huyện Phúc Thọ”, xử lý cán bộ sai phạm. Nhưng tôi không ủng hộ cách họ vi phạm pháp luật để gây áp lực.

Nhưng rõ ràng tôi mong chờ những bài viết cầu thị, nhìn thẳng vào sai lầm hơn nhiều những bài báo mang tính chất giễu nhại chính quyền và cổ vũ hành vi sai trái của người dân như thế.

Tôi mong chờ những bài viết tích cực không chỉ nhắm đến người dân Phúc Thọ, mà còn nhằm cảnh tỉnh cho người dân trên cả nước, đồng thời cũng là những bài báo để chính quyền phải nhìn nhận lại chính bản thân mình hơn!

theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *