Những ngày gần đây, khi một phóng sự phát trong chương trình “Chuyển động 24h” do Trung tâm Tin tức VTV24 sản xuất bị chỉ trích có chi tiết dàn dựng cảnh phá rừng ở Đắk Lắk, vấn đề đạo đức và pháp lý trong tác nghiệp truyền hình lại một lần nữa được đặt ra…
Trước đó mấy năm, phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định đoạt giải B giải báo chí tỉnh và được phát trên VTV cũng bị nhân vật trong phóng sự tố cáo dàn dựng. Sau khi kiểm tra làm rõ, tác phẩm này bị rút giải thưởng.
Phóng sự ấy ghi hình 2 thương binh, người cụt cả hai chân, người cụt tay nhưng vẫn lái ô tô chạy bon bon trên đường. Lời bình nhấn mạnh: “Cả hai đều được cấp bằng lái ô tô”. Chỉ vì muốn phản ánh tình trạng xuống cấp trong hoạt động đào tạo cấp bằng lái ô tô mà tác giả lừa dối nhân vật, dàn dựng bối cảnh sai bản chất, thông tin sai sự thật (thực tế những thương binh này không có giấy phép lái xe và bị cấm lái xe).
Tình huống trên đã vi phạm nguyên tắc thu thập và xử lý thông tin trong tác nghiệp truyền hình, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đạo đức báo chí. Dù có nhân danh những mục đích đúng đắn, lớn lao khi thực hiện phóng sự, các tác giả ấy cũng không thể biện minh cho phương pháp tác nghiệp sai trái như vậy.
Thực ra, trong tác nghiệp truyền hình, việc nhà báo nhờ nhân vật hỗ trợ, hợp tác để ghi hình là phổ biến. Ngay cả trong việc dựng cảnh như thế cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung là không bóp méo sự thật, tôn trọng logic và nhân vật trong phóng sự biết rõ mục đích ghi hình, ý đồ tác phẩm. Thủ pháp dựng cảnh trong tác nghiệp truyền hình thường rơi vào những tác phẩm có nội dung biểu dương, ca ngợi, tích cực.
Dàn dựng cũng là thủ pháp trong truyền hình (từ “dàn dựng” ban đầu không mang nghĩa tiêu cực), được dùng nhiều trong phim tài liệu. Ví dụ làm phim tài liệu lịch sử, khi không có hình ảnh tư liệu, đạo diễn phải tái tạo hiện thực. Hoặc khi làm phóng sự về một vụ án, tác giả có thể tái hiện hành vi của kẻ phạm tội bằng cách dàn dựng nhưng trong trường hợp này, cách xử lý ngôn ngữ hình ảnh của đạo diễn (chuyển thành đơn sắc, dùng ngôn ngữ dựng hình, ghi chú thích bằng dòng văn bản…) giúp khán giả vẫn biết được đó là những hình ảnh được dàn dựng, tái hiện.
Tuy nhiên, khi phản ánh một nội dung tiêu cực, khi muốn dùng hình ảnh để chứng minh những hành vi sai trái, xấu xa, nhà báo phải sử dụng thủ pháp điều tra để ghi hình đúng sự thật. Không ai có thể hợp tác với nhà báo để bôi xấu chính mình trên truyền thông. Khi nhà báo nhân danh các mục đích nào đó để lợi dụng nhân vật của mình thì đó là gài bẫy, là ứng xử nhẫn tâm, là vi phạm pháp luật và đạo đức, có trường hợp thậm chí bị khởi tố hình sự.
Dàn dựng chỉ có thể là thủ pháp báo chí khi nó phản ánh đúng bản chất sự kiện; khi công chúng truyền thông hiểu được thông điệp, đồng thời nhận rõ đó là hình ảnh tái tạo, hình ảnh được sắp xếp; khi nhân vật biết rõ mục đích của việc chụp, ghi và tác phẩm không gây tác hại cho họ. Nhân danh mục đích tốt để biện minh cho việc “dàn dựng” bóp méo sự thật không chỉ vi phạm đạo đức nghề báo mà còn vi phạm pháp luật.
PHAN VĂN TÚ
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố